1. Cấu tạo của mũi
Mũi là một trong những cơ quan của hệ hô hấp, cấu tạo của mũi gồm các thành phần sau:
1.1 Mũi ngoài
- Hình dạng và cấu trúc: Mũi ngoài lồi lên ở giữa mặt, có dạng hình tháp 3 mặt mà mặt nhỏ nhất là 2 lỗ mũi trước, 2 mặt bên nằm ở 2 bên của mũi. Phía trên là gốc mũi, ở giữa 2 mắt, một đường gờ dọc tiếp tục từ gốc mũi xuống dưới là sống mũi và tận cùng là đỉnh mũi. Sau sống mũi là vách mũi, hai bên là 2 cánh mũi, giữa vách mũi và cánh mũi là 2 lỗ mũi ở phía trước. Giữa cánh mũi và má là rãnh mũi má.
- Mũi ngoài được cấu tạo bởi một khung xương mũi và sụn, bao bọc bởi cơ và da, phía bên trong được lót bởi niêm mạc mũi.
1.2 Mũi trong
Mũi trong gồm 2 ổ mũi, nằm ngay dưới nền sọ và phía trên khẩu cái cứng, hai ổ cách nhau bởi vách ngăn mũi, thông với bên ngoài qua lỗ mũi trước và thông với vùng hầu họng ở sau qua lỗ mũi sau.
1.2.1 Tiền đình mũi
Là phần đầu tiên của ổ mũi, tiền đình mũi hơi phình ra, tương ứng với phần sụn cánh mũi lớn. Phần lớn tiền đình mũi được lót bởi da và có nhiều lông, tuyến nhầy để cản bụi.
1.2.2 Lỗ mũi sau
Ở phía sau của khoang mũi có 2 lỗ cách nhau bởi vách mũi, là nơi thông thương giữa ổ mũi với tỵ hầu, có chức năng đưa không khí đi vào vòm họng và đường hô hấp dưới.
1.2.3 Vách mũi
Vách mũi hay thành mũi trong có hai phần là phần sụn và phần xương
- Phần sụn: Ở phía trước, gồm trụ trong sụn cánh mũi lớn và sụn vách mũi, sụn lá mía mũi.
- Phần xương: Ở sau, do mảnh thẳng đứng của xương sàng và xương lá mía tạo nên.
1.2.4 Trần ổ mũi
Trần của ổ mũi do một phần của các xương bao gồm: Xương mũi, trán, sàng và thân xương bướm tạo nên.
1.2.5 Nền ổ mũi
Nền ổ mũi là khẩu cái cứng, giúp ngăn cách giữa ổ mũi và ổ miệng.
1.2.6 Thành mũi ngoài
Tạo nên bởi xương hàm trên, xương mũi, xương lệ, mảnh thẳng xương khẩu cái, mê đạo sàng và mỏm chân bướm. Có 3-4 mảnh xương cuốn cong, nhô vào ổ mũi gọi là các xoăn mũi (gồm có xoăn mũi dưới, xoăn mũi giữa, xoăn mũi trên) và đôi khi có thêm xoăn mũi trên cùng. Các xương xoăn mũi tạo với thành ngoài ổ mũi các ngách mũi tương ứng. Các ngách mũi này thông với xoang mũi, giúp dẫn lưu dịch từ các xoang.
1.2.7 Niêm mạc mũi
Lót mặt trong ổ mũi là lớp biểu mô trụ tầng có nhiều lông chuyển, liên tục và có cấu tạo tương tự với niêm mạc các xoang, niêm mạc hầu. Niêm mạc mũi được chia thành 2 vùng là vùng khứu giác và vùng hô hấp:
Vùng khứu giác, gần trần ổ mũi, niêm mạc có nhiều đầu mút thần kinh khứu giác, giúp cảm nhận các mùi khác nhau.
Vùng hô hấp: Phần lớn phía dưới ổ mũi. Niêm mạc có nhiều mạch máu, tuyến niêm mạc và tổ chức bạch huyết có chức năng sưởi ấm, làm ẩm không khí, lọc bớt bụi và sát trùng không khí trước khi không khí đi vào phổi.
2. Cấu trúc xương mũi
2.1 Xương mũi
Xương mũi bắt đầu từ khoảng giữa chân mày và kết thúc bằng một rãnh mũi răng cưa. Các xương mũi thường thuôn, dài, nhỏ có thể khác nhau về kích thước và hình thức ở từng các nhân. Xương mũi thường được chia thành hai phần đối xứng nhau ở giữa khuôn mặt. Hai xương mũi được nối với nhau bằng đường khâu giữa mũi và tạo thành sống mũi.
Chức năng của xương mũi là giúp mũi ngoài không bị xẹp xuống và có thể đảm bảo cho không khí lưu thông qua khoang mũi.
Xương mũi trong bao gồm:
- Xương sàng và xương lá mía: Là thành phần cấu tạo nên vách mũi.
- Xương mũi, trán, sàng và thân xương bướm: Tạo nên phần trần của ổ mũi. Giúp ngăn cách mũi với vùng nền sọ.
- Khẩu cái cứng giúp ngăn cách giữa mũi và khoang miệng.
- Xương hàm trên, xương mũi, xương lệ, mảnh thẳng xương khẩu cái và mỏm chân xương bướm: Giúp cấu tạo nên thành ngoài của mũi.
- Xương xoăn mũi: Kết hợp với thành ngoài của mũi tạo thành các ngách mũi, gồm ngạch mũi trước giữa và sau. Giúp lưu thông dịch từ các xoang cạnh mũi.
2.2 Sụn mũi
Sụn mũi có cấu tạo từ collagen, protein, nước và các thành phần khác. Sụn mũi bao gồm:
- Sụn mũi nhỏ tác dụng liên kết các xương mũi lớn với sụn mũi bên.
- Sun Alar tạo thành cấu trúc của lỗ mũi.
- Sụn mũi bên có cấu trúc hình tam giác và nằm bên dưới xương mũi.
- Sụn vách ngăn còn được gọi là sụn tứ giác có tác dụng kết nối giữa xương mũi với sụn bên.
- Sụn Vomeronasal còn được gọi với cái tên khác là sụn Jacobson có tác dụng kết nối các vạch ngăn và các xương mỏng ngăn cách 2 lỗ mũi.
Chức năng chính của sụn là giúp liên kết giữa các xương và sụn với nhau, năng đỡ mũi, hỗ trợ xương mũi giúp mũi không bị xẹp, để thực hiện chức năng thông khí.
Cấu trúc của sụn mũi