1. Dấu hiệu suy thận nhẹ độ 1
Bệnh nhân suy thận nhẹ ở cấp độ thấp nhất (độ 1) thường chưa có dấu hiệu quá rõ ràng. Tuy nhiên cần chú ý đến một số thay đổi bất thường ở cơ thể như:
- Có triệu chứng mệt mỏi, thiếu máu nên hay choáng váng, chóng mặt đau đầu
- Không cảm thấy ngon miệng, không thèm ăn
- Hai bên mạn sườn thỉnh thoảng bị đau tức
- Nước tiểu có màu đậm hơn so với thông thường, có thể có máu
- Huyết áp có dấu hiệu tăng cao
- Thi thoảng bị nôn hoặc buồn nôn
- Ngủ không ngon giấc, thường mất ngủ
Khi thực hiện xét nghiệm máu sẽ có một số chỉ số đáng báo động như:
- Chỉ số ure và creatinin cao hơn so với mức bình thường.
- Nồng độ máu < 130umol/l.
- Có xác định được một số tổn thương nhẹ khi chụp X quang hay siêu âm.
Những triệu chứng này thường không quá rõ ràng và dễ dàng nhầm lẫn với các bệnh lý khác, bạn nên hình thành thói quen khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh và điều trị sớm.
2. Suy thận nhẹ độ 1 có chữa được không?
Trong 5 cấp độ của suy thận, độ 1 là cấp suy thận nhẹ nhất và thận ít thương tổn nhất. Bệnh nhân có thể phục hồi hoàn toàn nếu kịp thời phát hiện sớm và điều trị theo phác đồ của bác sĩ cũng như chú ý kết hợp chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý.
Tuy nhiên, suy thận nhẹ rất dễ chuyển thành suy thận nặng vì một số lý do như sau:
- Triệu chứng không rõ ràng khiến đa số người bệnh không biết mình đang mắc bệnh. Nếu người bệnh có xuất hiện những dấu hiệu như ở phần 1 thì cũng chóng qua và không mấy ai để ý, theo dõi kịp thời.
- Suy thận nặng có thể gây nên nhiều tổn hại nguy hiểm cho sức khỏe bệnh nhân. Một số bệnh nhân chỉ có thể duy trì mạng sống qua chạy thận nhận tạo khi chức năng thận đã suy giảm hoàn toàn.
- Điều trị bệnh suy thận không thể diễn ra trong một sớm một chiều mà đòi hỏi sự kiên nhẫn khắc phục từ từ. Đặc biệt khi đã có dấu hiệu suy thận nhẹ, ăn uống và sinh hoạt có ảnh hưởng vô cùng to lớn đến chức năng thận. Người bệnh không nên tùy ý trong việc ăn uống, sử dụng các loại thực phẩm và cần có chế độ sinh hoạt hợp lý để tránh tạo áp lực cho thận.
Suy thận nhẹ có thể điều trị được dựa vào phác đồ của bác sĩ kết hợp chế độ sinh hoạt lành mạnh
3. Điều trị suy thận nhẹ độ 1
Khi phát hiện bị suy thận nhẹ, các bác sĩ sẽ chỉ định một số nhóm thuốc dùng kết hợp để cải thiện bệnh, chữa trị các dấu hiệu như thiếu máu, giảm huyết áp…, cụ thể như sau:
- Thuốc làm giảm huyết áp: Đây là một trong những triệu chứng điển hình của suy thận nhẹ. Các bác sĩ sẽ tư vấn một số loại thuốc điều trị cao huyết áp như Natri Nitroprusside, Adalat…
- Thuốc làm giảm cholesterol: Khi có dấu hiệu suy thận nhẹ, bệnh nhân thường có nồng độ cholesterol cao hơn bình thường. Nồng độ này cao có thể dẫn đến các bệnh về tim mạch. Bác sĩ có thể kê một số loại thuốc giảm cholesterol như: Crestor 10mg, Lipitor, Lipanthyl 200mg…
- Cải thiện tình trạng thiếu máu bằng một số loại thuốc: Bệnh nhân được kê một số loại thuốc kích thích cơ thể sản sinh hồng cầu. Ngoài ra sẽ được bác sĩ tư vấn bổ sung sắt vào cơ thể.
- Thuốc lợi tiểu, giảm ứ đọng thận: Chức năng thận suy giảm sẽ làm khả năng thải độc của thận giảm, do đó bác sĩ sẽ có chỉ định dùng các loại thuốc lợi tiểu, giảm sưng, phổ biến đó là Glycerin, Mannitol, Methazolamide…
Bạn cần chú ý rằng, những loại thuốc này sẽ điều trị trực tiếp các triệu chứng, dấu hiệu bệnh. Quá trình điều trị suy thận nhẹ cần diễn ra lâu dài. Khi các triệu chứng được chữa khỏi cũng có nghĩa chức năng thận dần khôi phục và tốt hơn.
Lưu ý: thông tin điều trị nêu trên chỉ mang tính chất tham khảo. Ngoài ra, các loại thuốc này cần được kê đơn và được chỉ định trực tiếp từ bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có sự hướng dẫn và phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa.
4. Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt phòng ngừa và kiểm soát bệnh suy thận nhẹ
Như đã nói, điều trị suy thận, dù nặng hay nhẹ đều là một quá trình lâu dài. Ngoài dùng thuốc, bệnh nhân cần áp dụng chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học mới mong cải thiện và hồi phục hoàn toàn chức năng thận.
4.1. Dinh dưỡng dành cho bệnh nhân suy thận nhẹ
- Một số loại thực phẩm được khuyên dùng bao gồm: Rau củ quả, trái cây tươi, đậu, ngũ cốc nguyên hạt, ăn các loại cá giàu omega – 3, quả hạch, thịt gia cầm…
- Giảm sử dụng muối: Việc hấp thu quá nhiều muối sẽ khiến nước bị ứ nhiều trong cơ thể, lâu dài gây nên hiện tượng tăng huyết áp, tăng nguy cơ mắc sỏi thận, sỏi tiết niệu, làm thận ứ nước, suy giảm chức năng thận.
- Cung cấp đủ nước cho cơ thể: Cơ thể chúng ta chiếm phần đa là nước. Đây là yếu tố rất cần thiết duy trì hoạt động khỏe mạnh của cơ thể, đặc biệt là khả năng hoạt động của thận.
- Mỗi người sẽ cần một lượng nước phù hợp, rơi vào từ 1,5 – 2,5 lít mỗi ngày. Bạn cần dựa vào cơ thể mình để bổ sung nước phù hợp, vừa đủ. Không bổ sung nước quá thừa, vì như thế cũng có thể gây ảnh hưởng đến chức năng thận.
- Không nên hút thuốc lá: Thuốc lá cực kỳ có hại cho sức khỏe con người. Không chỉ mỗi gan và tim, thận cũng chịu tổn thương nặng nề bởi việc hút thuốc lá như gây cản trở lưu lượng máu đến thận, khiến tình trạng bệnh đái tháo đường thêm trầm trọng, gián tiếp làm suy giảm chức năng thận.
- Không dùng quá nhiều đồ uống có cồn: Khi uống quá nhiều rượu bia sẽ khiến bạn có nguy cơ thừa cân, có thể gây nên bệnh tim mạch kéo theo tình trạng suy thận. Do đó không nên lạm dụng rượu bia để giữ gìn sức khỏe thận cũng như các cơ quan khác.
- Không lạm dụng thuốc: Mọi loại thuốc đều cần tuân thủ theo quy định của bác sĩ, một số nhóm kháng viêm ở liều cao đều có thể gây nên việc giảm lưu lượng máu đi qua thận.
4.2. Sinh hoạt dành cho bệnh nhân suy thận nhẹ
- Không nên thức khuya, quá căng thẳng: Tăng huyết áp rất dễ xảy ra khi bạn căng thẳng quá lâu, trong khi đó tăng huyết áp cũng là một trong những dấu hiệu của suy thận nhẹ.
- Chăm chỉ vận động, thể dục thể thao: Thể dục thể thao và tăng cường vận động luôn là lối sinh hoạt lành mạnh nhất. Không chỉ tốt cho thận mà còn cho cả mọi cơ quan, bộ phận trong cơ thể. Cụ thể, thể dục thể thao tăng cường tuần hoàn máu, các tế bào bạch cầu hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên cần chú ý và cân nhắc các bài tập phù hợp với sức khỏe mình để đạt hiệu quả cao nhất, tránh phản tác dụng.
Suy thận nhẹ hoàn toàn có thể phục hồi dựa trên phác đồ của bác sĩ kết hợp với chế độ sinh hoạt ăn uống lành mạnh. Điều quan trọng là cần thực hiện một cách nghiêm túc và tuân thủ chỉ định cũng như lời khuyên của bác sĩ. Cần đến những cơ sở uy tín để được thực hiện xét nghiệm và chẩn đoán chính xác, lên phác đồ điều trị hoàn hảo nhất.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp