Các biểu hiện ở người bị lú lẫn

Người cao tuổi, hệ thần kinh suy yếu, dễ mắc chứng lú lẫn. Người bệnh thường không thể phân biệt phương hướng, ghi nhớ, phân tích, chú ý hay ra quyết định nào đó cho hoạt động cuộc sống hàng ngày. Nếu phát hiện và điều trị tích cực, người bệnh có thể phục hồi hoàn toàn hoặc một phần hoạt động của não.

Bản thân người bệnh có thể không nhận biết được mình mắc hội chứng lú lẫn, tuy nhiên người xung quanh, đặc biệt có giao tiếp sẽ nhận ra tình trạng này. Thế nên việc chăm sóc, khắc phục trình trạng lú lẫn cho người cao tuổi phụ thuộc nhiều vào người thân.

Các biểu hiện dễ thấy ở người bị lú lẫn

  • Tiếp thu thông tin chậm như trả lời câu hỏi chậm, bỏ qua nhiều câu hỏi.
  • Thay đổi cảm xúc bất thường , đôi lúc tức giận, bối rối, đôi lúc im lặng không nhớ bản thân là ai,…
  • Trầm tư, ít nói. Ánh mắt nhìn xa xăm, không có trọng tâm.
  • Bệnh nhân có thể không nhận ra người thân hoặc lúc nhận ra lúc không, khái niệm thời gian và sáng tối bị đảo lộn. Hội chứng lú lẫn càng nghiêm trọng thì thời gian tỉnh táo của bệnh nhân càng ít.

Tùy vào nguyên nhân và tổn thương thần kinh gây ra hội chứng lú lẫn là tạm thời có thể phục hồi hay không, thầy thuốc sẽ có phương pháp điều trị cụ thể. Đa phần nếu tình trạng lú lẫn được phát hiện sớm, điều trị tích cực thì có thể phục hồi hoàn toàn hoặc một phần chức năng não bộ, không để lại di chứng nặng nề.

Chẩn đoán sớm tìm nguyên nhân và mức độ tổn thương để can thiệp đóng vai trò quan trọng trong hiệu quả điều trị bệnh. Bệnh nhân sẽ được chẩn đoán bằng các phương pháp như: xét nghiệm máu, chụp CT, chụp MRI, đo điện não đồ, đánh giá mức độ rối loạn tâm thần,…

 

Cách chăm sóc người mắc chứng lú lẫn

Hội chứng lú lẫn tuổi già, khả năng phục hồi khá hạn chế, chăm sóc và điều trị chủ yếu giúp trấn an tinh thần người bệnh, giảm mức độ suy giảm chức năng thần kinh.

Về cơ bản cần thực hiện:

  • Luôn luôn giám sát, cho người cao tuổi ăn cơm, uống thuốc đúng giờ
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng đa dạng, xen kẽ nhiều món ăn khác nhau để tránh bệnh nhân bị thiếu dinh dưỡng vì chỉ ăn một món theo sở thích. Bệnh nhân cũng cần ăn thêm các bữa phụ nếu ăn ít trong bữa chính.
  • Chuẩn bị đồ cá nhân cho người cao tuổi khi tắm giặt, vệ sinh cá nhân. Cần sử dụng ghế ngồi để tắm, tránh té ngã.
  • Khuyến khích người bệnh tham gia nhiều sinh hoạt ban ngày, vận động cơ thể thường xuyên.
  • Quần áo của bệnh nhân cần rộng rãi và thoải mái.
  • Giầy, dép cũng không nên có dây buộc vì sẽ khiến người bệnh thêm  bối rối; và nên chọn loại đế chống trơn, bền chắc.
  • Các vật dụng có thể gây hại cho người bệnh như thuốc men, đồ điện, phích nước cần để trên cao, có dán băng keo, tránh người bệnh tự lấy uống hoặc vô ý sử dụng.
  • Gia đình, người thân cần thường xuyên trò chuyện với bệnh nhân.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top