Bệnh lý liên quan đến tuyến thượng thận

Tuyến thượng thận là gì?

Tuyến thượng thận là cơ quan đôi (có ở hai bên) tuy có kích thước nhỏ nhưng đóng vai trò sống còn với cơ thể của chúng ta. Chúng nằm ở khoang sau phúc mạc, tức khu vực sau các tạng trong ổ bụng, gần về phía sau lưng hơn, sát với vị trí của hai thận. Mặc dù có kích thước nhỏ nhưng tuyến thượng thận có tác dụng sản sinh ra hormone cortisol và aldosterone trong cơ thể. Nếu tuyến thượng thận bị tổn thương có thể gây ảnh hưởng lớn đến tổng thể sức khỏe.

Bệnh lý liên quan vỏ thượng thận

  • Suy vỏ thượng thận: Bệnh Addison là một dạng rối loạn xảy ra khi tuyến thượng thận hoạt động không hiệu quả và sản xuất không đủ lượng hormone cortisol hoặc aldosterone cần thiết, dẫn đến tình trạng muối và nước của cơ thể sẽ bị thải ra bên ngoài thông qua nước tiểu và lượng kali tăng nhanh đến mức nguy hiểm.Bệnh có các triệu chứng thường gặp như: da sạm đen, cơ thể mệt nhọc, gầy, giảm cân nhanh chóng, hạ huyết áp, buồn nôn và nôn, đau bụng…
  • Cường vỏ thượng thận:
    • Cường vỏ thượng thận loại chuyển hóa: Bệnh Cushing ( loại rối loạn hiếm gặp này xảy ra khi tuyến thượng thận sản xuất quá nhiều cortisol với các triệu chứng như:  Vùng trung tâm cơ thể có tình trạng tích tụ mỡ, béo tròn nhưng chân tay bị nhỏ đi, khẳng khiu, da có những biến đổi bất thường: dễ bị bầm máu, da mỏng hơn bình thường, có các vết rạn da màu tím đỏ, lông mọc nhiều, huyết áp tăng cao, mệt mỏi không muốn hoạt động…), bệnh Conn ( với các triệu chứng: thường xuyên khát nước, đi tiểu nhiều hơn, cơ thể mệt mỏi, hay bị chuột rút, đau nhức đầu, rối loạn thị giác…)
    • Cường hormon sinh dục nam của vỏ thượng thận (hypercorlicisme androénique)

Bệnh lý liên quan tủy thượng thận

  • Suy tủy thượng thận: Chưa thấy thông tin về bệnh lý suy tủy thượng thận.
  • Cường tủy thượng thận (Phrocromocytom-là loại khối u thần kinh nội tiết): gây tăng tiết các catecholamin (thông thường là Adrenalin và/hoặc Noradrenalin, hiếm gặp hơn là tiết dopamin) gây tăng huyết áp nặng và nguy hiểm. Ngoài ra, thỉnh thoảng bị sốt nhẹ, ù tai, buồn nôn hoặc nôn, ra mồ hôi, ù tai…Bệnh có thể gây tử vong nếu không được phát hiện kịp thời, chẩn đoán hoặc điều trị không đúng.

Bệnh tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh (Congenital adrenal hyperplasia – CAH)

Là bệnh di truyền, biểu hiện của bệnh là tình trạng rối loạn tổng hợp hormon vỏ thượng thận. Nguyên nhân chính là do đột biến gen CYP21A2 dẫn đến thiếu men 21-hydroxylase. Thiếu hụt 21-hydroxylase có thể được chia thành 2 dạng:

  • Mất muối
  • Nam tính hóa

Ở cả hai dạng, mức androgen thượng thận tăng lên, gây nam tính hóa.

Phương pháp chẩn đoán bệnh lý liên quan đến tuyến thượng thận

Ngay khi cơ thể có những triệu chứng bất thường ở tuyến thượng thận, người bệnh cần đi khám để được kiểm tra cũng như làm các xét nghiệm u tuyến thượng thận cần thiết. Các biện pháp chẩn đoán bệnh lý liên quan đến tuyến thượng thận có thể được chỉ định là:

  • Xét nghiệm sinh hóa máu: giúp định lượng nồng độ các hormon tuyến thượng thận, hormon tuyến yên, đường huyết, kali, natri…giúp chẩn đoán bệnh chính xác nhất
  • Xét nghiệm di truyền: Những bệnh lý liên quan đến tuyến thượng thận nếu có nguyên nhân là yếu tố di truyền cần thực hiện xét nghiệm này để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Đồng thời sàng lọc bệnh lý với các thành viên trong gia đình.
  • Chẩn đoán hình ảnh: các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh công nghệ cao như CT scan, MRI, PET, siêu âm, X-quang  giúp phát hiện và tầm soát các khối u với độ chính xác cao.

Tùy vào nguyên nhân và bệnh lý tuyến thượng thận mà bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị phù hợp nhất giúp chữa trị dứt điểm căn bệnh. Trong một vài trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc điều trị giúp tuyến thượng thận hoạt động bình thường trở lại nhưng cũng có bệnh phải phẫu thuật cắt bỏ tuyến thượng thận và khối u thì mới có thể loại bỏ được nguyên nhân gây bệnh. Trong trường hợp nào bạn cũng nên phối hợp điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ để đạt được kết quả tốt đẹp, tránh những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Phòng ngừa bệnh lý tuyến thượng thận

Để ngăn ngừa cũng như điều trị các bệnh lý liên quan đến tuyến thượng thận, bên cạnh việc sử dụng thuốc, các phương pháp điều trị theo chỉ định của bác sĩ, mọi người nên có lối sống, chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý, lành mạnh, khoa học:

  • Chế độ dinh dưỡng: nên ăn những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng,thực phẩm có nhiều chất xơ, protein, chất béo tốt và vitamin, nhất là vitamin C (xoài, táo, cam…), vitamin nhóm B (B5, B6), uống đủ nước…. Kiêng những thực phẩm chứa đường, nhiều muối, các chất làm ngọt nhân tạo (aspartame) vì những chất như này làm gánh nặng cho tuyến thượng thận,khiến cơ thể trở nên mệt mỏi.
  • Không uống rượu bia, hút thuốc lá
  • Chế độ luyện tập thể dục: không chỉ nâng cao sức khỏe mà còn tăng sức đề kháng, giúp tinh thần thoải mái, dễ chịu. Nên tập những bài tập nhẹ nhàng với cường độ nhẹ nhưng thường xuyên như: đi bộ, yoga, bơi lội…, không nên tập nặng và tập nhiều để tránh cơ thể không đáp ứng được thì dẫn đến tình trạng mệt mỏi hơn.
  • Nâng cao chất lượng cuộc sống, đời sống tinh thần: giữ tinh thần thoải mái, không áp lực, căng thẳng kéo dài; đảm bảo chất lượng giấc ngủ: ngủ đủ giấc, ngủ ngon, không thức khuya…
  • Duy trì thói quen khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát tình trạng sức khỏe của bản thân, phát hiện sớm bệnh ngay từ giai đoạn đầu để chữa trị
  • Khi được chẩn đoán các bệnh liên quan đến tuyến thượng thận, cần tuân thủ, thực hiện theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ.

Không nên tự ý sử dụng các loại thuốc, nhất là thuốc corticoid vì đây là một trong những nguyên nhân gây suy tuyến thượng thận. Tốt nhất, nếu phải dùng thuốc hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.

return to top