✴️ Mất cân bằng điện giải: triệu chứng và điều trị

Chất điện giải là gì?

Chất điện giải là khoáng chất mà cơ thể cần để:

  • Cân bằng lượng nước;

  • Giúp vận chuyển chất dinh dưỡng vào tế bào;

  • Loại bỏ chất thải;

  • Tham gia vào hoạt động truyền tín hiệu của dây thần kinh;

  • Co duỗi cơ bắp;

  • Tham gia trong hoạt động của não và tim.

Cơ thể cần được cung cấp chất điện giải từ thực phẩm và đồ uống. Thận và gan giúp giữ cân bằng điện giải. Nếu nguồn thực phẩm đa dạng và uống đủ nước, chất điện giải thường ở mức cân bằng ổn định. Các chất điện giải trong cơ thể người bao gồm:

  • Natri;

  • Kali;

  • Canxi;

  • Magiê;

  • Phốt phát;

  • Clorua;

  • Bicarbonate.

Mất cân bằng điện giải xảy ra khi  mức độ chất điện giải trở nên quá cao hoặc thấp. Tuy không phải là một bệnh lý nhưng đây là dấu hiệu của một số tình trạng sức khỏe bất thường của cơ thể.

Nguyên nhân nào gây ra sự mất cân bằng điện giải?

Mất cân bằng điện giải có thể xảy ra nếu cơ thể bị mất nước hoặc có quá nhiều nước trong cơ thể. Những nguyên nhân phổ biến nhất gây mất cân bằng điện giải là:

  • Nôn;

  • Tiêu chảy;

  • Không uống đủ nước;

  • Thiếu dinh dưỡng;

  • Đổ quá nhiều mồ hôi;

  • Một số loại thuốc như thuốc nhuận tràng và thuốc lợi tiểu;

  • Vấn đề về gan hoặc thận;

  • Người đang điều trị ung thư;

  • Suy tim sung huyết.

Triệu chứng

Cơ thể phản ứng với sự mất cân bằng điện giải theo nhiều phương diện khác nhau. Các tác động có thể phụ thuộc vào mức điện giải bị mất cân bằng, mức độ nghiêm trọng tình trạng và các vấn đề về sức khỏe khác nếu có.

Một nghiên cứu ở Hoa Kỳ đã xem xét dữ liệu từ 996 bệnh nhân cấp cứu vì mất cân bằng điện giải. Kết quả báo cáo rằng các triệu chứng phổ biến nhất là:

  • Sốt;

  • Thở gấp;

  • Lú lẫn;

  • Sưng phù;

  • Nhịp tim nhanh hoặc không đều.

Các triệu chứng khác có thể bao gồm:

  • Cáu gắt;

  • Mệt mỏi;

  • Tê, ngứa ran;

  • Yếu cơ;

  • Co giật, co thắt;

  • Thay đổi huyết áp nhanh chóng.

mất cân bằng điện giải

Đối với trẻ em

Trẻ em có nguy cơ mất nước cao hơn người lớn do thể tạng nhỏ hơn và tốc độ chuyển hóa dịch và chất điện giải nhanh hơn.

Đối với trẻ có các tình trạng như bệnh lý tuyến giáp, tim hoặc bệnh thận có thể có nguy cơ mất cân bằng điện giải cao hơn. Trong trường hợp trẻ bị ốm nặng hoặc tiêu chảy có thể bị mất cân bằng điện giải cần được chăm sóc y tế càng sớm càng tốt.

Ở người lớn tuổi

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng người lớn tuổi có thể dễ bị mất nước và mất cân bằng điện giải hơn người trẻ tuổi. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này bao gồm:

  • Thận suy giảm chức năng theo tuổi tác;

  • Người lớn tuổi có thể dùng nhiều loại thuốc có thể thay đổi nồng độ chất điện giải;

  • Không cung cấp đủ chất dinh dưỡng do nhiều nguyên nhân.

Đối với người lớn tuổi nên được theo dõi thường xuyên để nhận biết dấu hiệu mất nước đồng thời có sự điều chỉnh, bổ sung chế độ dinh dưỡng hàng ngày cho phù hợp. Các dấu hiệu mất nước ở người lớn tuổi có thể bao gồm:

  • Khô môi, miệng và lưỡi;

  • Mắt trũng;

  • Da khô, kém săn chắc hoặc kém đàn hồi;

  • Buồn ngủ;

  • Lú lẫn hoặc mất phương hướng;

  • Chóng mặt;

  • Huyết áp thấp.

 

Điều trị

Nếu có tình trạng nôn mửa, tiêu chảy hoặc ra mồ hôi nhiều, uống nhiều nước hoặc dung dịch điện giải có thể giúp khôi phục lại sự cân bằng của chất điện giải trong cơ thể.

Một số người bị mất cân bằng điện giải có nguyên nhân do các tình trạng sức khỏe khác như bệnh lý về thận hoặc tim. Trong trường hợp này, vẫn có thể điều chỉnh sự mất cân bằng tại nhà trong vài ngày đến vài tuần. Tuy nhiên cần có sự theo dõi của bác sĩ để xem xét diễn tiến sức khỏe người bệnh một cách thường xuyên.

Tuy nhiên, việc uống nhiều chất điện giải mà không có hướng dẫn của bác sĩ có thể tạo ra sự mất cân bằng khác và dẫn đến các biến chứng về sức khỏe.

Ngoài ra, có thể cần điều trị bổ sung để khắc phục các nguyên nhân chính gây ra tình trạng mất cân bằng điện giải. Đối với người mắc bệnh thận nặng có thể cần lọc máu để điều chỉnh sự mất cân bằng điện giải.

Mất cân bằng điện giải có thể nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy đối với trường hợp mất cân bằng nghiêm trọng có thể cần bổ sung chất điện giải thông qua đường truyền tĩnh mạch được thực hiện tại bệnh viện.

Biện pháp khắc phục tại nhà

Nếu nghi ngờ bản thân có thể bị mất nước nhẹ có thể thử uống bù nước để cân bằng lại mức độ điện giải.

Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng đồ uống thể thao và dung dịch bù nước đường uống mang lại kết quả tương tự nhau ở những người tập thể dục trong thời tiết nóng. Tuy nhiên, hãy cân nhắc về việc sử dụng một số đồ uống thể thao cho mục đích này. Một số chuyên gia cho rằng đồ uống thể thao chứa quá nhiều đường và quá ít natri để điều chỉnh sự mất cân bằng.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị nên thực hiện các biện pháp bù nước bằng đường uống tại nhà thay vì sử dụng các đồ uống đã được pha chế sẵn.

Công thức pha chế bao gồm hòa tan 1 lít nước với 1 muỗng cà phê muối và 2 muỗng đường. Mất cân bằng điện giải có thể đe dọa đến tính mạng, vì vậy không nên thử các biện pháp khắc phục tại nhà nếu có các triệu chứng nghiêm trọng hoặc hiện có bất kì tình trạng bệnh lý nguy hiểm nào.

Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người lớn tuổi có thể có nguy cơ biến chứng cao hơn. Do đó, hãy luôn tham khảo ý kiến ​​bác sĩ trong những trường hợp này.

Tóm lược

Đối với người lớn khỏe mạnh bình thường khi bị mất nước nhẹ có thể bổ sung chất điện giải bằng cách uống dung dịch bù nước. Tuy nhiên, nếu sự mất cân bằng gây ra bởi các vấn đề về sức khỏe khác, hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ.

Người lớn tuổi, trẻ sơ sinh và trẻ em nên được chăm sóc đặc biệt nếu có bất kỳ triệu chứng mất cân bằng điện giải hoặc mất nước để tránh khiến cho tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.

Tìm hiểu thêm: Chóng mặt sau khi luyện tập

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top