Viêm quanh khớp vai thể đông cứng vai
Tình trạng cứng khớp và bất động khớp vai còn được gọi là viêm quanh khớp vai thể đông cứng vai. Bệnh có nguyên nhân đến từ việc bao hoạt dịch của khớp vai bị thắt chặt và dày lên, trở nên cứng chắc và căng. Bao hoạt dịch vai là một loại mô liên kết chặt chẽ, bao quanh xương, dây chằng và gân tại nên khớp ổ vai – nơi xương cánh tay khớp với ổ xương bả vai.
Tình trạng viêm quanh khớp vai thể đông cứng vai có thể kéo dài trong thời gian dài, và thường xảy ra theo 3 giai đoạn:
- Cứng khớp: tình trạng này có thể kéo dài trong 6 tuần đến 9 tháng, với dấu hiệu vai bắt đầu cứng và từ từ mất phạm vi cử động do đau. Các hoạt động hàng ngày như vươn vai hay kéo dãn trở nên khó khăn và gây đau đớn
- Bất động khớp: có thể kéo dài từ 4 đến 12 tháng. Ở giai đoạn này, cảm giác đau sẽ giảm nhưng vai vẫn sẽ cứng và cơ có thể bị tiêu. Các cử động hàng ngày như nâng cánh tay lên cao gặp khó khăn hoặc không thể thực hiện được
- Phá cứng khớp: kéo dài từ 6 tháng đến 2 năm. Giai đoạn này tình trạng cứng và bất động khớp sẽ giảm dần và các triệu chứng sẽ từ từ được cải thiện
Nguyên nhân nào gây ra tình trạng này?
Cho đến nay, tình trạng này vẫn chưa xác định được nguyên nhân. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng xảy ra. Các yếu tố nguy cơ có thể kể đến bao gồm:
- Tiểu đường
- Suy giáp
- Cường giáp
- Chứng Parkinson
- Các bệnh tim mạch
- Đột quỵ
- Chấn thương vùng vai
- Phẫu thuật vùng vai
- Bất động vùng vai trong khoảng thời gian dài
- Tuổi tác: thường gặp nhất ở những người từ 40-60 tuổi
- Giới tính: gặp phải ở nữ giới nhiều hơn nam giới
Dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng này là gì?
Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của viêm quanh khớp vai thể đông cứng vai bao gồm: cứng vai, đau vai và giảm phạm vi chuyển động của vai. Một số các triệu chứng khác có thể đi kèm bao gồm:
- Khó ngủ, nhất là khi nằm bên vai đau đè xuống
- Không thể nâng cánh tay qua đầu
- Đau khi cử động vai
- Đau vai ngoài và đôi khi đau ở cánh tay trên
- Cơn đau trở nên tồi tệ hơn vào ban đêm
Điều trị tình trạng này như thế nào?
Mục tiêu của điều trị tình trạng này là giảm đau và tình trạng viêm, đồng thời phụ hồi cử động vùng vai. Các phương pháp có thể thực hiện như:
- Vật lý trị liệu: các bài tập giãn cơ, giảm đau và tăng phạm vi chuyển động, giảm thời gian hồi phục
- Thuốc không kê đơn: thuốc giảm đau như aspirin, ibuprofen có thể giảm đau và giảm sưng
- Tiêm cortisone: được tiêm trực tiếp vào khớp, cortisone mang đến tác dụng chống viêm, giảm đau và giảm sưng
- Hydrodilatation – tiêm dịch làm căng cứng khớp: tiêm Hydrodilatation giúp làm căng và mở rộng vùng khớp bị thắt chặt
- Phẫu thuật nội soi khớp vai: được thực hiện khi các phương pháp khác không hiệu quả
Vật lý trị liệu điều trị viêm quanh khớp vai thể đông cứng vai
Vật lý trị liệu được chứng minh là có hiệu quả trong việc rút ngắn thời gian phục hồi của tình trạng viêm này xuống còn ít nhất là 06 tháng. Tùy thuộc vào giai đoạn của vai bị cứng và bất động, bác sĩ vật lý trị liệu có thể sử dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào phù hợp để tùy chỉnh theo đặc điểm từng bệnh nhân:
- Liệu pháp nhiệt nóng – lạnh
- Giãn cơ thụ động và nhẹ nhàng
- Tập các bài tập tăng cường phạm vi vận động
- Tiêm tại các điểm khô của khớp
- Siêu âm trị liệu
- Kích thích điện dây thần kinh qua da
Bệnh có thể tự khỏi trong vòng 1 đến 3 năm sau khi trải qua tất cả các giai đoạn. Tuy nhiên, thời gian phục hồi hoàn toàn có thể rút ngắn tối đa chỉ còn 6 tháng nếu thực hiện các biện pháp điều trị bao gồm giảm đau và cải thiện tầm vận động của khớp.
Dự phòng tình trạng cứng khớp
Tình trạng cứng khớp và bất động khớp hoàn toàn có thể dự phòng được. Một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng này là tình trạng thiếu vận động sau phẫu thuật, gãy xương hay đột quỵ. Do vậy nếu gặp phải tình trạng này, việc tham khảo ý kiến bác sĩ là cần thiết để có những phương pháp điều trị chính xác và kịp thời.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp