Phương pháp giảm đau khi bị giãn tĩnh mạch chân

Giãn tĩnh mạch chân còn được gọi là suy tĩnh mạch, suy giãn tĩnh mạch hay suy van tĩnh mạch. Trong tĩnh mạch có thành tĩnh mạch và van ở trong lòng mạch. Nếu một trong hai hoặc cả hai bị suy, giãn thì sẽ hình thành nên bệnh lý với triệu chứng như thâm tím chân, nặng nề, nhức mỏi, tê bì, chuột rút… và tĩnh mạch sẽ nổi rõ trên da chân.

Khi bị giãn tĩnh mạch chân ở giai đoạn đầu, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sỹ để có hướng điều trị phù hợp kết hợp với lối sống, sinh hoạt lành mạnh để kiểm soát tình trạng, ngăn ngừa biến chứng và giảm triệu chứng khó chịu nhanh chóng. 

Tập thể dục

Tập luyện thường xuyên giúp giảm bớt triệu chứng giãn tĩnh mạch và phòng ngừa nguy cơ dẫn đến giãn tĩnh mạch chân. Cụ thể, tập thể dục giúp máu trong tĩnh mạch lưu thông tốt hơn, giảm triệu chứng đau, ngứa, nặng nề ở đôi chân. Bên cạnh đó, tập thể dục cũng giúp giảm huyết áp – một yếu tố gây ra bệnh giãn tĩnh mạch.

Các bài tập tốt cho bệnh giãn tĩnh mạch chân là bài tập chịu tác động thấp, giúp cơ bắp chân hoạt động mà không bị căng quá mức. Các bài tập hiệu quả với tác động thấp như:

- Bơi lội

- Đi bộ

- Đạp xe

- Yoga

 

Chế độ ăn uống

Theo nghiên cứu, thực phẩm chứa nhiều kali giúp ngăn ngừa tích nước trong cơ thể, từ đó làm giảm triệu chứng giãn tĩnh mạch hiệu quả. Thực phẩm giàu kali như: hạnh nhân, đậu lăng, khoai tây, rau xanh, cá hồi, cá ngừ…

Bên cạnh đó, bạn cũng nên bổ sung nhiều chất xơ vào chế độ ăn uống. Bởi, tình trạng táo bón sẽ làm tình trạng giãn tĩnh mạch trở nên trầm trọng hơn. Thực phẩm chứa nhiều chất xơ bao gồm các loại hạt, cây họ đậu, yến mạch, lúa mì, hạt lanh, ngũ cốc.

Ngoài ra, thực phẩm có chứa nhiều flavonoid cũng có thể cải thiện lưu thông máu, hạ huyết áp, thư giãn mạch máu. Từ đó giúp giảm đau và cảm giác nặng nề ở chân do giãn tĩnh mạch hiệu quả.Thực phẩm chứa flavonoid như: rau (hành, ớt chuông, rau bina, bông cải xanh), trái cây (nho, anh đào, táo, việt quất), ca cao, tỏi…

Đồng thời, bạn nên tránh các thực phẩm nhiều muối và natri để hạn chế giữ nước trong cơ thể.

 

Chọn trang phục thoải mái

Khi bạn mặc quần áo bó sát sẽ khiến việc tuần hoàn máu ở bắp chân trở nên kém hiệu quả, máu ứ đọng ở chân làm giãn tĩnh mạch và khiến cho cơn đau, cảm giác nặng nề ở chân xuất hiện. 

Do đó, bạn nên thường xuyên chọn quần áo rộng, đi giày đế bằng thay vì cao gót giúp giảm cải thiện bệnh giãn tĩnh mạch chân hiệu quả.

 

Nâng cao chân

Theo chuyên gia, khi nghỉ ngơi hay ngủ, bạn nên nâng chân lên khoảng 30 độ. Điều này giúp giảm áp lực trong tĩnh mạch ở chân và cải thiện khả năng bơm máu trở lại tim, giảm triệu chứng khó chịu do suy giãn tĩnh mạch gây ra.

 

Thường xuyên di chuyển

Nếu bạn phải ngồi làm việc trong thời gian dài, hãy cố gắng thường xuyên đứng dậy và di chuyển xung quanh vị trí ngồi, giúp máu lưu thông dễ dàng hơn.

Đặc biệt, bạn cần tránh ngồi bắt chéo hai chân, vì điều này sẽ làm hạn chế lưu lượng máu di chuyển đến chân và bàn chân.

 

Ngâm chân

Trong bệnh suy giãn tĩnh mạch, nóng sẽ làm tĩnh mạch suy giãn nhiều hơn và có xu hướng làm trầm trọng hơn các triệu chứng của bệnh. Do đó, bạn nên ngâm chân với nước làm để làm mạch co lại, giảm bớt các khó chịu.

Khi ngâm chân, bạn nên ngâm từ phía dưới mắt cá chân trở xuống với nước lạnh khoảng 10 độ C, khoảng 10 phút. Nếu đau nhiều, có thể chườm bằng túi nước đá.

 

Sử dụng thảo dược

Theo Viện Y tế Quốc gia (NIH), sử dụng chiết xuất hạt nho (Vitis vinifera) qua đường uống giúp giảm sưng ở chi dưới và các triệu chứng của suy giãn tĩnh mạch mạn tính.

Tuy nhiên, người bệnh đang dùng thuốc kê đơn làm loãng máu nên tránh dùng chiết xuất hạt nho vì nó có thể tương tác với thuốc.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top