✴️ Loãng xương là gì?

Các triệu chứng loãng xương

Bệnh loãng xương diễn biến từ từ và thầm lặng, không triệu chứng. Người bị loãng xương thường không biết mình bị bệnh, cho đến khi bị biến chứng gãy xương. Gãy xương do loãng xương thường gặp nhất ở cổ tay, đốt sống và cổ xương đùi.
Đau lưng và giảm chiều cao là những triệu chứng thường gặp của loãng xương ở phụ nữ lớn tuổi, thường do gãy và lún (xẹp) thân các đốt sống.

Các yếu tố nguy cơ của loãng xương

Các yếu tố có thể thay đổi: ít hoạt động thể lực, hút thuốc lá, uống rượu nhiều, nhẹ cân, chế độ ăn uống thiếu canxi, thiếu vitamin D, hay bị té ngã (do thị lực, do đau khớp, do yếu cơ, do bệnh lý thần kinh…)

Các yếu tố không thể thay đổi:

  • Giới tính: nữ giới dễ bị loãng xương hơn nam giới
  • Tuổi: càng lớn tuổi, nguy cơ càng cao;
  • Thể chất: Người bé, xương nhỏ nguy cơ cao hơn;
  • Di truyền, gia đình: Tiền căn đã từng bị gãy xương do loãng xương;
  • Mắc các bệnh khác: các bệnh viêm khớp hệ thống sử dụng thuốc nhóm corticosteroids dài ngày, bệnh gan mạn, bệnh thận mạn, bệnh tuyến giáp.

Biến chứng của loãng xương

Biến chứng nặng nề nhất của loãng xương là gãy xương. 75% trường hợp gãy cổ xương đùi xảy ra ở phụ nữ và 25% xảy ra ở nam giới trên 50 tuổi.
Gãy xương gây đau đớn, biến dạng cơ thể, mất khả năng vận động, giảm chất lượng cuộc sống, giảm tuổi thọ, tăng nguy cơ tử vong, tăng gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội.

  • Gãy cổ xương đùi làm tăng nguy cơ gãy xương kế tiếp gấp 2,5 lần;
  • 25% trường hợp tử vong xảy ra trong vòng một năm sau gãy cổ xương đùi;
  • 60% bị hạn chế vận động, phải có sự trợ giúp của người khác;
  • 40% không thể tự đi lại, phải sống lệ thuộc người khác;

Gia tăng nguy cơ mắc các biến chứng tim mạch, nhồi  máu cơ tim, biến chứng hô hấp, viêm phổi… do phải nằm bệnh viẹn, do bị bất động vì gãy xương.

biến chứng của loãng xương

Điều trị loãng xương

Mục đích chính của điều trị loãng xương là ngăn ngừa gãy xương mới và gãy xương tái phát, nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nguy cơ tử vong.
Thay đổi lối sống, bổ sung đầy đủ canxi và vitamin D theo nhu cầu hằng ngày của cơ thể:

  • Canxi là thành phần cấu tạo xương. Sau 50 tuổi, nhu cầu canxi hằng ngày cần 1000 mg canxi nguyên tố. cần sử dụng những thực phẩm giàu canxi như sữa ít béo, phô mai, sữa chua, tôm nhỏ ăn cả vỏ, cá nhỏ ăn cả xương, ốc. Nếu chế độ dinh dưỡng không cung cấp đủ canxi thì người bệnh cần được kê toa bổ sung thuốc canxi thích hợp.
  • Vitamin D giúp tăng hấp thu canxi. Sau 50 tuổi lượng vitamin D cần mỗi ngày từ 600 – 800 UI. Vitamin D được sản xuất từ da khi tiếp xúc trực tiếp từ ánh nắng mặt trời. Việc phơi nắng có thể cung cấp đủ lượng vitamin D cần thiết, tuy nhiên cũng có thể bổ sung lượng vitamin D cần thiết hàng ngày qua đường thực phẩm.
  • Tập thể dục thích hợp và đều đặn, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia.
  • Tránh té ngã.

Xem thêm: Đo loãng xương bằng phương pháp Dexa, Dxa

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top