✴️ Những điều cần biết về trật khớp háng

Nội dung

Những nguyên nhân thường gặp

Một nghiên cứu năm 2020 cho thấy những tai nạn xe máy là nguyên nhân thường gặp nhất gây nên trật khớp háng. Như đã nói, chấn thương này cần ngoại lực tác động rất mạnh như va chạm ở tốc độ lớn hay rơi từ trên cao xuống. Và cũng bởi vì lực tác động lớn nên một người bị trật khớp háng cũng có thể gặp phải những chấn thương nghiêm trọng khác ví dụ như gãy xương, như tổn thương các cơ quan ổ bụng khác.

Theo một bài báo trên tạp chí Xương khớp The Bone & Joint Journal, một người đã từng phẫu thuật thay khớp háng dễ bị trật khớp háng hơn những người khác, nhất là trong vòng 1 tháng đầu. Dưới đây là một số tình huống có khả năng làm trật khớp háng ở những đối tượng này:

  • Cố gắng đứng dậy khi ngồi trên ghế rất thấp
  • Cúi xuống thấp để nhặt đồ
  • Vắt chéo chân ở tư thế ngồi hoặc đứng
  • Nằm nghiêng 1 bên

Khớp háng gồm chỏm xương đùi hình cầu nằm trong ổ chảo của xương chậu. Đây là một khớp tròn rất vững chắc.

Ước tính có khoảng 90% trường hợp trật khớp háng là trật khớp ra sau. Khi trật khớp ra sau, chỏm xương đùi di lệch về phía mông và ngược lại, khi trật ra trước, chỏm xương đùi  sẽ di lệch về phía trước.

trật khớp háng

Đối với trẻ em

Trẻ em có thể bị trật khớp háng do các bệnh lý bẩm sinh mà bác sĩ có thể sẽ phát hiện ra khi khám sàng lọc định kỳ trước sinh như là chứng loạn sản xương chậu, làm cho khớp háng hình thành không đúng cách. Các nguyên nhân khác bao gồm bệnh khớp háng co cứng, đôi khi là do các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn, chẳng hạn như bại não hoặc rối loạn thần kinh cơ.

 

Yếu tố nguy cơ

Những nam thanh niên nếu bị trật khớp háng thì thường là do tai nạn giao thông, đặc biệt là tai nạn xe hơi. Mọi người cần tuân thủ thắt dây an toàn.

Triệu chứng

Trật khớp háng gây nên cơn đau dữ dội. Ngoài cơn đau, một người trật khớp háng có thể gặp phải:

  • Mất khả năng cử động chân tổn thương
  • Chân chấn thương thường quay vào trong hoặc ra ngoài
  • Chân chấn thương ngắn hơn chân lành còn lại.
  • Có thể mất cảm giác ở tới bàn chân hoặc mắt cá chân

Nếu một người nghi ngờ họ có thể đã bị trật khớp háng, họ nên đi khám liền.

Chẩn đoán

Thông thường, bác sĩ có thể chẩn đoán trật khớp háng bằng cách khám thông thường. Tuy nhiên, bác sĩ thường sẽ yêu cầu các chẩn đoán hình ảnh học để xác định có gãy xương hay không hoặc các tổn thương khác mà họ không thể xác định được bằng khám bên ngoài. Ví dụ như chỉ định chụp cắt lớp vi tính (CT scan) khớp háng.

Điều trị

Để tránh các biến chứng lâu dài, điều cần thiết là điều trị trật khớp háng sớm trong vòng 6 giờ sau chấn thương. Trật khớp háng có thể ảnh hướng đến dòng máu nuôi cũng như dây thần kinh chi phối chân bị trật.

Nếu người bệnh không có gãy xương vùng chậu hay xương đùi đi kèm, nắn trật được ưu tiên thực hiện. Bác sĩ sẽ cẩn thận dùng 1 lực tác động vào khớp nhằm điều chỉnh đầu xương đùi vô ổ chảo như trước. Nắn trật có thể thực hiện ngay tại phòng cấp cứu. Trước khi nắn, người bệnh sẽ được dùng thuốc giảm đau, giảm căng cơ, đôi lúc có thể dùng tới thuốc an thần.

Nắn trật thường thành công, tuy nhiên nếu việc nắn không hiệu quả, người bệnh cần phẫu thuật để điều chỉnh lại khớp háng. Trong lúc phẫu thuật, người bệnh cần loại bỏ 1 số mô tổn thương hoặc mảnh xương và đặt lại đúng vị trí.

Nếu người bệnh trật khớp háng nhân tạo, bác sĩ phải điều chỉnh lại dụng cụ nhân tạo này và thậm chí thay thế bộ phận cấy ghép này. Một lựa chọn khác là thay thế khu vực ổ khớp háng bằng một lớp lót đặc biệt. Lớp lót đặc biệt này giúp giảm khả năng bị trật khớp trở lại.

Điều trị ở trẻ nhỏ

Ở trẻ em, nhất là sơ sinh, cấu trúc khớp hàng thường yếu. Bác sĩ thường khuyến cáo điều trị phẫu thuật. Theo 1 bài báo trên Tạp chí Chỉnh hình Nhi khoa, mức độ thành công phẫu thuật trật khớp háng ở trẻ em đạt tỉ lệ 90%. Có nhiều phương pháp phẫu thuật tuy nhiên nguyên tắc chung vẫn là đảm bảo sự ổn định vững chắc của khớp háng.

Phục hồi

Có thể mất đến 2-3 tháng để khớp háng lành hẳn sau khi bị trật. Quá trình hồi phục có thể lâu hơn nếu một người bị các chấn thương khác kèm theo. Bác sĩ thường khuyến cáo người bệnh hạn chế cử động vùng hông trong vài tuần. Người bệnh có thể sử dụng dụng cụ hỗ trợ như nạng, khung tập đi hoặc gậy để hỗ trợ việc đi bộ. Nếu một người cần phẫu thuật, họ có thể cần vài tháng và vật lý trị liệu để hồi phục về bình thường. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể những bài tập nào mà người bệnh có thể tập và những động tác nào họ nên tránh.

Phòng ngừa

Trật khớp háng thường xảy ra do tai nạn. Do đó, áp dụng các nguyên tắc an toàn, chẳng hạn như thắt dây an toàn khi lái xe và sử dụng thang đúng cách an toàn, có thể hữu ích trong việc phòng ngừa trật khớp háng. Một người đã thay khớp háng hay người trải qua các phẫu thuật điều trị gãy xương do chấn thương nên tuân theo chỉ định của bác sĩ về mức độ hoạt động họ có thể thực hiện sau phẫu thuật. Điều này có thể làm giảm khả năng bị trật khớp háng.

Tổng kết

Trật khớp háng có thể cực kỳ đau đớn và điều cần thiết nên tìm đến chăm sóc y tế phù hợp và tuân thủ theo lời khuyên của bác sĩ để tăng khả năng phục hồi và ngăn ngừa các biến chứng lâu dài.

Có thể bạn quan tâm: giảm tình trạng sưng khớp gối

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top