1. Khái niệm
Polyp túi mật là những tổn thương dạng u nhú phát triển từ lớp niêm mạc của thành túi mật, có thể đơn độc hoặc đa polyp. Đây là bệnh lý khá phổ biến, chiếm tỷ lệ khoảng 5–9% dân số chung, có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi và không có sự khác biệt rõ rệt về giới tính hay chủng tộc. Đa phần các polyp túi mật là lành tính, tuy nhiên một tỷ lệ nhỏ có nguy cơ tiến triển thành ung thư, đặc biệt ở những polyp có kích thước lớn hoặc có yếu tố nguy cơ ác tính kèm theo.
2. Phân loại
Polyp túi mật được phân loại theo mô học gồm:
Polyp cholesterol (50–60%): kích thước <10mm, thường lành tính.
Polyp viêm (10%): hình thành trên nền viêm túi mật mạn tính.
Polyp cơ tuyến (25%): thường gặp ở người trưởng thành, kích thước 5–20mm, có nguy cơ tiến triển ác tính.
Polyp tuyến (5%): dạng u tuyến có tiềm năng tiền ung thư.
Các dạng hiếm gặp khác: u mỡ, u xơ, u hạt, dị sản,…
3. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân chính liên quan đến rối loạn chuyển hóa lipid, đặc biệt là cholesterol. Một số yếu tố nguy cơ đã được ghi nhận gồm:
Tuổi ≥50.
Béo phì, rối loạn lipid máu, đái tháo đường.
Tiền sử viêm túi mật, sỏi mật, viêm đường mật xơ hóa nguyên phát.
Chế độ ăn nhiều cholesterol, ít chất xơ.
4. Triệu chứng lâm sàng
Đa số bệnh nhân không có triệu chứng và được chẩn đoán tình cờ qua siêu âm. Một số trường hợp có biểu hiện:
Đau âm ỉ hạ sườn phải hoặc vùng thượng vị.
Rối loạn tiêu hóa: đầy bụng, khó tiêu, chán ăn.
Buồn nôn, nôn sau ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ.
5. Mức độ nguy cơ ác tính
Polyp túi mật có thể tiến triển thành ung thư, đặc biệt nếu có các yếu tố sau:
Kích thước ≥10mm.
Không có cuống, chân polyp rộng.
Polyp phát triển nhanh bất thường về kích thước/số lượng.
Đa polyp.
Polyp có triệu chứng, kèm viêm túi mật mạn tính hoặc sỏi mật.
Polyp ở người >50 tuổi, hoặc có bệnh nền gan-mật mạn tính.
6. Chẩn đoán
Siêu âm ổ bụng: phương pháp tầm soát chính, giúp phát hiện polyp, đánh giá số lượng, kích thước, hình thái (cuống, chân rộng...).
CT scanner có cản quang: hỗ trợ phân biệt polyp lành tính và ác tính.
MRI/MRCP: dùng trong trường hợp nghi ngờ tổn thương ác tính hoặc có biến chứng.
Xét nghiệm sinh hóa: men gan, chức năng gan mật, HBsAg, Anti-HCV,...
7. Hướng xử trí
7.1. Điều trị bảo tồn
Chỉ định với polyp <10mm và không có yếu tố nguy cơ. Cần theo dõi định kỳ:
Loại polyp | Siêu âm theo dõi |
---|---|
<5mm, không nguy cơ | mỗi 12 tháng |
<5mm, có nguy cơ | mỗi 6–12 tháng |
6–9mm, không nguy cơ | mỗi 6–12 tháng |
6–9mm, có nguy cơ | mỗi 3–6 tháng |
7.2. Chỉ định phẫu thuật
Cắt túi mật nội soi được chỉ định khi:
Kích thước polyp ≥10mm.
Polyp <10mm có yếu tố nguy cơ ác tính.
Đa polyp hoặc polyp có triệu chứng.
Polyp kèm sỏi túi mật hoặc viêm túi mật mạn.
Nghi ngờ ác tính qua hình ảnh học (tăng nhanh kích thước, chân rộng, bề mặt không đều…).
7.3. Phẫu thuật nội soi cắt túi mật
Phẫu thuật nội soi hiện là phương pháp tiêu chuẩn với ưu điểm ít xâm lấn, phục hồi nhanh, thời gian nằm viện ngắn (3–5 ngày). Trong một số trường hợp nghi ngờ ung thư, có thể cần phẫu thuật mở kết hợp cắt một phần gan và nạo hạch vùng.
8. Chế độ ăn uống – sinh hoạt
Người bệnh có polyp túi mật nên:
Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ, vitamin (rau xanh, hoa quả tươi).
Ưu tiên đạm dễ tiêu (cá biển, thịt trắng, đậu nành).
Hạn chế thực phẩm nhiều chất béo bão hòa, cholesterol, đồ chiên rán, đồ ăn nhanh.
Tránh chất kích thích như rượu, bia, cà phê.
Tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng hợp lý.
Thăm khám định kỳ để theo dõi tiến triển polyp.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh