Điều trị các cơn đau thắt ngực

Cơn đau thắt ngực xảy ra khi trái tim không được cung cấp đủ máu và oxy, gây ra những triệu chứng tạm thời như buồn nôn, hoa mắt hay cảm giác đau bỏng rát hay bóp nghẹt tại ngực.

Đau thắt ngực không phải là bệnh mà là một triệu chứng của một căn bệnh nào đó, thường là bệnh động mạch vành. Khi tình trạng đau thắt ngực trở thành mạn tính (nghĩa là diễn ra thường xuyên hơn), bạn sẽ có nguy cơ cao gặp phải một biến cố tim mạch nào đó như cơn nhồi máu cơ tim hay ngừng tim đột ngột. Thật không may là tới 50% những người bị nhồi máu cơ tim lại không hề có dấu hiệu đau thắt ngực cảnh báo trước.

Bất cứ yếu tố nào làm gia tăng nhu cầu oxy của tim như luyện tập thể thao hay xúc động mạnh đều có thể kích thích cơn đau thắt ngực. Điều này lại đặc biệt dễ xảy ra nếu nguồn cung cấp máu cho tim bị giảm sút do tình trạng hẹp một hay nhiều mạch máu nuôi tim. Cơn đau thắt ngực thường kéo dài dưới 5 phút và thường không gây ra tổn thương vĩnh viễn cho tim. Tuy nhiên nguyên nhân sâu xa của nó lại có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Cơn đau thắt ngực có thể được xử trí bằng các thuốc như nitroglycerine, thuốc chẹn beta hay các thuốc làm giãn động mạch hoặc tăng cung cấp oxy cho tim. Cùng với việc điều trị bằng thuốc, việc thay đổi thói quen sinh hoạt cũng góp phần làm giảm tần suất đau thắt ngực và ngăn chặn triệu chứng diễn biến xấu hơn.

Kiểm soát tốt cholesterol và triglyceride máu

Cùng với các thành phần chất béo khác, cholesterol tích lũy dần dần trên thành động mạch và giới hạn lượng máu chảy tới tim. Nếu bạn từng bị một vài cơn đau thắt ngực, có thể là sự tích lũy của chất béo trên thành mạch đã đạt tới một mức nguy hiểm. Hãy duy trì nồng độ cholesterol tổng dưới 200. Ngoài ra, chỉ số lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL hay cholesterol xấu) lý tưởng nhất là dưới 100.

Ngoài sử dụng thuốc, giảm tiêu thụ chất béo bão hòa trong chế độ ăn và tăng lượng chất xơ tiêu thụ từ các loại ngũ cốc nguyên hạt là 2 trong số các biện pháp kiểm soát cholesterol hiệu quả nhất. Chất béo bão hòa được tìm thấy chủ yếu trong mỡ động vật, các sản phẩm bơ sữa nguyên kem (như sữa béo, bơ, pho mát, kem tươi và kem), các loại đồ tráng miệng và đồ ăn vặt. Nếu bạn có chỉ số cholesterol huyết cao, hãy hạn chế tiêu thụ thịt đỏ xuống còn 2 bữa/tuần, và tránh những đồ ăn vặt có chứa bơ cũng như các chất béo khác.

Tăng lượng chất xơ trong bữa ăn

Có mặt trong các loại ngũ cốc nguyên hạt, đậu đỗ, hoa quả và rau, chất xơ giúp ngăn cản sự di chuyển của cholesterol từ thành ruột vào máu. Những thực phẩm giàu chất xơ còn khiến chúng ta có cảm giác no lâu, nghĩa là bạn sẽ ít muốn ăn những loại đồ ăn khác hơn.

 

Tăng cường hoa quả và rau xanh

Chế độ ăn không có thịt và chứa hàm lượng chất béo thấp không phải thích hợp cho tất cả mọi người, nhưng nó lại là lựa chọn lý tưởng đối với những người bị đau thắt ngực để phần nào giúp kiểm soát tốt bệnh mạch vành. Hầu hết những người ăn chay thường giảm tiêu thụ chất béo và tăng cường cung cấp các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa cho cơ thể. Những thành phần này có thể giúp ngăn cản sự bám của cholesterol trên thành mạch.

Bản thân chế độ dinh dưỡng cũng có thể làm giảm mức cholesterol tới 20%. Ngoài ra, nó còn giúp giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim tới 25% nếu bạn có thể duy trì ổn định nồng độ LDL dưới 100. Thông thường, bệnh nhân sẽ cần phải kết hợp giữa việc thay đổi chế độ ăn với các thuốc hạ cholesterol máu để đạt được mục tiêu này.

 

Tăng cường vận động

Luyện tập là một yếu tố vô cùng quan trọng để giúp phòng các bệnh mạch vành. Hãy đặt mục tiêu vận động với mức cường độ từ trung bình tới cao như đi bộ nhanh trong khoảng 30 phút/ngày, 7 ngày/tuần. Nếu bạn đã lâu không luyện tập thì nên bắt đầu bằng các bài tập ngắn 5 phút/ngày và tăng dần trong những ngày sau. Nếu bạn bị đau thắt ngực, hãy trao đổi với bác sỹ trước khi bắt đầu bất kỳ một kế hoạch luyện tập nào.  

 

Luyện tập vào thời điểm muộn trong ngày

Buổi sáng là thời điểm khá nguy hiểm đối với những người bị đau thắt ngực do nồng độ các hormon như cortisol và norepinephrine tăng và đạt đỉnh vào buổi sáng. Nồng độ của chúng sẽ luôn ở mức cao cho tới buổi trưa, do vậy luyện tập tích cực vào buổi sáng có thể không thích hợp với những bệnh nhân bị đau thắt ngực. Không nên chạy nhanh, nâng tạ nặng hay tập luyện quá sức vào buổi sáng do có thể làm giảm lưu lượng máu về tim và gây ra cơn đau thắt ngực.

 

Tránh luyện tập sau khi ăn

Những bữa ăn chính, đặc biệt có những món ăn chứa nhiều chất béo bão hòa từ mỡ động vật hay thực phẩm chiên rán là những tác nhân kích thích gây ra cơn đau thắt ngực, bởi lượng máu dồn đến ruột trong quá trình tiêu hóa sẽ khiến lượng máu cung cấp cho tim bị giảm sút.

 

Duy trì mức cân nặng hợp lý

Tình trạng thừa cân trong nhiều năm sẽ đặt thêm gánh nặng cho tim. Nguyên nhân là do trái tim sẽ phải hoạt động tích cực hơn để cung cấp máu cho những mô thừa trong cơ thể. Ngoài ra, thừa cân còn làm gia tăng cholesterol máu, gây cản trở tuần hoàn máu.

 

Tránh xa thuốc lá

Bất kể là hút thuốc trực tiếp hay tiếp xúc với khói thuốc thụ động thì đều có thể làm giảm tạm thời lượng oxy cung cấp cho tim và kích thích cơn đau thắt ngực.

 

Uống aspirin

Nếu bạn không bị mắc các bệnh dạ dày thì các bác sỹ khuyên rằng bạn nên uống khoảng 81 mg aspirin/ngày để bảo vệ tim mạch. Loại thuốc này không thể làm giảm cơn đau khi bị đau thắt ngực nhưng nó sẽ làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông dễ dẫn tới nhồi máu cơ tim. Trên thực tế, uống 1 viên aspirin mỗi ngày có thể giúp giảm nguy cơ bệnh mạch vành tới 28%.

Trước đây, các bác sỹ thường khuyến cáo sử dụng liều cao hơn (tới 325 mg) nhưng liều cao aspirin sẽ làm tăng nguy cơ xuất huyết. Hãy nhớ bạn cần tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào để tránh những hậu quả nghiêm trọng do sử dụng quá liều, tương tác thuốc...

 

Giảm căng thẳng trong cuộc sống

Các stress cảm xúc là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống ngày nay, tuy nhiên khi tình trạng lo lắng và căng thẳng tăng cao, nhu cầu máu và oxy cung cấp cho cơ thể sẽ tăng lên và có thể gây ra cơn đau thắt ngực. Tập luyện thể dục thường xuyên là một biện pháp hiệu quả để giảm stress. Một số người lựa chọn phương pháp thiền, yoga hay hít thở sâu.

 

7 thực phẩm hàng ngày để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Từ nhiều năm nay, chuyên gia tim mạch Felder đã lựa chọn những loại thực phẩm mà ông gọi là 7 thực phẩm kéo dài tuổi thọ: rượu vang đỏ (150 ml/ngày), sôcôla đen (60 g/ngày), hoa quả và rau (4 chén/ngày), cá (140 gram x 3 khẩu phần/tuần), tỏi (1 nhánh/ngày) và quả hạch (60 gram/ngày). Tiêu thụ 7 thực phẩm này mỗi ngày với lượng như trên và bạn sẽ tăng tuổi thọ của mình trung bình từ 5-6 năm. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí British Medical Journal chứng minh rằng những người thường xuyên tiêu thụ những thực phẩm này có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch tới 75%.

Theo Felder, sôcôla đen, hoa quả và rau giúp hạ huyết áp. Tỏi và quả hạch giảm nồng độ LDL cholesterol. Cá giúp bảo vệ chống lại nguy cơ loạn nhịp tim, cục máu đông và phản ứng viêm. Đồng thời, những thực phẩm này còn giúp bảo vệ lớp tế bào nội mạc cơ tim và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

 

Khi nào nên đi khám bác sỹ

Phần lớn những người bị đau thắt ngực đều ở dạng cơn đau thắt ngực mạn tính ổn định. Cơn đau thắt ngực thường xảy ra khi gặp phải một tình huống nhất định như luyện tập hay bị xúc động mạnh, thông thường kéo dài dưới 5 phút. Hầu hết những cơn đau thắt ngực mạn tính ổn định đều có thể kiểm soát tốt bằng thuốc và thay đổi lối sống.

Tuy nhiên, cơn đau thắt ngực không ổn định lại thường nghiêm trọng hơn và có thể kéo dài tới 20 phút. Do vậy, nếu cơn đau thắt ngực của bạn có những thay đổi như đau và khó thở tăng lên, hãy đi khám bác sỹ ngay lập tức. Trên đường tới bệnh viện, bạn có thể nhai 2 viên aspirin để giúp làm tan cục máu đông cản trở tuần hoàn tới tim.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top