6 loại vaccin quan trọng nên biết

Ngay từ khi mới sinh ra trẻ sẽ được nhận mũi vaccine đầu tiên. Tính cho tới khi con bạn bắt đầu vào mẫu giáo, trẻ sẽ được tiêm chủng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng các loại vaccin như:

  • Vaccine viêm gan B
  • Vaccine phối hợp 5 trong 1: bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và Hib (viêm phổi - viêm màng não mủ do Haemophyllus influenza type B)
  • Vaccine bại liệt uống OPV hoặc tiêm IPV
  • Vaccine sởi, rubella (MR)
  • Vaccine phòng Viêm não Nhật bản B

Tuy nhiên có một số loại vaccine quan trọng khác và bạn có thể cân nhắc lựa chọn 6 loại vaccine quan trọng nên tiêm cho trẻ cũng như cho chính bạn. Hãy tham khảo các thông tin chúng tôi trao đổi cùng với bạn dưới đây:

 

Vaccine thủy đậu

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), tất cả trẻ em khỏe mạnh trong độ tuổi từ 12 tháng đến 12 tuổi nên tiêm 2 liều vaccine phòng thủy đậu. CDC khuyến cáo trẻ nên được tiêm mũi đầu tiên trong khoảng 12-15 tháng tuổi, và mũi thứ hai trong khoảng từ 4-6 tuổi.

Nghiên cứu đã chứng minh rằng vaccine thủy đậu là an toàn cho trẻ em. Các tác dụng phụ nghiêm trọng rất hiếm khi xảy ra, bao gồm:

  • Giảm tiểu cầu
  • Tổn thương vùng não kiểm soát khả năng thăng bằng
  • Liệt nửa người

Một số tác dụng phụ khác hay gặp hơn nhưng thường là nhẹ bao gồm:

  • Đau, sưng và tấy đỏ tại vị trí tiêm
  • Sốt
  • Phát ban

 

Vaccine phòng rotavirus (phòng tiêu chảy)

Rotavirus là một loại virus có khả năng lây lan cao và gây bệnh tiêu chảy nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, thường đi kèm với nôn mửa và sốt. Nếu không được điều trị, trẻ có thể bị mất nước nặng và thậm chí tử vong.

Theo PATH, một tổ chức phi chính phủ về y tế, mỗi năm có thêm 450.000 trẻ em dưới 5 tuổi bị tử vong do mắc bệnh tiêu chảy do rotavirus trên toàn cầu. Thêm vài triệu trẻ em phải nhập viện mỗi năm vì nhiễm virus.

CDC khuyến cáo rằng hầu hết mọi trẻ em nên được sử dụng vaccine phòng rotavirus để tránh mắc phải căn bệnh nguy hiểm này.

Hai loại vaccine rotavirus đường uống gần đây đã được chấp nhận đưa vào sử dụng để phòng nhiễm rotavirus (Rotarix và RotaTeq). Những vaccine này bao gồm 2 hoặc 3 liều. CDC khuyên rằng cha mẹ nên đưa trẻ đi uống vào các thời điểm 2, 4, và 6 tháng (nếu cần thiết). Liều đầu tiên nên trước 15 tuần tuổi và liều cuối cùng nên trước 8 tháng tuổi.

Nghiên cứu đã chứng minh rằng không phải tất cả mọi trẻ em đều nên sử dụng vaccin ephòng rotavirus. Những trẻ bị dị ứng với loại vaccin này hoặc mắc những bệnh dị ứng nghiêm trọng khác thì không nên sử dụng vaccine. CDC cũng khuyến cáo rằng những trẻ bị mắc bệnh suy giảm miễn dịch kết hợp nghiêm trọng (severe combined immunodeficiency – SCID) hay các vấn đề về miễn dịch khác hoặc bệnh lồng ruột thì không nên tiêm vaccine này.

Giống như những vaccine khác, vaccine phòng rotavirus cũng có những nguy cơ nhất định. Tuy nhiên, tác dụng không mong muốn thường nhẹ và có thể tự khỏi (tiêu chảy tạm  thời, nôn mửa). Những tác dụng phụ nghiêm trọng đã được báo cáo, bao gồm chứng lồng ruột và phản ứng dị ứng.

 

Vaccin viêm gan A

Viêm gan A là bệnh gan cấp tính gây ra bởi virus hepatitis nhóm A. Các triệu chứng có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng. CDC khuyến cáo mọi trẻ em nên tiêm vaccine viêm gan A trong khoảng từ 1 – 2 tuổi, liều tiêm là 2 mũi cách nhau khoảng 6 tháng.

Vaccine viêm gan A cũng đôi khi được khuyến cáo cho người lớn. Những người đi du lịch tới một số quốc gia và khu vực và những người có nguy cơ cao mắc bệnh viêm gan A – như nam giới có quan hệ đồng tính hay những người nghiện ma túy và những người mắc bệnh gan mãn tính – nên được tiêm phòng viêm gan A.

Vaccine viêm gan A được coi là loại vaccin khá an toàn. Tác dụng phụ tương đối nhẹ như đau quanh chỗ tiêm, đau đầu, ăn không ngon, mệt mỏi. Nguy cơ bị dị ứng tương đối thấp nhưng khá nghiêm trọng. Bạn nên gọi cấp cứu ngay nếu con bạn hoặc những người được tiêm vaccine viêm gan A gặp phải các triệu chứng sau đây:

  • Nổi mày đay
  • Sưng phù mặt
  • Tim đập nhanh
  • Hoa mắt
  • Kiệt sức

 

Vaccine phòng bệnh não mô cầu (MCV)

Não mô cầu là một bệnh rất nguy hiểm do vi khuẩn gây ra bao gồm các triệu chứng của viêm màng não. Trẻ em là đối tượng đặc biệt dễ bị nhiễm bệnh do não mô cầu nếu sinh sống trong khu vực có dịch bệnh, dùng chung đồ đạc với người bệnh, hôn hay tiếp xúc với dịch tiết của những người mắc bệnh.

CDC khuyến cáo rằng trẻ em từ 11 đến 18 tuổi nên tiêm một liều vaccine phòng não mô cầu (Menactra). Ngoài ra, những sinh viên sống trong khu vực ký túc xá đông đúc cũng nên tiêm loại vaccine này.

Vaccine phòng bệnh do não mô cầu tương đối an toàn. Các tác dụng phụ thường chỉ nhẹ và thoáng qua như:

  • Đau và tấy đỏ tại chỗ tiêm
  • Đau đầu
  • Mệt mỏi

Tác dụng phụ nghiêm trọng hiếm khi xảy ra bao gồm hội chứng Guillain-Barré (là một chứng rối loạn do hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công một phần hệ thần kinh ngoại biên). Hội chứng này có thể gây yếu cơ, liệt và tổn thương thần kinh vĩnh viễn. Theo CDC, loại vaccine này an toàn cho tất cả mọi người trừ những người bị dị ứng với liều vaccine não mô cầu trước.

 

Vaccine phòng ung thư cổ tử cung (HPV)

HPV (Human papillomavirus) là một loại virus khá phổ biến lây truyền qua đường tình dục. Theo CDC, khoảng 80 triệu người Mỹ bị nhiễm loại virus này (cứ 4 người lại có 1 người mắc), cứ mỗi năm lại có 14 triệu người nhiễm mới. Một số chủng HPV có thể gây ung thư cổ tử cung, âm đạo và âm hộ ở phụ nữ, ung thư dương vật ở nam giới, ung thư hậu môn và họng, và mụn cóc sinh dục ở cả nam và nữ.

Vaccine HPV được khuyến cáo cho trẻ em trong trong độ tuổi từ 11 – 12 tuổi. Nó cũng được khuyến cáo sử dụng cho trẻ em và phụ nữ từ 13 đến 26 tuổi chưa từng được tiêm vaccin. Tại Việt Nam hiện có 2 loại vaccine là Gardasil và Cervarix.

Tác dụng phụ thường nhẹ bao gồm:

  • Đau, sưng, tấy đỏ tại vị trí tiêm
  • Buồn nôn
  • Hoa mắt
  • Chóng mặt
  • Đau đầu

Hiện chưa ghi nhận tác dụng phụ nghiêm trọng nào của vaccine HPV.

 

Vaccine Tdap (phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà)

Tdap là sự kết hợp các mũi tiêm nhắc lại có tác dụng bảo vệ người lớn khỏi bệnh bạch hầu (một căn bệnh nhiễm trùng mũi và họng), uốn ván (bệnh do vi khuẩn tấn công hệ thần kinh của cơ thể), và ho gà (bệnh nhiễm trùng đường hô hấp có khả nang lây lan cao).

Kể từ khi vaccine Tdap được đưa vào sử dụng cho cộng đồng, số ca mắc uốn ván và bạch hầu đã giảm tới 99%  và tỷ lệ mắc ho gà cũng giảm tới 80%. Gần đây, liều đơn vaccine Boostrix đã được chấp nhận sử dụng cho đối tượng từ 10 tuổi đến 64 tuổi. Vaccine ADACEL cũng được tiêm với liều duy nhất cho trẻ 11-12 tuổi.

CDC khuyến cáo rằng mọi người dân chưa được tiêm vaccin eTdap nên đi tiêm càng sớm càng tốt. Những nhân viên y tế và bất cứ người nào tiếp xúc với trẻ sơ sinh cũng nên tiêm vaccine Tdap, bao gồm cả những phụ nữ có thai là những đối tượng nên tiêm vaccin trong thai kỳ để bảo vệ con của họ khỏi bệnh ho gà.

Các nghiên cứu đã chứng minh vaccine Tdap tương đối an toàn khi sử dụng. Tuy nhiên, những người đã từng có tiền sử dị ứng với vaccine Tdap trước kia hay những vaccine khác không nên tiêm. Hãy thông báo cho bác sỹ biết nếu bạn hoặc con bạn đã từng bị co giật hay gặp phải các vấn đề về thần kinh khác, đã từng bị sưng đau nghiêm trọng sau khi tiêm vaccine, đã từng mắc hội chứng Guillian-Barré hay cảm thấy khó chịu, mệt mỏi sau khi tiêm vaccine Tdap.

Việc quyết định cho con mình tiêm thêm một số vaccine khác hay không hoàn toàn phụ thuộc vào lựa chọn của bạn. Một số loại vaccine có thể gây ra tác dụng không mong muốn nghiêm trọng đối với một số đối tượng. Tuy nhiên, cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ thì việc tiêm các vaccine nói trên vẫn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe hơn là những rủi ro nó mang lại.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top