Hiệp hội các nhà nội tiết lâm sàng Hoa Kỳ ước tính rằng viêm tuyến giáp Hashimoto ảnh hưởng đến khoảng 14 triệu người Mỹ. Tình trạng này phổ biến gấp 07 lần ở nữ giới so với nam giới và tỉ lệ mắc bệnh này nhiều nhất trong khoảng từ 45 đến 65 tuổi.
Viêm tuyến giáp Hashimoto ít gặp ở trẻ em, nhưng đối với gia đình có chế độ ăn quá ít i-ốt sẽ khiến cho trẻ có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn.
Viêm tuyến giáp Hashimoto tiến triển dần dần trong vài năm và gây tổn thương tuyến giáp khiến cho nồng độ hormone của bệnh nhân giảm dần. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Hashimoto trên chồng chéo với các loại suy giáp khác bao gồm:
Nhạy cảm với nhiệt độ lạnh;
Tăng mức cholesterol trong máu;
Táo bón;
Khó tập trung;
Phiền muộn;
Da khô;
Hình thành bướu cổ;
Phù ở mặt;
Mệt mỏi;
Kinh nguyệt kéo dài ở nữ giới;
Đau cơ;
Da nhợt nhạt;
Cứng khớp, đặc biệt là tay và chân;
Giọng nói trở nên khàn đặc;
Tăng cân không kiểm soát.
Ở mỗi người tình trạng này có những triệu chứng và biểu hiện khác nhau.
Bướu cổ là tình trạng xuất hiện bướu ở phía trước cổ - một biểu hiện của viêm giáp Hashimoto. Thiếu i-ốt là nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng này. Ở bệnh Hashimoto, hệ thống miễn dịch sẽ tấn công các tế bào tuyến giáp khiến các tế bào này không thể sản xuất hormone tuyến giáp. Khi cơ thể không đủ lượng hormone tuyến giáp cần thiết, tuyến yên sẽ tiết ra nhiều hormone kích thích tuyến giáp (TSH) hơn khiến tuyến giáp phát triển và hình thành bướu cổ.
Một số loại viêm tuyến giáp thường bắt đầu do tình trạng nhiễm trùng, tuy nhiên đối với Hashimoto gây ra do tình trạng tự miễn.
Hệ thống miễn dịch được thiết kế để tấn công và loại bỏ những yếu tố có hại xâm nhập từ bên ngoài ra khỏi cơ thể như vi khuẩn, virus và độc tố.
Ở những người mắc bệnh tự miễn, hệ thống miễn dịch nhầm lẫn với các yếu tố kể trên và tấn công các tế bào của chính cơ thể. Viêm tuyến giáp Hashimoto xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công vào các tế bào tuyến giáp.
Nguyên nhân gây nên tình trạng trên vẫn chưa được biết đến rõ ràng nhưng dường như di truyền là một trong những nguyên nhân gây nên viêm giáp Hashimoto. Điều đó có nghĩa rằng người có các yếu tố di truyền sẽ dễ mắc phải tình trạng này hơn, đặc biệt là nếu có thêm tác động từ các nhân tố kích hoạt như:
Stress;
Thai kỳ;
Các bệnh tự miễn khác, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp;
Những người sử dụng quá nhiều hoặc quá ít iốt có thể dễ bị viêm tuyến giáp hơn;
Chán ăn tâm thần và hay hội chứng cuồng ăn cũng có thể làm tăng nguy cơ;
Ngoài ra, tình trạng này cũng có liên quan đến hút thuốc lá và phơi nhiễm phóng xạ.
Bệnh Hashimoto có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau và các triệu chứng ban đầu không đặc hiệu, vì vậy bệnh nhân đôi khi bị chẩn đoán sai bệnh.
Các tình trạng có thể bị nhầm lẫn với Hashimoto như hội chứng mệt mỏi mãn tính, trầm cảm, đau cơ xơ hóa, rối loạn lo âu, hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) và rối loạn tâm thần chu kỳ (cyclothymia).
Bác sĩ có thể tiến hành thăm khám lâm sàng để kiểm tra bướu cổ và thu thập các triệu chứng đặc trưng khác của bệnh suy giáp.
Một số các xét nghiệm như xét nghiệm chức năng tuyến giáp có thể được chỉ định để hỗ trợ chẩn đoán.
Nồng độ TSH huyết thanh hoặc hormone kích thích tuyến giáp (thyrotropin) cao có thể cho thấy tình trạng suy giáp. TSH được sản xuất tại tuyến yên, thông thường nồng độ TSH trong máu tăng khi tuyến giáp không sản xuất đủ thyroxine. Các xét nghiệm tìm kháng thể antithyroid cũng có thể chỉ ra viêm tuyến giáp Hashimoto, tuy nhiên không phải ai mắc bệnh này cũng có kháng thể.
Bệnh Hashimoto đôi khi có thể ảnh hưởng đến các chỉ số xét nghiệm như mức cholesterol toàn phần, natri huyết thanh, prolactin huyết thanh và công thức máu toàn phần.
Nếu được chẩn đoán là viêm tuyến giáp Hashimoto nhưng nồng độ hormone tuyến giáp là bình thường và không có tình trạng bướu cổ, bệnh nhân sẽ được khuyến nghị theo dõi thêm trong một thời gian. Các trường hợp khác, sẽ cần phải điều trị liên tục và kéo dài.
Bệnh nhân bị bướu cổ hoặc suy giáp sẽ cần liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp ví dụ: levothyroxine. Thuốc được sử dụng mỗi ngày và được điều chỉnh liều theo tuổi, cân nặng, mức độ nghiêm trọng của tình trạng và các vấn đề về sức khỏe cũng như việc sử dụng các loại thuốc khác.
Những người mắc bệnh tim mạch hoặc suy giáp nặng sẽ cần bắt đầu sử dụng với liều thấp và tăng dần.
Các xét nghiệm sẽ được thực hiện định kỳ sau đó để xem xét liệu bệnh nhân có cần điều chỉnh thuốc hay không do cơ thể con người cực kỳ nhạy cảm với những thay đổi nhỏ về nồng độ hormone tuyến giáp.
Trong khoảng thời gian đầu khi thực hiện điều trị, bệnh nhân có tình trạng rụng tóc, tuy nhiên đừng quá lo lắng, vấn đề này chỉ mang tính tạm thời.
Trong khi một số thực phẩm có thể giúp cơ thể hấp thu tốt hơn như đậu nành và các thực phẩm giàu chất xơ, một số loại thuốc và chất bổ sung có thể gây cản trở sự hấp thụ levothyroxine bao gồm:
Chất làm loãng máu;
Thuốc có chứa estrogen;
Natri polystyren sulfonate;
Thuốc kháng axit có chứa nhôm hydroxit;
Bổ sung canxi;
Bổ sung sắt và nhiều vitamin tổng hợp có chứa sắt;
Một số loại thuốc giảm cholesterol.
Nếu không điều trị, bệnh Hashimoto có thể dẫn đến một số biến chứng bao gồm:
Vô sinh, sảy thai hay gây dị tật bẩm sinh;
Cholesterol cao;
Các trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến suy tim, co giật, hôn mê và tử vong.
Viêm tuyến giáp Hashimoto có sự tương quan với viêm não Hashimoto. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ mối liên kết giữa hai tình trạng này.
Nhiều nghiên cứu cho thấy chế độ ăn uống không giúp chữa khỏi hoặc ngăn ngừa bệnh Hashimoto.
Một bệnh tự miễn thường sẽ xuất hiện đồng thời với một hoặc một số bệnh khác. Các nghiên cứu cho thấy một số người có thể bị suy giáp đồng thời với bệnh celiac cấp độ thấp. Điều này có nghĩa rằng việc tránh dung nạp gluten có thể có lợi cho một số bệnh nhân bị suy giáp bắt nguồn từ tình trạng tự miễn dịch.
Trong một nghiên cứu khác trên 83 bệnh nhân, 75,9% được phát hiện là không dung nạp đường từ sữa. Sau khi thực hiện chế độ ăn kiêng hạn chế đường sữa trong 08 tuần, những bệnh nhân tham gia nghiên cứu có sự sụt giảm đáng kể nồng độ TSH trong máu.
Bất kỳ thay đổi nào đối với chế độ ăn uống hoặc sử dụng chất bổ sung phải được thảo luận trước với bác sĩ để đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe.
Xem thêm: Những lầm tưởng phổ biến về bệnh lý tuyến giáp
Có thể bạn quan tâm: Viêm tuyến giáp bán cấp
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh