Giải phẫu tuyến thượng thận và chức năng tuyến thượng thận

Nội dung

Giải phẫu tuyến thượng thận

Hình thể bên ngoài

Bình thường có hai tuyến thượng thận nằm ở hai bên cột sống và ngay phía trên mỗi thận. Chúng có kích thước nhỏ và nằm sát sau lưng, được vây quanh bởi những cấu trúc cố định và tương đối chắc chắn như cơ hoành, gan, mạc thận, xương sườn, khối cơ lưng gáy.

Tuy gọi là tuyến thượng thận, nhưng thật sự chỉ 1/10 tuyến này nằm trùm lên đầu trên của thận. Phần còn lại thì nằm dọc theo bờ trong của thận, ngay phía trên rốn thận.

Mỗi tuyến thượng thận nặng từ 3-6 gam ở người trưởng thành. Tuy vậy, lúc mới sinh tuyến thượng thận hơi to hơn. Mỗi tuyến thượng thận có màu vàng xám, hình tam giác với ba mặt như một kim tự tháp.

Ngoài hai tuyến thượng thận bình thường, đôi khi có những tuyến thượng thận phụ ở trong ổ bụng hay trong vùng chậu.

 

Hình thể trong

Tuyến thượng thận gần hai phần riêng biệt là tủy thượng thận và vỏ thượng thận. Hai thành phần này có nguồn gốc phôi thai học khác nhau, do đó cấu tạo mô học và chức năng sinh lý cũng rất khác nhau.

  • Vỏ thượng thận nằm bên ngoài và chiếm đến 80% khối lượng của tuyến. Vùng vỏ thượng thận thật ra không phải một khối thống nhất, nó được cấu tạo bởi ba lớp riêng biệt và sản xuất các hormon có tác dụng rất khác nhau, nhưng có bản chất chung đều là các chất steroid (nên còn gọi là steroid thượng thận). Ba lớp này là lớp lưới, lớp bó và lớp cầu.
  • Tủy thượng thận nằm bên trong và chỉ chiếm 20% khối lượng mô tuyến. Đây là vùng chuyên tổng hợp các chất catecholamine, gồm epinephrine (hay adrenaline) và norepinephrine (hay noradrenaline).

 

Tác dụng của hormon vỏ thượng thận

Vỏ thượng thận gồm 3 lớp. Vùng trong cùng là lớp lưới, vùng ở giữa là lớp bó. Hai vùng này tổng hợp các glucocorticoid (corticoid đường) và androgen tuyến thượng thận. Vùng ngoài cùng là lớp cầu, chuyên tổng hợp các mineralocorticoid (corticoid khoáng).

Nếu vỏ thượng thận bị loại bỏ hoặc không còn hoạt động, cơ thể phải được bổ sung các chất ngoại sinh có hoạt tính tương tự, nếu không sẽ dẫn đến tử vong. Nguyên nhân là vì glucocorticoid và mineralocorticoid nắm giữ nhiều vai trò quan trọng để duy trì hoạt động sống của cơ thể. 

Các hormon vỏ thượng thận tác động lên nhiều tế bào khác nhau theo cơ chế chung của chất steroid là kích thích quá trình tổng hợp protein của các tế bào. Do đó, các hormon này có các tác dụng sinh lý rất đa dạng và khác biệt, tùy vào đặc tính của loại protein được tạo ra. 

Tác dụng của glucocorticoid (sản xuất bởi lớp lưới và lớp bó của vỏ thượng thận)

  • Tăng dị hóa đạm, mỡ để chuyển hóa năng lượng dự trữ thành năng lượng hoạt động
  • Tăng đường huyết, rất quan trọng khi cơ thể trong tình trạng nhịn đói
  • Kháng viêm và ức chế miễn dịch
  • Duy trì đáp ứng co mạch của mạch máu đối với catecholamine (từ tủy thượng thận) để duy trì huyết áp ở mức bình thường
  • Gây ức chế hình thành xương, do đó người sử dụng quá mức glucocorticoid ngoại sinh (từ thực phẩm chức năng, thuốc) có thể bị loãng xương
  • Có thể ảnh hưởng lên hệ thần kinh trung ương, làm gia tăng thời gian thức giấc, giảm chất lượng giấc ngủ

Tác dụng của mineralocorticoid, hay aldosterone, (tổng hợp bởi lớp cầu)

  • Tác động lên hệ thống ống lọc của thận (ống lượn xa và ống góp) để duy trì nồng độ các muối khoáng trong máu ở mức ổn định
  • Làm tăng tái hấp thu ion natri ở ống lọc của thận trở ngược lại vào máu,
  • Làm tăng bài tiết ion kali và ion hydrogen (H+) vào dịch lòng ống (để thải ra ngoài như nước tiểu)
  • Thông qua đó, nồng độ aldosterone có ảnh hưởng lớn đến huyết áp, lượng dịch trong cơ thể, nồng độ kali máu và tình trạng toan kiềm của máu

Tác dụng của tủy thượng thận

Tủy tuyến thượng thận là nơi tổng hợp và phóng thích các catecholamin vào trong máu, bao gồm 80% là epinephrine (hay adrenaline) và 20% là norepinephrine (hay noradrenaline). 

Tủy thượng thận là một phần của hệ thần kinh giao cảm. Khi có kích thích thần kinh giao cảm tới tủy thượng thận sẽ gây giải phóng một lượng lớn epinephrine và norepinephrine vào máu tuần hoàn. Từ đó, hai hormon này đi đến tất cả các mô trong cơ thể. 

Hai chức năng chính của tủy thượng thận là: 

  • Huy động năng lượng cho toàn cơ thể
  • Tái phân phối lưu lượng máu từ các cơ quan không quan trọng về các cơ quan quan trọng như tim và não

Do đó, mỗi khi cơ thể đáp ứng với một stress tinh thần hay thể chất nào đó, tủy thượng thận sẽ tiết các catecholamin vào tuần hoàn. Đây là một cơ chế sinh lý giúp cơ thể thích nghi với những phản ứng kích thích, các mối đe dọa, sự sợ hãi,…

Theo đó, các hormon này cũng có những chức năng khác để đảm bảo cơ thể có một nguồn năng lượng dồi dào để đáp ứng với các kích thích từ bên ngoài như:

  • Tăng nồng độ đường và các acid béo trong máu, sẵn sàng để các cơ quan sử dụng với mức nhu cầu cao hơn
  • Tăng nhịp tim, tăng sức co bóp cơ tim
  • Tăng huyết áp tâm thu
  • Tăng tưới máu cho não, tim
  • Giãn cơ trơn ở phế quản, tử cung

Với đặc tính này, các catecholamin ngoại sinh có thể được ứng dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực quan trọng trong y học như: điều trị sốc phản vệ, ngưng tim, giảm co thắt phế quản, giảm gò tử cung trong dọa sảy thai,… 

return to top