Dấu hiệu nhận biết suy nhược thần kinh

Nội dung

Dấu hiệu nhận biết suy nhược thần kinh

Suy nhược thần kinh là tình trạng rối loạn chức năng vỏ não do các tế bào phải làm việc quá mức. Bệnh thường xuất hiện sau một sang chấn tâm lý và nặng dần nếu không được điều trị. Bên cạnh đó, một số yếu tố cũng làm bệnh nặng hơn như: Thần kinh yếu, áp lực từ công việc, gia đình, tiếng ồn, mắc các bệnh mạn tính,...

Suy nhược thần kinh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính. Nhận biết sớm những dấu hiệu của suy nhược thần kinh là biện pháp giúp người bệnh sớm tìm ra được hướng điều trị hợp lý. Một số dấu hiệu điển hình ở những người suy nhược thần kinh như:

 - Tâm trạng thay đổi thất thường: Khi bị suy nhược thần kinh, người mắc thường dễ nổi nóng, tức giận nhưng rất nhanh sau đó lại thấy ăn năn, tội lỗi. Họ cũng trở nên dễ xúc động nhưng đôi khi lại im lặng. Sự thay đổi cảm xúc thất thường chính là một trong những dấu hiệu điển hình khi bị suy nhược thần kinh.

 - Tự cô lập: Tình trạng căng thẳng kéo dài khiến người bệnh có xu hướng tách mình ra khỏi mọi người xung quanh. Họ thích ở một mình và trở nên khó khăn khi tiếp xúc với mọi người xung quanh.

Rối loạn cảm giác: Người bệnh xuất hiện nhiều cảm giác như bị kim châm, kiến bò trên da, lưỡi bị mất cảm giác, run rẩy tay chân, nóng lạnh thất thường,...

 - Mất ngủ: Đây là triệu chứng thường gặp nhất ở người bị suy nhược thần kinh. Một số trường hợp, người mắc bị tỉnh giấc nhiều lần trong đêm khiến cho giấc ngủ ít hơn nhiều so với bình thường.

- Tăng nhịp tim: Một số trường hợp người bệnh cảm nhận rõ tim đập nhanh, nghẹn họng và đau thắt ở ngực.

Ngoài những triệu chứng trên, người bị suy nhược thần kinh rất nhạy cảm và dễ bị ám thị. Họ cũng thường xuyên gặp phải những rối loạn cảm giác như hoa mắt, chóng mặt, người tê mỏi, chán nản, buồn bã. Những triệu chứng này xuất hiện càng khiến cho người bệnh trở nên suy sụp và yếu ớt. Do vậy cần có những biện pháp để người bệnh lấy lại niềm vui và sự tự tin.

 

Đối mặt với suy nhược thần kinh như thế nào?

Những cảm xúc tự ti, chán nản muốn thu mình lại trong không gian hẹp, tách rời với mọi người xung quanh lại càng khiến bệnh của bạn thêm trầm trọng. Nhưng làm thế nào để đối mặt với suy nhược cơ thể và chiến thắng căn bệnh này.

Hãy tham khảo ngay một số biện pháp sau:

Thay đổi thói quen sống tốt hơn

- Tập thể dục thường xuyên ít nhất 150 phút mỗi tuần.

- Ngủ đủ giấc, đúng giờ, tối thiểu 6 - 7 tiếng mỗi đêm.

- Thăm khám tâm lý để giải tỏa những áp lực, căng thẳng kịp thời.

- Áp dụng một số biện pháp thở sâu thư giãn để loại bỏ căng thẳng.

- Không sử dụng rượu bia, thuốc lá, cafein,... để tránh nguy cơ các chất gây căng thẳng cho cơ thể.

- Điều chỉnh thời gian giữa làm việc và nghỉ ngơi, không làm việc quá nhiều trong thời gian dài. Bạn nên lập danh sách những công việc cần làm và thực hiện lần lượt chúng.

Kiểm soát các triệu chứng xuất hiện

- Hít thở sâu từ 1 đến 10 khi đột nhiên thấy căm thẳng, áp lực.

- Loại bỏ các thiết bị điện tử, tiêu khiển, thả lỏng toàn thân khi đi ngủ. Nên ngủ vào một khung giờ cố định.

- Khám sức khỏe định kỳ để đảm bảo sức khỏe của bạn không làm nặng thêm các triệu chứng gây bệnh.

- Áp dụng các biện pháp trị liệu tâm lý như: Trò chuyện, sử dụng liệu pháp hành vi nhận thức.

- Sử dụng phương pháp điều trị thay thế như: Châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, tập yoga, thiền định,...

Nếu tình trạng suy nhược thần kinh kéo dài, cơ thể người bệnh sẽ trở nên mệt mỏi, khó chịu. Bạn nên đi khám để được tư vấn, điều trị kịp thời. Những áp lực từ cuộc sống là lực đẩy để ta tiến về phía trước, nhưng nếu áp lực quá lớn sẽ gây hại cho cơ thể. Đừng để suy nhược thần kinh, áp lực và stress trở thành vật cản trên con đường của bạn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top