✴️ Mổ dây chằng nên ăn gì và những điều cần lưu ý

1. Mổ dây chằng nên ăn gì?

1.1. Thức ăn dạng lỏng

Thuốc gây mê cản trở phản xạ bảo vệ giữ cho các thành phần bên trong dạ dày không tràn vào phổi. Do đó, để đảm bảo an toàn, bác sĩ thường yêu cầu người bệnh phải nhịn ăn trước khi phẫu thuật.

Nhiều trường hợp sẽ cảm thấy đói sau khi mổ xong. Tuy nhiên phần lớn bệnh nhân cảm thấy chán ăn. Nguyên do là bởi thuốc gây mê làm chậm quá trình trao đổi chất của cơ thể. Mặt khác các thuốc giảm đau hậu phẫu có thể gây buồn nôn. Theo lời khuyên của các bác sĩ, trong một vài ngày đầu người bệnh chỉ nên ăn thức ăn dạng lỏng. Sau đó người bệnh có thể dần dần trở lại chế độ ăn uống bình thường.

Theo lời khuyên của các bác sĩ, trong một vài ngày đầu người bệnh chỉ nên ăn thức ăn dạng lỏng như cháo, súp…

1.2. Axit béo omega-3

Kiểm soát tình trạng viêm là một phần quan trọng trong quá trình phục hồi sau mổ dây chằng chéo khớp gối. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Purdue (Indiana), axit béo omega-3 giúp hỗ trợ sự hình thành collagen sau chấn thương và kiểm soát tình trạng viêm.

Loại axit béo này được tìm thấy trong một số loại cá. Cá trích, cá hồi, cá thu, cá mòi… là những loại cá có hàm lượng axit béo omega-3 cao. Bổ sung loại thực phẩm này vào chế độ ăn uống sau khi phẫu thuật dây chằng còn mang lại nhiều lợi ích khác. Cụ thể, nó làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, ngăn chặn thay đổi tâm trạng và trầm cảm.

Người bệnh thường hạn chế vận động khoảng 4 – 6 tháng sau phẫu thuật. Điều này có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe tim mạch. Đồng thời bệnh nhân có thể bị trầm cảm do thiếu tập thể dục. Thêm cá vào thực đơn cho bệnh nhân sau phẫu thuật dây chằng do đó còn có thể ngăn chặn được nguy cơ trầm cảm.

1.3. Chất chống oxy hóa

Các chất chống oxy hóa có khả năng chống lại các chất gây tổn thương mô. Sau khi phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo khớp gối, các phân tử gây viêm gọi là cytokine gây ra rối loạn chức năng cơ bắp, gây teo cơ. Các chất chống oxy hóa như vitamin C và vitamin E điều chỉnh hoạt động của cytokines, ngăn chặn nguy cơ teo cơ.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Pauling Linus suy đoán rằng sức mạnh cơ bắp ở chân có liên quan tới nồng độ vitamin C trong máu. Chất bổ sung vitamin C và vitamin E có thể đẩy nhanh quá trình chữa bệnh bằng cách giảm viêm và thúc đẩy sức mạnh cơ bắp. Trái cây có múi rất giàu vitamin C, mầm lúa mì và ngũ cốc lại là những thực phẩm có số lượng lớn vitamin E.

2. Chú ý kiểm soát cân nặng

Bên cạnh bổ sung các thực phẩm tốt cho cơ thể, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề về kiểm soát cân nặng.

2.1. Áp dụng các bài tập vật lý trị liệu

Tăng cân là điều không thể tránh khỏi nếu bệnh nhân vẫn tiếp tục chế độ ăn uống trong thời kỳ hậu phẫu. Cân nặng sẽ làm gia tăng thêm áp lực vào đầu gối. Tuy nhiên trong khoảng vài tuần sau đó, các bài tập vật lý trị liệu sẽ làm tăng cường độ bền vững của khớp gối. Điều này đồng thời cũng giúp người bệnh đốt cháy lượng calo dư thừa. Người bệnh chỉ nên tăng lượng calo sau khi mức độ hoạt động đã tăng lên.

Bên cạnh nắm được mổ dây chằng nên ăn gì, người bệnh cần chú ý đến các bài tập để kiểm soát cân nặng

2.2. Hạn chế chất béo

Hiệp hội Dinh dưỡng Mỹ khuyến cáo nên ăn các loại thực phẩm có chất béo thấp nhưng hàm lượng dinh dưỡng cao. Rau bina, củ cải và xoài rất giàu vitamin A, quan trọng cho sự tăng trưởng của tế bào. Để bổ sung vitamin C có thể chọn khoai tây nướng, bắp cải, cà chua và dưa đỏ. Thủy sản và hạnh nhân có hàm lượng kẽm cao – làm lành vết thương nhanh chóng.

Hy vọng qua bài viết trên đây, bạn đọc đã nắm được sau mổ dây chằng nên ăn gì. Người bệnh cần chú ý đến chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và tập luyện để nhanh chóng bình phục sau phẫu thuật.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top