✴️ Cơn hoảng sợ có thể là dấu hiệu bệnh nguy hiểm

Nội dung

Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng phản ứng chạy trốn hoặc chống trả tự nhiên của cơ thể trước mối nguy hiểm có liên quan mật thiết đến cơn hoảng sợ xảy ra sau đó. Nhiều nghiên cứu cho thấy: tim và nhịp thở của con người nhanh hơn khi chúng ta phải đối mặt với tình huống đe dọa đến tính mạng và các phản ứng tương tự cũng xảy ra trong cơn hoảng sợ.

Dấu hiệu đột ngột và nguy cấp

Có thể trong đời, bạn hoặc người thân của bạn đã từng bị một cơn hoảng sợ, nhưng bạn không biết đó là bệnh hoặc đã quên sự kiện này. Cơn hoảng sợ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và ở bất cứ đâu. Khi bạn ở một mình, hay ở với người khác, tại nhà riêng hoặc nơi công cộng. Có khi cơn hoảng sợ đánh thức bạn từ giấc ngủ ngon.

Đột nhiên, tim của bạn đập nhanh, mặt bạn nóng bừng và hơi thở dồn dập. Bạn cảm thấy chóng mặt, buồn nôn, không kiểm soát được. Có khi bạn còn cảm thấy mình sắp chết đến nơi. Cơn hoảng sợ xảy ra đột ngột, đạt đỉnh điểm trong 10 phút và kéo dài khoảng nửa giờ. Tuy nhiên trên thực tế các cơn hoảng sợ có nhiều biến thể, có cơn  kéo dài hàng giờ, thậm chí suốt ngày.

Một cơn hoảng sợ có thể gồm ít hay nhiều các triệu chứng sau đây: tự nhiên thấy chóng mặt, vã mồ hôi, run, nhịp tim nhanh, thở gấp, đau ngực, nghẹt cổ, khó nuốt, ớn lạnh hay bốc hỏa, buồn nôn, co rút bụng. Nhiều người cho rằng họ đang bị cơn đau tim và tức tốc chạy đến phòng cấp cứu. Trong khi một số người khác lại cố bỏ qua các triệu chứng, không thừa nhận là mình đang bị cơn hoảng sợ.

Hậu quả từ các cơn hoảng sợ

Cơn hoảng sợ có thể gây tàn phế và hủy hoại thể chất cũng như tinh thần của người bệnh. Vì lo sợ các cơn hoảng sợ tái phát mà người bệnh ở trong trạng thái sợ hãi nối tiếp sợ hãi.

Đối với trẻ em, cơn hoảng sợ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ. Do lo lắng xảy ra cơn hoảng sợ mà nhiều trẻ không đi học, hoặc không dám ra khỏi nhà để tránh những tình huống mà trẻ sợ sẽ xảy ra cơn hoảng sợ.

Nguy hiểm nhất là cơn hoảng sợ làm tăng nguy cơ trầm cảm, tự tử, nghiện rượu và ma túy ở người bệnh.

Đối phó với cơn hoảng sợ

Điều trị cơn hoảng sợ có thể dùng thuốc chống trầm cảm (loại thuốc này cũng có hiệu quả phòng ngừa các cơn tái phát), thuốc làm giảm lo âu. Liệu pháp hành vi ý thức là bác sĩ giúp bạn hiểu đúng hơn về cơn hoảng sợ và cách đối phó với chúng. Bạn được biết nguyên nhân gây ra cơn hoảng sợ và các yếu tố làm cho bệnh nặng thêm.

Đồng thời bạn cũng được biết cách đối phó với lo âu, như dùng các kỹ thuật thở và thư giãn. Bạn có thể học cách thư giãn qua các kỹ thuật như thiền, khí công, thư giãn cơ… Trạng thái thư giãn không những giúp bạn thoát khỏi những căng thẳng của công việc hằng ngày, mà còn tạo cho bạn ý thức tích cực và hài lòng, cảm giác thư thái trong tâm hồn. Thư giãn làm giảm đau đầu, lo âu, tăng huyết áp, khó ngủ, thở gấp, nghiến răng.

Các hoạt động nghỉ ngơi và giải trí cũng có thể giúp bạn giảm căng thẳng rất tốt. Bạn hãy tìm các hoạt động khiến bạn thoải mái dễ chịu như nghe nhạc, xem biểu diễn nghệ thuật, hài kịch, tắm nước nóng…

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top