✴️ Nguyên nhân tê bì chân tay cách phòng tránh tê bì chân tay

1. Nhận biết tình trạng tê bì chân tay

Tê bì chi là tình trạng giảm cảm giác hoặc mất cảm giác ở các chi, biểu hiện bởi cảm giác tê rần, châm chích như kiến bò, kim châm ở đầu ngón tay, ngón chân. Tình trạng này có thể tiến triển từ nhẹ đến nặng, lan rộng dần lên các vùng như bàn tay, cổ tay, cẳng tay, cánh tay hoặc từ bàn chân lên cẳng chân, đùi.

Tê bì chân tay có thể là hiện tượng thoáng qua do sinh lý, nhưng cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý thần kinh, cơ xương khớp hoặc mạch máu nghiêm trọng cần được phát hiện và điều trị sớm.

Tê bì chân tay là tình trạng thường gặp ở khá nhiều người

2. Các nguyên nhân thường gặp gây tê bì chân tay

Tình trạng tê bì chi có thể do nguyên nhân sinh lý hoặc bệnh lý. Trong đó, các nguyên nhân bệnh lý bao gồm:

  • Thoái hóa cột sống: Thoái hóa làm tổn thương sụn và đốt sống, chèn ép rễ thần kinh gây đau và tê lan từ cổ xuống tay hoặc từ thắt lưng xuống chân. Tình trạng này thường nặng hơn vào ban đêm hoặc khi thời tiết thay đổi.

  • Thoát vị đĩa đệm: Đĩa đệm bị thoát vị chèn ép dây thần kinh cột sống gây đau và tê ở chi tương ứng, kèm theo hạn chế vận động.

  • Thoái hóa khớp: Gây tổn thương bề mặt khớp, làm giảm khả năng vận động, có thể kèm theo tê bì vùng cánh tay hoặc bàn chân.

  • Viêm khớp dạng thấp: Là bệnh tự miễn gây viêm tại nhiều khớp nhỏ, đặc biệt ở tay và chân, kèm theo triệu chứng tê bì, đau nhức.

  • Hẹp ống sống: Do bẩm sinh hoặc mắc phải, gây chèn ép tủy sống và rễ thần kinh, dẫn đến tình trạng tê tay chân kéo dài.

  • Bệnh đa xơ cứng: Là rối loạn tự miễn phá hủy lớp myelin bảo vệ thần kinh trung ương, gây tê tay chân, yếu cơ, rối loạn vận động.

  • Viêm đa rễ thần kinh: Tổn thương hệ thần kinh ngoại biên làm rối loạn cảm giác và vận động, gây tê bì chi.

  • Xơ vữa động mạch: Làm hẹp lòng mạch, ảnh hưởng đến lưu thông máu và có thể gây tê tay chân do thiếu máu nuôi thần kinh.

  • Chấn thương: Tổn thương do tai nạn, té ngã ảnh hưởng đến dây thần kinh ngoại biên có thể gây tê bì kéo dài.

  • Tình trạng sinh lý: Tư thế sai khi ngủ, ngồi hoặc đứng lâu, làm việc kéo dài ở một tư thế có thể gây chèn ép thần kinh tạm thời, dẫn đến tê bì chi.

  • Tác dụng phụ của thuốc: Một số thuốc như hóa trị, thuốc kháng virus, chống động kinh có thể gây tổn thương thần kinh ngoại biên, dẫn đến tê bì.

3. Biện pháp phòng ngừa tê bì chân tay

Việc phòng ngừa tình trạng tê bì chân tay cần được thực hiện đồng bộ qua các biện pháp sau:

  • Vận động thường xuyên: Thực hiện các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, thể dục trị liệu… giúp cải thiện tuần hoàn máu và chức năng thần kinh.

  • Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Bổ sung đầy đủ các vi chất như vitamin nhóm B (đặc biệt là B1, B6, B12), vitamin D, canxi, magie và omega-3 từ thực phẩm hoặc viên bổ sung.

  • Điều chỉnh tư thế làm việc: Tránh duy trì tư thế cố định quá lâu, đặc biệt là tư thế ngồi xổm, ngồi bắt chéo chân hoặc cúi đầu lâu khi làm việc máy tính.

  • Tránh chất kích thích: Hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá và caffeine – các yếu tố làm tổn thương thần kinh ngoại biên và mạch máu.

  • Kiểm soát bệnh lý nền: Theo dõi và điều trị tích cực các bệnh lý liên quan như tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, viêm khớp...

  • Khám sức khỏe định kỳ: Đặc biệt nếu triệu chứng tê bì kéo dài, lặp đi lặp lại, cần được thăm khám chuyên khoa để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Bạn nên tập thể dục thường xuyên để giữ cơ thể khỏe mạnh ngăn ngừa tê bì chân tay

4. Kết luận

Tê bì chân tay là một triệu chứng thường gặp và có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, từ lành tính đến nghiêm trọng. Việc nhận biết sớm triệu chứng, xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời sẽ giúp cải thiện chất lượng sống, ngăn ngừa biến chứng nặng nề. Người bệnh tuyệt đối không nên tự ý sử dụng thuốc mà cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả.

 

 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top