Tiêu chảy mạn tính được định nghĩa là đi phân lỏng từ trên 3 lần trong ngày kéo dài trên 4 tuần. Tiêu chảy mạn tính có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ thể và đe doạ đến tính mạng. Một số thống kê cho thấy uớc tính khoảng 1- 4% người lớn bị tiêu chảy mạn tính.
Có nhiều nguyên nhân gây tiêu chảy mãn tính, với một số nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm:
Uống quá nhiều rượu hoặc caffein: Uống một lượng lớn rượu hoặc đồ uống có chứa caffeine có thể gây đi ngoài phân lỏng nhiều lần. Khi ngừng sử dụng các sản phẩm trên, tình trạng này sẽ được cải thiện và chấm dứt.
Đường, chất tạo ngọt nhân tạo: Một số chất tạo ngọt nhân tạo có thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tiêu chảy. Chúng bao gồm sorbitol, mannitol, fructose có trong các sản phẩm đường sữa bánh kẹo hoặc nước ngọt.
Những người mắc bệnh Celiac rất nhạy cảm với gluten, một thành phần chính của bột mì có thể gây tiêu chảy và giảm cân. Bệnh nhân không dung nạp lactose sẽ bị tiêu chảy khi họ ăn sữa.
Tiêu chảy mãn tính có thể do tác dụng phụ khi dùng một số thuốc như:
Hầu hết các thuốc kháng sinh: cefpodoxim, amoxicillin, ampicillin…
Một số thuốc chống trầm cảm
Thuốc kháng acit có chứa magiê
Thuốc nhuận tràng và chất làm mềm phân
Thuốc ức chế bơm proton như omeprazole, lansoprazole…
Hóa chất điều trị ung thư
Ngoài ra, một số thảo dược như trà thảo dược có tác dụng nhuận tràng tự nhiên.
Trong một số trường hợp, vi trùng hoặc ký sinh trùng đường ruột gây ra tình trạng tiêu chảy kéo dài. Ví dụ lỵ trực khuẩn, lỵ amip, cryptosporidium, đơn bào giardia… Khi đó, xét nghiệm phân là cần thiết để phát hiện và chẩn đoán nhiễm ký sinh trùng.
Hai loại phổ biến nhất là bệnh Crohn và viêm loét đại tràng. Ngoài rối loạn tiêu hóa, các triệu chứng bao gồm mệt mỏi, sốt, buồn nôn, đau bụng, có máu trong phân.
Đi ngoài nhiều lần phân lỏng trong ngày làm mất đi một lượng nước lớn của cơ thể. Nếu không được điều trị, mất nước trầm trọng có thể đe dọa tính mạng. Dấu hiệu mất nước bao gồm khát nước, tiểu ít sẫm màu, da khô, mệt mỏi. Ở thể nặng có thể có rối loạn thần kinh như lơ mơ, li bì, hôn mê. Do đó những người bị tiêu chảy cần lưu ý bù lại lượng nước mất đi để đề phòng mất nước xảy ra. Đối với trường hợp mất nước nhẹ có thể được bù bằng đường uống với các dung dịch khác nhau như dung dịch oresol, nước lọc, nước trái cây, nước canh…
Các chất điện giải chính trong cơ thể bao gồm natri, kali, canxi, magiê, cloride, phosphate và bicacbonat. Tiêu chảy dẫn đến rối loạn điện giải trong cơ thể do mất điện giải đi qua phân hoặc dịch nôn mửa. Dẫn tới các hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ hạ natri máu có thể gây lú lẫn, buồn ngủ, yếu cơ và co giật. Hạ kali máu gây chuột rút, yếu cơ, ảnh hưởng tới tim mạch, thần kinh.
Tiêu chảy mạn tính có quan hệ mật thiết với suy dinh dưỡng. Do quá trình tiêu chảy làm cản trở hấp thu chất dinh dưỡng cho cơ thể. Hơn nữa, suy dinh dưỡng làm cơ thể suy giảm miễn dịch với các tác nhân gây bệnh nên làm nặng thêm tình trạng tiêu chảy. Người bệnh mắc tiêu chảy mạn tính sẽ sụt cân, suy nhược, ăn uống kém, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng. Trẻ em bị tiêu chảy mạn tính sụt cân hoặc không lên cân, còi cọc ốm yếu.
Cách trị tiêu chảy mạn tính gồm các biện pháp điều trị triệu chứng, điều trị nguyên nhân gây tiêu chảy và điều trị biến chứng nếu có.
Thuốc cầm ỉa có thể dùng như một biện pháp ngắn hạn tạm thời để hạn chế tình trạng đi ngoài. Một số thuốc cầm ỉa như bismuth, loperamide, diphenoxylate-atropine… Octreotide có thể được sử dụng đối với bệnh nhân tiêu chảy nặng nhưng cần dưới kê đơn của bác sỹ. Tuy nhiên các thuốc trị tiêu chảy mạn tính này không nên lạm dụng thường xuyên trong thời gian dài.
Nếu có thể cần tìm nguyên nhân và điều trị để giải quyết tận gốc tình trạng tiêu chảy. Ví dụ, một số tiêu chảy do nhiễm trùng cần dùng thuốc kháng sinh. Ở những người bị bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng sẽ phải có lộ trình điều trị và theo dõi lâu dài. Nếu tiêu chảy do ăn uống hoặc dị ứng thực phẩm, loại bỏ những thức ăn là nguyên nhân gây bệnh sẽ giải quyết được tình trạng này.
Tiêu chảy mạn tính hoặc thể nặng có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng. Bao gồm mất nước, rối loạn điện giải và suy dinh dưỡng. Do đó đảm bảo bù đủ nước và điện giải cho cơ thể phòng biến chứng. Nếu người bệnh không uống được hoặc trường hợp tiêu chảy mất nước nặng cần truyền dịch đường tĩnh mạch tại cơ sở y tế. Bên cạnh đó chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh cũng rất quan trọng để mau hồi phục và đề phòng suy dinh dưỡng cho người mắc.
Xem thêm: Những thực phẩm cần tránh khi bị tiêu chảy
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh