Những điều cần lưu ý khi thay khớp nhân tạo

Phẫu thuật thay khớp nhân tạo đem lại hiệu quả cao, cải thiện chức năng khớp, chất lượng cuộc sống cho người bệnh và ngày càng trở nên phổ biến trong chuyên ngành chấn thương chỉnh hình. 

Phẫu thuật thay khớp nhân tạo là phẫu thuật lấy bỏ toàn bộ diện khớp bệnh lý và thay thế bằng khớp nhân tạo. Cấu tạo của khớp nhân tạo khác nhau ở những khớp khác nhau. Vật liệu để làm khớp nhân tạo có tính thích ứng sinh học với cơ thể người bệnh, chống được sự mài mòn, sự thoái hóa và chịu tải trọng cao.

Khi nào cần thay khớp nhân tạo?

Phẫu thuật thay khớp nhân tạo thường được chỉ định cho những bệnh lý thoái hóa khớp, bệnh lý hoại tử vô khuẩn xương và một số loại gãy xương phạm khớp ở người cao tuổi. Ngoài ra phẫu thuật thay khớp nhân tạo còn được mở rộng cho những trường hợp khác nhưng cần được đánh giá kỹ lưỡng bởi những phẫu thuật viên chấn thương chỉnh hình giàu kinh nghiệm. Phẫu thuật thay khớp nhân tạo giúp người bệnh hết đau, lấy lại được biên độ vận động và phục hồi chức năng khớp bị hỏng.

Phẫu thuật thay khớp nhân tạo có thể được tiến hành ở hầu hết tất cả các khớp trên cơ thể con người: khớp háng, khớp gối, khớp vai, khớp ngón tay, khớp cổ chân, khớp khuỷu...

Chống chỉ định tuyệt đối của phẫu thuật thay khớp nhân tạo là người bệnh có tình trạng nhiễm khuẩn toàn thân hoặc tại chỗ đang tiến triển. Các bệnh lý nền và bệnh lý kèm theo của người bệnh có thể làm tăng nguy cơ khi thực hiện gây mê và phẫu thuật nên sẽ được các thầy thuốc đánh giá và cân nhắc khi thăm khám người bệnh.

Để quyết định thay khớp nhân tạo cho người bệnh, người thầy thuốc phải thăm khám kỹ lưỡng người bệnh để đánh giá tình trạng toàn thân, tình trạng khớp bị bệnh, đặc biệt là các triệu chứng gây phiền toái cho người bệnh, biên độ vận động của khớp, độ vững của khớp và sức mạnh của các gân cơ bên chi thể bị bệnh. Chụp Xquang là xét nghiệm cần thiết để đánh giá tổn thương xương và khớp và là căn cứ để người thầy thuốc lên kế hoạch phẫu thuật.

 

Người bệnh cần chuẩn bị những gì?

Bác sĩ gây mê và bác sĩ phẫu thuật có thể yêu cầu người bệnh dừng một số thuốc hay thực phẩm chức năng mà người bệnh sử dụng trước khi tiến hành gây mê phẫu thuật, bởi vậy người bệnh cần thông báo cho thầy thuốc biết các thuốc và thực phẩm chức năng mà người bệnh đang dùng khi đến thăm khám với thầy thuốc.

Sau phẫu thuật người bệnh cần một giai đoạn phục hồi chức năng để phục hồi lại biên độ và chức năng của khớp. Trong giai đoạn này người bệnh cần có người trợ giúp việc nhà trong những tuần đầu sau mổ; cần sử dụng các phương tiện hỗ trợ đi lại như khung tập đi, nạng, gậy; cần thu xếp đồ đạc trong nhà cho gọn gàng sao cho thuận lợi cho việc sinh hoạt hàng ngày.

Điều quan trọng là người bệnh cần được chuẩn bị về tâm lý trước khi tiến hành gây mê phẫu thuật. Người bệnh và người nhà cùng phối hợp tốt với nhân viên y tế trong giai đoạn phục hồi chức năng để có được kết quả mong muốn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top