✴️ Tinh khí huyết tân dịch và hội chứng bệnh lý

Nội dung

ĐẠI CƯƠNG

Học thuyết tinh khí là một trong những quan điểm của triết học cổ đại ảnh hưởng rất lớn đến YHCT. “Khí" bao hàm toàn bộ những vật chất vô hình và không ngừng vận động.

Hoạt động sống là tổng hợp các hoạt động sinh lý của tạng phủ- kinh lạc với khí- huyết- tinh - tân dịch...

Khí huyết- tinh- tân dịch là cơ sở vật chất của hoạt động sinh lý của cơ thể, được tạo nên từ các chức năng hoạt động của tạng phủ và thông qua hệ thống kinh mạch để phân bố đi toàn thân.

 

KHÍ HUYẾT TINH TÂN DỊCH

Khí

Khái niệm

Chức năng hoạt động sinh lý của tổ chức tạng phủ, thông qua hoạt động cơ năng của tạng phủ mà phản ánh ra: tâm khí, phế khí, tỳ khí...

Lưu thông bên trong tạng phủ để duy trì vật chất tinh vi cho hoạt động sống của cơ thể: tinh khí của đồ ăn uống, khí hô hấp, doanh khí, vệ khí...

Ngoài ra phạm vi ứng dụng của "khí" còn rất rộng rãi.

Nhân tố gây bệnh: hàn khí, thấp khí... thuộc khái niệm "tà khí".

Hiện tượng bệnh lý: do rối loạn công năng tạng phủ gây nên như khí hư, khí nghịch....

Hoặc để chỉ ra phương pháp điều trị như bổ khí, hành khí...

Nguồn gốc và phân loại

Nguồn gốc

Tinh khí tiên thiên: bẩm thụ từ cha mẹ, tức là tinh khí của thận.

Tinh khí của tỳ vị hóa sinh: tinh khí của thức ăn.

Tinh khí do phế hô hấp: khí tự nhiên.

Ba loại khí này quan  hệ mật thiết, tạo nguồn sinh khí của toàn thân. Dưới tác dụng "khí hóa" của thận... hình thành nên các loại khí cần thiết cho sự sống.

Phân loại

Nguyên khí:

Là khí tiên thiên, nguồn gốc là do bố mẹ truyền lại cho con cái. Nguyên khí tàng trữ ở thận, được nuôi dưỡng bởi khí hậu thiên để phát huy tác dụng.

Tác dụng: thúc đẩy công năng hoạt động của phủ tạng, duy trì sự phát triển bình thường của cơ thể như sinh trưởng, phát dục.Nếu bệnh lâu ngày làm hao tổn nguyên khí làm cho tạng phủ hư suy, khả năng chống đỡ của cơ thể với bệnh tật sút kém.

Tông khí:

Tông khí do phế hô hấp khí tự nhiên kết hợp với "tinh khí thủy cốc" do tỳ vị hóa sinh tạo thành. Tông khí vận động lưu hành toàn thân, các loại khí khác đều được nó nuôi dưỡng.

Tác dụng của tông khí

Giúp phế quản hô hấp: khả năng hít thở, tiếng nói to hay nhỏ, mạnh hay yếu đều có quan hệ chặt đến sự thịnh suy của tông khí.

Giúp tâm hành huyết: sự vận hành khí huyết, chi thể ấm hay lạnh đều có mối quan hệ đến tông khí.

Vệ khí: hung hãn khí.

Vệ khí là do chất tinh của đồ ăn uống hóa sinh nên, là một bộ phận dương khí của cơ thể ; vận chuyển nhanh, đi ngoài thành mạch, phân bố khắp toàn thân.

Tác dụng:

Vệ khí ở phần lý có tác dụng ôn dưỡng tạng phủ; ở phần biểu có tác dụng ôn dưỡng cơ nhục, nhuận nhàng da lông và đóng mở lỗ mồ hôi.

Sở dĩ gọi là vệ khí vì nó có tác dụng phòng ngừa sự xâm nhập của ngoại tà.

Doanh khí

Doanh khí là " tinh khí" của phần tinh trong đồ ăn thức uống hóa sinh nên, sau đó chạy trong lòng mạch.

Tác dụng: hóa sinh huyết dịch, nuôi dưỡng toàn thân. Nó là một bộ phận của huyết dịch, tác dụng cơ bản như huyết dịch nên thường gọi là "doanh huyết".

Nguyên khí- tông khí hợp lại gọi là "chân khí". Chân khí lưu hành toàn thân, là động lực để duy trì hoạt động sống.

Chức năng của khí

Tác dụng kích thích phát triển: kích thích tổ chức sản sinh ra các hoạt động sinh lý. Như thúc đẩy vị tiêu hóa hấp thu, sinh ra tinh khí của đồ ăn uống; thúc đẩy thận xúc tiến công năng phát dục- sinh trưởng- sinh sản của cơ thể...

Tác dụng ôn ấm: duy trì nhiệt dộ hằng định của cơ thể...

Tác dụng phòng ngự: Vệ khí phân tán ở khắp cơ thể để bảo vệ chống lại sự xâm nhập của tà khí.

Tác dụng cố nhiếp: làm cho huyết dịch vận chuyển trong lòng mạch, tân dịch vận chuyển bình thường mà không bị thoát ra ngoài.

Tác dụng khí hóa: Khí hóa là thông qua vận động của khí mà sản sinh các loại biến hóa. Tác dụng khí hoá liên quan đến toàn bộ quá trình sản sinh, trao đổi và chuyển hóa của khí, huyết, tinh và tân dịch.

Bệnh lý

Khí hư: chính khí bất túc gây nên.

Biểu hiện: khó thở, âm thanh nhỏ yếu, mệt mỏi, ngại nói, sắc mặt ám vàng hoặc trắng bệch, ăn kém, đại tiện lỏng nát, sợ lạnh, dễ bị ngoại cảm...

Khí hãm: Thường là chỉ trung khí hạ hãm. Nguyên nhân do dương khí của tỳ vị không thăng vận, làm cho nội tạng hạ hãm.

Biểu hiện: sa dạ dày, dạ con, gan, trĩ...

Khí trệ : Khí trong cơ thể vận hành không thông, đình trệ ở nơi nào đó mà gây nên bệnh.

Triệu chứng: đau và căng trướng tức ngực, sưng tuyến vú, trướng bụng, bí tiểu tiện...

Khí nghịch:

Biểu hiện: Phế khí thượng nghịch sẽ gây nên ho, khó thở, thở nhanh nông. Vị khí nghịch gây buồn nôn, nôn, nấc, ợ chua...

Huyết

Khái niệm

Huyết tuần hành trong lòng mạch nhờ tác động thúc đẩy của khí để thành dịch thể mầu hồng nuôi dưỡng toàn thân.

Huyết là vật chất trọng yếu để duy trì hoạt động sống.

Nguồn gốc

Do tinh tiên thiên kết hợp với chất tinh vi của đồ ăn uống hóa sinh nên. Thông qua việc tiêu hóa hấp thu, chất tinh vi đồ ăn uống phân bố lên tâm phế, nhờ tác dụng khí hóa nhập vào trong mạch hóa sinh thành huyết.

Ngoài ra còn có thuyết tinh huyết đồng nguyên: thận tàng tinh chủ cốt sinh tủy, tinh và tủy có thể hóa sinh thành huyết. Vì thế, huyết là do chất tinh vi của đồ ăn uống - doanh khí- tinh tủy... hóa sinh nên; là do tỳ - thận- vị- tâm- phế... thông qua tác dụng khí hóa mà hình thành nên huyết.

Vận hành

Vận hành của huyết cần dựa vào sự thúc đẩy của tâm khí mà vận chuyển toàn thân. Cho nên nói "tâm chủ huyết mạch".

Huyết dịch toàn thân thông qua kinh mạch mà hội tụ ở phế, thông qua tác dụng hô hấp thanh trọc của phế mà thông suốt vào trong mạch để phân bố toàn thân.

Can có tác dụng tàng trữ và điều tiết huyết dịch, cho nên nói "can tàng huyết".

Tỳ là nguồn sinh huyết, có tác dụng thống nhiếp huyết dịch vận chuyển trong lòng mạch mà không thoát ra ngoài gọi là "tỳ thống huyết".

Vì vậy chỉ có sự phối hợp hoạt động của tâm- phế- can- tỳ mà huyết mới có thể vận hành bình thường được.

Chức năng

Huyết là một trong những vật chất trọng yếu để nuôi dưỡng cơ thể.

Tâm chủ thần chí, chủ huyết mạch, huyết dưỡng tâm, nhờ có sự nuôi dưỡng của tâm huyết mới có thể duy trì được tư duy- ý thức. Nếu tâm mất sự nuôi dưỡng, nhẹ thì gây hồi hộp trống ngực, hay quên; nặng thì gây đau tức ngực, hôn mê.

Huyết duy trì sự bình hằng của âm dương. Huyết thiếu thì âm hư, âm hư không khống chế được dương nên dễ sinh ra nhiệt chứng. Vì vậy huyết là vật chất trọng yếu duy trì cân bằng âm dương.

Bệnh lý

Huyết hư

Nguyên nhân: mất ngủ quá nhiều, hoặc sinh huyết không đủ như dinh dưỡng kém, công năng hấp thu của tỳ vị yếu, thận tinh hao hư không thể sinh tủy hóa huyết được....

Lâm sàng: sắc mặt ám vàng, móng chân tay trắng nhợt, không tươi, hoa mắt chóng mặt, nhìn vật mờ, mệt mỏi, tê chân tay, phụ nữ thống kinh, bế kinh hoặc kinh nhạt màu, số lượng giảm, mạch vi nhược vô lực, chất lưỡi nhạt, rêu trắng.

Huyết ứ

Nguyên nhân: huyết dịch vận hành không thông, hoặc huyết dịch trệ tắc ở kinh mạch- tạng phủ- tổ chức, hoặc huyết rời khỏi kinh mạch nhưng không thoát ra ngoài

Lâm sàng: đau lâu ngày, đau dữ dội, đau cố định, tại chỗ ám tím hoặc nổi hòn khối, sắc mặt ám tối, phụ nữ thống kinh- bế kinh- đau bụng kinh, môi tím, móng chân tay tím, chất lưỡi ám tím hoặc có ban ứ huyết.

Xuất huyết: huyết không vận chuyển trong kinh mạch mà thoát ra ngoài.

Nguyên nhân là do ngoại thương, hỏa nhiệt, âm hư hỏa vượng bức huyết vong hanh, khí hư không nhiếp huyết, can uất không tàng huyết, huyết ứ nội trệ làm huyết không quy kinh, tình chí hóa hỏa làm huyết theo khí mà thượng nghịch lên trên...

Lâm sàng: chóng mặt, nôn, ho ra máu, đại tiểu tiện ra máu, xuất huyết ở bụng ngực, xuất huyết ở tứ chi...

Tinh

Khái niệm

Tinh là vật chất trong yếu cấu tạo nên cơ thể sống và duy trì hoạt động sống của cơ thể người.

Căn cứ vào nguồn gốc mà nói, có thể phân tinh ra 2 loại: tinh tiên thiên- tinh hậu thiên.

Căn cứ vào chức năng có thể phân thành tinh sinh dục - tinh duy trì hoạt động sống

Nguồn gốc và chức năng

Tinh tiên thiên

Là vật chất ban đầu, bố mẹ truyền lại và cấu tạo nên cơ thể sống.

Cơ thể con người là do tinh lưỡng tính kết hợp với nhau, sau đó hình thành bào thai, dần dần hình thành cơ thể hoàn chỉnh. Nói chung nam nữ thời kỳ trưởng thành đều có khả năng sản sinh tinh tiên thiên, đó là tinh sinh dục.

Tinh hậu thiên

Nguồn gốc từ chất tinh vi của đồ ăn uống hóa sinh tạo nên. Nó thông qua huyết mạch để nuôi dưỡng tạng phủ, không ngừng chuyển hóa thành tinh tạng phủ; hoặc thành khí huyết, từ đó mà duy trì được công năng hoạt động của tạng phủ và làm cho cơ thể phát triển.

Tinh hậu thiên ngoài việc duy trì hoạt động sống của cơ thể ra, phần còn lại được tàng trữ ở thận thành tinh tiên thiên.

Bệnh lý

Bệnh lý chủ yếu của tinh là tinh hao. Vì tinh có thể hóa khí, khí sung túc thì thần tỉnh táo.

Lâm sàng: đoản khí, dễ mệt, hư phiền, ăn uống kém, miệng khô, đại tiện táo, mạch vô lực... Nếu thận tinh hao hư, đối với nam giới sẽ thấy đau lưng, mỏi gối, giảm trí nhớ di tinh, tảo tiết, không thụ thai được; đối với nữ giới thấy thống kinh, bế kinh, không thụ thai...

Tân dịch

Khái niệm

Tân dịch là chỉ toàn bộ hệ thống thủy dịch bình thường trong cơ thể, chủ yếu là dịch thể, còn bao gồm cả dịch ở mắt, các xoang rỗng và các khiếu, dịch vị, dịch ruột và cả mồ hôi, nước tiểu...

Trong đó chất tương đối trong loãng thì gọi là tân, chất tương đối đặc đục thì gọi là dịch. Nhưng nói chung thường gộp lại gọi là tân dịch.

Nguồn gốc-phân bố - bài tiết

Quá trình chuyển hóa của tân dịch có quan hệ đến tỳ- vị- phế- tâm- thận- tam tiêu.

Thức ăn sau khi được tỳ vị tiêu hóa hấp thu chuyển lên phế. Một phần chất tinh vi của tân dịch tuyên phát toàn thân, một phần thông qua thủy đạo chuyển xuống thận- bàng quang, tiến hành khí hóa, phân tiết thanh trọc, đêm phần tinh hoa của trọc khí chuyển lại lên phế, đem phần trọc của trọc khí hình thành nên nứơc tiểu chuyển xuống bàng quang mà bài tiết ra ngoài.

Tác dụng

Tân loãng mà nhẹ, tính lưu động cao, chủ yếu thấm nhuận ở cơ nhục bì phu, có tác dụng nuôi dưỡng

Dịch đặc mà nặng, tính lưu động ít hơn, chủ yếu ở khớp xương, não, tủy, ngũ quan..có tác dụng hoạt nhuận xương khớp, tư dưỡng lỗ khiếu đồng thời làm trấn tinh bổ tủy.

Tân dịch có tác dụng duy trì cân bằng thủy dịch trong cơ thể. Nó phân bố khắp toàn thân, từ tạng phủ cho đến da lông đều phải dựa vào tân dịch để nuôi dưỡng. Tân và dịch có thể chuyển hóa và điều tiết lẫn nhau. Ví như khi cơ thể thiên nhiệt thì mồ hôi ra nhiều, thiên hàn thì tiểu tiện lại nhiều, ăn uống nhiều thì tiểu tiện nhiều...

Bệnh lý

Thương tân và thương âm

Tân dịch bất túc mức độ nhẹ gọi là thương tân, mất độ nặng gọi là thương âm.

Nguyên nhân

Thu nhiếp bất túc hoặc do tỳ vị hóa sinh hấp thu trở ngại.

Ra mồ hôi nhiều, nôn nhiều, đại tiện lỏng nát, xuất huyết nhiều.

Sốt cao, trúng thử, âm hư nội nhiệt.

Biểu hiện lâm sàng: miệng khát, họng khô, môi táo, da lông khô, đại tiện bí, tiểu tiện ít, lưỡi khô ít tân, mạch vi sác vô lực...

Thương âm còn có thể thấy chất lưỡi hồng giáng, khô.

Thủy thũng

Thủy thũng là do tân dịch không vận chuyển và bài tiết được, làm cho thủy thấp tụ lại bên trong gây nên. Nguyên nhân là do phế mất tuyên giáng, không thể thông điều thủy đạo được, tỳ mất kiện vận, thủy thấp đình lưu, thận dương khí hóa bất lợi, nước tiểu giảm, thủy thấp lan tràn .

Lâm sàng: mặt - tứ chi phù thũng, hoặc tích nước trong ổ bụng.

 

KẾT LUẬN

Học thuyết tinh khí là một trong những quan điểm của triết học cổ đại ảnh hưởng rất lớn đến YHCT. “Khí" bao hàm toàn bộ những vật chất vô hình và không ngừng vận động.

Hoạt động sống là tổng hợp các hoạt động sinh lý của tạng phủ- kinh lạc với khí- huyết- tinh - tân dịch...

Khí huyết- tinh- tân dịch là cơ sở vật chất của hoạt động sinh lý của cơ thể, được tạo nên từ các chức năng hoạt động của tạng phủ và thông qua hệ thống kinh mạch để phân bố đi toàn thân.

Trên lâm sàng cần nắm chắc biểu hiện bệnh lý của khí huyết tinh và tân dịch để biện chứng và đưa ra pháp điều trị cho phù hợp.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Trần Quốc Bảo. Yhọc Cổ truyền, NXB Quân đội nhân dân, Hà nội 2013

Tr­­ường Đại học Y Hà nội .Yhọc cổ truyền- NXB - Y học, 1999

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top