✴️ Mướp tây

Mướp tây (đậu bắp) có vị ngọt, tính mát, tác dụng nhuận tràng, thanh nhiệt và giải độc. Do đó ngoài việc được sử dụng để làm thực phẩm, đậu bắp còn được dùng để điều trị chứng táo bón, tăng cường chức năng tiêu hóa, làm giảm triệu chứng của bệnh trĩ và ổn định nồng độ đường huyết.

Mướp tây

Hình ảnh mướp tây hay đậu bắp

  • Tên gọi khác: Đậu bắp, thảo cà phê, bắp chà, bông vàng, bụp bắp,…
  • Tên khoa học: Hibiscus esculentus L.
  • Họ: Bông (danh pháp khoa học: Malvaceae)

 

Mô tả dược liệu mướp tây

1. Đặc điểm thực vật

Cây mướp tây là thực vật thân thảo, cao khoảng 1.5 – 2m và sống hằng năm. Thân cây có hình trụ, màu đỏ tía, bề mặt nhám và có lông dài, cứng bao phủ. Phiến lá có hình tim, chia thành 5 thùy hẹp, thường mọc so le, mép có khía răng to, bề mặt nhám. Lá được phủ lông và có 5 gân chính nổi rõ ở mặt dưới.

Mướp tây

Mướp tây là cây thân thảo, cao khoảng 1.5 – 2m, lá mọc so le và hoa có màu vàng, ở giữa có màu đỏ

Hoa màu vàng tươi, ở giữa có màu đỏ, mọc ở kẽ lá, tràng hoa có 5 cánh. Quả dài 10 – 20cm và có hình thoi. Cây mướp tây ra hoa vào tháng 5 – 7 hằng năm.

2. Bộ phận dùng

Quả, rễ và hạt được dùng để làm thuốc.

3. Phân bố

Đậu bắp được trồng ở nhiều quốc gia như Indonesia, Thái Lan, Brasil, Ấn Độ, Tây Phi, Philippin, Malaysia,… Ở nước ta, loại cây này được trồng nhiều ở các tỉnh miền Nam và được sử dụng để làm thực phẩm, thuốc.

4. Thu hái – sơ chế

Có thể thu hái vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Sau khi hái về thường được dùng tươi hoặc phơi khô.

5. Bảo quản

Nơi khô ráo và thoáng mát.

6. Thành phần hóa học

Hạt đậu bắp chứa khoảng 15 – 22% tinh dầu (stearin và panmitin). Rễ và lá có chứa nhiều chất nhầy. Quả non chứa đường, tinh bột, chất nhầy và hydrat carbon.

 

Vị thuốc mướp tây

1. Tính vị

Vị ngọt, tính mát, không độc.

2. Qui kinh

Chưa có nghiên cứu.

3. Tác dụng dược lý

– Theo Đông Y:

  • Được dùng để trị chứng táo bón, viêm họng, tiêu khát, bệnh trĩ, miệng khô và viêm đường tiết niệu.

– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Đậu bắp có tác dụng ổn định đường huyết trong máu, giúp ngăn ngừa và kiểm soát nồng độ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường.
  • Hàm lượng chất xơ trong đậu bắp có tác dụng tăng cường chức năng tiêu hóa, hạn chế táo bón và ngăn ngừa bệnh trĩ.
  • Vitamin A trong dược liệu có tác dụng tạo màng nhầy ở ruột già và giảm áp lực khi đại tiện.
  • Một chén đậu bắp có thể cung cấp đến 87.8mg acid folic. Vì vậy bổ sung đậu bắp trong thời gian mang thai có thể giảm các dị tật thai nhi như gai đôi cột sống,…
  • Tinh dầu, amino acid và protein trong mướp tây giúp cơ thể ngủ ngon giấc và duy trì tinh thần thoải mái.
  • Chất nhầy trong dược liệu còn có tác dụng bảo vệ ổ loét và hỗ trợ điều trị bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng.
  • Glucose phức polysaccharide trong đậu bắp có tác dụng tăng cường tuần hoàn máu đến dương vật và hỗ trợ chức năng cương cứng ở nam giới.

4. Cách dùng – liều lượng

Có thể sử dụng mướp tây bằng cách luộc, xào, nấu canh, nấu nước uống hoặc dùng ngoài. Đậu bắp không có độc nên có thể sử dụng với liều lượng lớn.

 

Một số bài thuốc và món ăn chữa bệnh từ đậu bắp

mướp tây

Đậu bắp được sử dụng để điều trị táo bón, bệnh trĩ, đái tháo đường, bệnh gout và viêm họng

1. Bài thuốc hỗ trợ điều trị đái tháo đường

  • Chuẩn bị: 1 lượng đậu bắp non vừa đủ.
  • Thực hiện: Đem hấp cơm hoặc luộc chấm với nước mắm, ăn thường xuyên để kiểm soát nồng độ đường huyết.

2. Bài thuốc chữa chứng tiểu đục

  • Chuẩn bị: Cây mướp tây tươi 100 – 150g.
  • Thực hiện: Rửa sạch, cắt nhỏ và đem sắc, uống thường xuyên cho đến khi khỏi.

3. Bài thuốc chữa chứng ra mồ hôi

  • Chuẩn bị: 1 ít hạt mướp tây sao vàng.
  • Thực hiện: Đem sắc uống hằng ngày.

4. Bài thuốc chữa đau nhức xương khớp do phong thấp

  • Chuẩn bị: Cả cây mướp tây già.
  • Thực hiện: Đem phơi khô, sau đó cắt nhỏ và sắc lấy nước uống.

5. Bài thuốc chữa chứng táo bón

  • Chuẩn bị: 1 ít rau đay và đậu bắp.
  • Thực hiện: Thái lát đậu bắp và nấu canh với rau đay, có thể thêm cua và rau mồng tơi vào.

6. Bài thuốc hỗ trợ làm giảm bệnh gout (thống phong)

  • Chuẩn bị: Đậu bắp tươi 200 – 300g.
  • Thực hiện: Luộc và chấm mắm ăn thường xuyên.

7. Bài thuốc giúp nuôi dưỡng làn da và giúp sáng mắt

  • Chuẩn bị: Đậu bắp tươi 200g.
  • Thực hiện: Luộc hoặc xào, ăn từ 2 – 3 bữa/ tuần.

8. Bài thuốc hạ mỡ trong máu

  • Chuẩn bị: 1 ít mướp tây.
  • Thực hiện: Hấp, luộc hoặc nấu xanh, ăn thường xuyên.

9. Bài thuốc giúp tóc bóng mượt và đen nhánh

  • Chuẩn bị: 1 ít đậu bắp tươi
  • Thực hiện: Đun sôi đậu bắp và để nguội. Vắt nước cốt chanh vào nước đậu bắp và dùng nước để ủ tóc. Sau khoảng 15 – 20 phút, gội đầu lại với nước cho sạch.

10. Món canh từ đậu bắp giúp điều trị tiểu đường

  • Chuẩn bị: Lá sa kê non, 1 miếng đậu hũ non, 5 đọt ổi, 2 quả đậu bắp và gia vị.
  • Thực hiện: Lá sa kê thái sợi, đậu bắp cắt khúc, đậu hũ cắt miếng vừa ăn. Sau đó cho các nguyên liệu vào nồi và nấu thành canh. Khi ăn, nêm thêm gia vị và ăn cùng với cơm.

11. Bài thuốc chữa viêm họng và ho

  • Chuẩn bị: Lá đậu bắp thái nhỏ, phơi khô.
  • Thực hiện: Ngày dùng 10 – 16g hãm như trà và uống thường xuyên. Hoặc có thể sắc lấy nước để súc miệng.

 

Những điều cần lưu ý khi sử dụng dược liệu mướp tây

Khi dùng dược liệu mướp tây để điều trị, bạn nên lưu ý những thông tin sau đây:

  • Khi chế biến đậu bắp, nên nấu ở nhiệt độ vừa phải để đảm bảo giá trị dinh dưỡng.
  • Mướp tây có tính mát nên không thích hợp với người bị tiêu chảy, lạnh bụng, rối loạn tiêu hóa,…

Mướp tây (đậu bắp) vừa là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng vừa có tác dụng điều trị một số bệnh lý thường gặp. Tuy nhiên tác dụng của loại thảo dược này không thể thay thế cho thuốc điều trị, vì vậy bạn nên tránh tình trạng phụ thuộc vào các bài thuốc dân gian. Để quá trình điều trị đạt được kết quả tối ưu, bên phối hợp bài thuốc từ đậu bắp với chỉ định của bác sĩ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top