✴️ Những điều cần biết về chứng nhuyễn xương

Nhuyễn xương còn được gọi là chứng mềm xương là tình trạng xương mới không cứng lại như cũ sau khi hình thành. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến tất cả các đối tượng ở mọi lứa tuổi vì xương của con người liên tục trải qua quá trình chu chuyển xương.

Chu chuyển xương là quá trình khi cơ thể tái hấp thu mô cũ và hình thành mô xương mới bắt đầu từ trong ra ngoài. Trong một quá trình khác gọi là quá trình khoáng hóa, lớp bên trong này thường được phủ bởi các khoáng chất tạo thành lớp vỏ cứng bên ngoài. Ở người bị nhuyễn xương, lớp vỏ ngoài không được hình thành một cách đầy đủ, khiến collagen bị mềm và dễ bị tổn thương.

Nhuyễn xương khác với còi xương và loãng xương như thế nào

Một trong những điểm khác biệt chính giữa nhuyễn xương và còi xương là độ tuổi của những người mà những tình trạng này thường ảnh hưởng.

Còi xương chỉ phát triển ở trẻ em mà xương vẫn đang phát triển, trong khi bệnh nhuyễn xương có thể phát triển ở mọi lứa tuổi. Ở còi xương có thể khiến trẻ bị biến dạng xương và hạn chế sự phát triển về thể chất của trẻ, trong khi dị tật thường chỉ xảy ra trong các trường hợp nhuyễn xương nặng.

Loãng xương là một căn bệnh mà sự mất cân bằng giữa mất xương và hình thành xương mới, dẫn đến xương mỏng và yếu đi và tăng nguy cơ gãy xương. Với chứng nhuyễn xương do quá trình khoáng hóa không hoàn toàn - là một phần của quá trình hình thành xương dẫn đến tình trạng xương mềm hơn bình thường.

Nguyên nhân của nhuyễn xương là gì

Nguyên nhân phổ biến nhất của quá trình khoáng hóa không hoàn toàn dẫn đến nhuyễn xương là do lượng vitamin D. Các nguyên nhân khác có thể gây ra tình trạng này bao gồm:

  • Thiếu phốt-pho;
  • Bệnh Celiac;
  • Vấn đề về thận;
  • Rối loạn ở gan;
  • Yếu tố di truyền.

Việc không cung cấp đủ lượng vitamin D cần thiết hoặc cơ thể không thể hấp thụ có thể gây ra tình trạng thiếu vitamin D. Một số nguyên do không bổ sung đủ vitamin D bao gồm:

  • Chế độ ăn ít thực phẩm giàu vitamin D, chẳng hạn như cá nhiều dầu, lòng đỏ trứng và một số loại thực phẩm bổ sung;
  • Sống ở những nơi không có nhiều ánh sáng mặt trời tự nhiên;
  • Có làn da sẫm màu, không hấp thụ vitamin D dễ dàng như làn da sáng hơn;
  • Mặc quần áo che kín cơ thể và không để da tiếp xúc với ánh nắng.

Cùng với các tình trạng cơ bản, các yếu tố khác có thể khiến mọi người khó hấp thụ vitamin D bao gồm:

  • Chế độ ăn ít canxi;
  • Phẫu thuật giảm cân;
  • Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc kháng axit và một số loại thuốc chống động kinh;
  • Không dung nạp lactose;
  • Xơ gan.

Các triệu chứng

Các triệu chứng của nhuyễn xương bao gồm:

  • Đau ở chân, phần trên của đùi và đầu gối;
  • Cơ yếu, đau và cứng, đặc biệt là ở thân, vai, mông và cẳng chân;
  • Đi lại khó khăn;
  • Xương có thể nhạy cảm với những va chạm cho dù là nhẹ;
  • Co thắt cơ bắp;
  • Gãy xương giả của xương chịu trọng lượng, ví dụ như ở bàn chân và xương chậu.

Nhiều trường hợp nhuyễn xương có thể không có bất kỳ triệu chứng nào.

Chẩn đoán nhuyễn xương như thế nào?

Các triệu chứng phổ biến nhất của bệnh nhuyễn xương thường là đau nhức xương và cơ nhưng rất mơ hồ. Nhiều trường hợp có thể mất 2-3 năm để chẩn đoán tình trạng bệnh.

Tuy nhiên, một khi bác sĩ nghi ngờ bệnh nhuyễn xương, một số xét nghiệm có thể giúp việc chẩn đoán nhanh chóng hơn. Bác sĩ có thể phân tích mẫu máu và nước tiểu để phát hiện các tình trạng như:

  • Hàm lượng canxi thấp;
  • Mức phốt phát thấp;
  • Nồng độ cao của hormone tuyến cận giáp;
  • Mức độ cao của phosphatase kiềm;
  • Ngoài ra, các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sử dụng tia X và kiểm tra mật độ xương cũng có thể được sử dụng để hỗ trợ chẩn đoán.

Điều trị

Một trong những vấn đề quan trọng nhất của điều trị nhuyễn xương là đảm bảo rằng cơ thể được cung cấp mức chất dinh dưỡng cần thiết để hỗ trợ quá trình khoáng hóa xương. Việc dùng liều lượng điều trị của các chất bổ sung như vitamin D hoặc phosphat, là một trong những phương pháp được áp dụng phổ biến.

Một số khuyến cáo cho biết nên uống 6.000 IU vitamin D3 mỗi ngày trong thời gian 8 tuần để điều trị tình trạng thiếu vitamin D. Các phương pháp tiếp cận bổ sung để thúc đẩy xương chắc khỏe bao gồm:

  • Thường xuyên bổ sung vitamin D, canxi và phốt pho cho cơ thể;
  • Tiếp xúc thường xuyên với ánh sáng mặt trời đồng thời thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh tác hại của ánh nắng mặt trời;
  • Ngừng hút thuốc;
  • Hạn chế uống rượu;
  • Tập thể dục thường xuyên;
  • Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh giàu thực phẩm chứa vitamin D và canxi.

Để ngăn ngừa bệnh còi xương hoặc nhuyễn xương ở trẻ em, các chuyên gia khuyến nghị liều lượng hàng ngày 600 IU vitamin D và canxi trong chế độ ăn uống cho người mang thai và 400 IU mỗi ngày cho trẻ sơ sinh.

bổ sung vitamin D giúp ngăn ngừa nhuyễn xương

Các biến chứng của nhuyễn xương là gì?

Nếu không điều trị, các triệu chứng của bệnh nhuyễn xương có thể trở nên trầm trọng hơn.

Các vết nứt giả được gọi là vùng Looser, có thể xuất hiện gây đau và có thể trở thành các vết gãy xương thực sự.

Tổng kết

Tiên lượng của những người bị nhuyễn xương là rất tốt khi họ được điều trị, mặc dù có thể mất một thời gian dài để hồi phục hoàn toàn.

Tóm lược

Ở người bị nhuyễn xương, xương mới hình thành không được khoáng hóa hay cứng lại như bình thường. Khi không có lớp ngoài cứng, xương mềm và thường nhạy cảm khi có những tác động ngoại lực.

Cùng với cảm giác đau và khó chịu mà tình trạng này gây ra, chứng nhuyễn xương làm tăng nguy cơ gãy xương.

Xem thêm: 11 cách tăng mật độ xương tự nhiên

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top