✴️Giải đáp loét dạ dày có chữa được không? Chữa bằng những cách nào?

Tìm hiểu loét dạ dày có chữa được không? Cách chữa như thế nào? chắc chắn là thông tin cần thiết mà người bệnh quan tâm hàng đầu.

 

1. Bệnh loét dạ dày và nguyên nhân gây bệnh

1.1. Loét dạ dày là gì?

Bệnh loét dạ dày xảy ra khi lớp niêm mạc thành dạ dày xuất hiện các tổn thương gây tình trạng viêm sưng và lâu dần tạo thành các ổ viêm loét kèm theo các triệu chứng tiêu hóa có thể gặp phải như đau bụng vùng thượng vị, ợ chua, ợ nóng, cảm giác buồn nôn hoặc nôn, đi ngoài phân đen,.. Tần suất xuất hiện các triệu chứng kể trên sẽ dựa theo mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Viêm loét dạ dày khởi phát từ giai đoạn cấp tính. Nếu không được phát hiện và xử lý đúng cách sẽ tiến triển tới giai đoạn tổn thương lâu năm mạn tính. Một khi đã bị viêm loét mạn tính, người bệnh không thể chủ quan, nên thực hiện điều trị càng sớm càng tốt nhằm ngăn ngừa nguy cơ gây ra các biến chứng nguy hiểm.

1.2. Nguyên nhân gây viêm loét

Vi khuẩn HP dương tính là nguyên nhân gây ra tới 90% ca bệnh viêm loét dạ dày

Vi khuẩn HP khi xâm nhập, sinh sống và phát triển tại lớp nhầy niêm mạc dạ dày sẽ tiết ra các độc tố làm mất dần khả năng chống lại acid. Từ đó làm cho lớp bảo vệ niêm mạc dạ dày dần bị bào mòn và lộ ra các lớp bên dưới. Hậu quả là dẫn tới tổn thương viêm loét dạ dày.

Vi khuẩn HP là nguyên nhân gây bệnh ở 90% ca viêm loét dạ dày.

 

Sử dụng liên tục nhóm thuốc kháng sinh, giảm đau, kháng viêm.

Các thành phần như ibuprofen, naproxen, diclofenac… có tác dụng giảm đau, kháng viêm nhưng khi sử dụng thời gian dài sẽ khiến cho thành dạ dày dần bị tổn thương. Nguyên nhân là các loại thuốc này sẽ gây ức chế quá trình tổng hợp nên hợp chất prostaglandin – một loại chất có chức năng bảo vệ lớp niêm mạc dạ dày. Từ đó khiến cho dạ dày dễ bị viêm loét.

Ngoài các nguyên nhân trực tiếp gây loét dạ dày, chúng ta còn cần quan tâm tới các yếu tố làm tăng nguy cơ gây bệnh như:

– Stress kéo dài, bị căng thẳng, lo âu,…

– Ăn uống thiếu khoa học và sinh hoạt không đảm bảo.

– Hút thuốc lá.

– Uống rượu, bia.

– Yếu tố đến từ nguyên nhân tự miễn hoặc do chịu tác hại của hóa chất.

 

2. Giải đáp: Bệnh loét dạ dày có chữa được không? Chữa bằng cách nào?

2.1. Bệnh loét dạ dày có chữa được không?

Viêm loét dạ dày có thể được chữa hiệu quả, nhất là khi thực hiện điều trị ở ngay giai đoạn đầu của bệnh. Cụ thể:

– Ở giai đoạn viêm loét cấp tính: Dấu hiệu nhận biết bệnh khá điển hình là cơn đau bụng vùng thượng vị rất dữ dội, cảm giác chán ăn, bỏ bữa, buồn nôn hoặc nôn. Lúc này, nếu người bệnh kịp thời phát hiện và xử lý ngay thì các tổn thương sẽ tự lành nhanh chóng. Người bệnh được chỉ định dùng thuốc kết hợp chế độ ăn hợp lý và điều chỉnh lối sống sinh hoạt nề nếp.

– Ở giai đoạn viêm loét mạn tính: Các dấu hiệu sẽ không còn quá rầm rộ như ở giai đoạn cấp tính, đôi khi chỉ là cảm giác đau bụng hay một số biểu hiện rối loạn tiêu hóa. Người bệnh không thể chủ quan mà cần chủ động thăm khám sớm. Bệnh càng để lâu việc điều trị sẽ càng khó khăn và phức tạp hơn nhất là ở các trường hợp xảy ra biến chứng còn có thể phải thực hiện phẫu thuật cắt dạ dày.

2.2. Điều trị loét dạ dày đúng cách

Nguyên tắc chung của điều trị viêm loét dạ dày là cần tập trung kiểm soát và loại bỏ nguyên nhân gây bệnh. Chính vì thế, người bệnh cần thực hiện thăm khám chuyên khoa tiêu hóa để được bác sĩ chẩn đoán bệnh và đưa ra phác đồ điều trị cụ thể, phù hợp với tình trạng bệnh.

Việc điều trị loét dạ dày được thực hiện phổ biến bằng 2 phương pháp như sau:

– Điều trị bằng thuốc.

Điều trị bằng thuốc áp dụng với các ca bệnh sớm, viêm loét dạ dày nhẹ chưa gặp phải biến chứng nguy hiểm và nhất là các trường hợp viêm loét dạ dày HP. Bác sĩ sẽ lên phác đồ thuốc phù hợp với từng trường hợp bệnh cùng hướng dẫn sử dụng chi tiết.

Thuốc có tác dụng điều trị loét dạ dày bao gồm: thuốc kháng acid, thuốc giảm tiết acid, thuốc tiêu diệt vi khuẩn HP, thuốc ức chế bơm proton, thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày,..

– Phẫu thuật cắt dạ dày.

Cắt dạ dày là chỉ định ngoại khoa được thực hiện trong các ca bệnh loét dạ dày kèm theo biến chứng nặng như hẹp môn vị, xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày, ung thư dạ dày,.. hoặc trường hợp không thể đáp ứng yêu cầu điều trị ngoại khoa.

Cắt dạ dày là cách nhanh nhất loại bỏ ổ viêm loét song sẽ tồn tại những rủi ro nhất định. Đối với các trường hợp viêm loét nặng, người bệnh cần tiến hành thăm khám ngay để bác sĩ đánh giá tình trạng và quyết định có cần thực hiện phẫu thuật hay không.

 

3. Chủ động phòng bệnh loét dạ dày hiệu quả

Bệnh viêm loét dạ dày rất phổ biến ở mọi đối tượng nhất là người từ 40 tuổi. Chính vì vậy, mỗi người đều cần biết cách phòng bệnh hiệu quả bằng nhưng lưu ý sau đây:

– Thực hiện chế độ ăn khoa học, đủ dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, tránh đồ ăn cay nóng và đồ ăn chua,..

– Ăn chín uống sôi, ăn chậm nhai kỹ để nâng cao hiệu quả tiêu hóa.

– Ăn đủ bữa, đúng giờ, không để bụng bị quá đói hoặc ăn quá no, có thể ăn theo nhiều bữa mỗi ngày.

– Bỏ thuốc lá, hạn chế tối đa việc uống rượu bia.

– Sử dụng đúng cách các nhóm thuốc kháng sinh, giảm đau, kháng viêm.

– Nghỉ ngơi và làm việc điều độ, không để cơ thể bị tress hay mệt mỏi quá sức.

– Không thức khuya.

– Vận động điều độ mỗi ngày, lựa chọn những bộ môn thể thao phù hợp với thể trạng bản thân.

– Thăm khám sức khỏe định kỳ để được kiểm tra toàn diện đường tiêu hóa.

Như vậy, câu hỏi loét dạ dày có chữa được không đã có câu trả lời. Trên hết, người bệnh cần chủ động hơn trong việc điều trị bệnh và phòng bệnh đúng cách. Hãy tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ kết hợp chế độ ăn khoa học cùng lối sống sinh hoạt thật lành mạnh để có được hiệu quả điều trị tốt nhất.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top