Là tình trạng hư hại sụn khớp đệm giữa hai đầu xương không hồi phục, kèm theo phản ứng viêm và giảm thiểu lượng dịch nhầy giúp bôi trơn ma sát ở điểm nối giữa hai đầu xương.
Đau tăng khi vận động, đặc biệt khi chuyển tư thế từ ngồi sang đứng, động tác đi bộ lên - xuống cầu thang. Đau giảm khi nghỉ ngơi.
Người bệnh có thể cảm nhận tiếng khớp lạo xạo khi vận động kèm hạn chế vận động, gấp, duỗi khớp gối đau.
Khớp có thể biến dạng, sưng hoặc lệch trục kiểu vòng kiềng (chân chữ O) hoặc kiểu chân chữ X…
Sụn khớp có thể bị hư hại do nhiều nguyên nhân khác nhau như khiêng vác quá nặng, béo phì, ngồi xổm, leo cầu thang hay leo dốc nhiều, chấn thương khớp gối hoặc có thể do chấn thương lặp đi lặp lại như trong trường hợp bị đứt dây chằng chéo khớp gối.
Với người bị thoái hóa khớp gối thì việc giảm cân, thay đổi lối sống như tránh ngồi xổm, tránh ngồi xếp bằng, hạn chế leo cầu thang hay leo dốc, hạn chế khiêng vác nặng là chuyện cần làm suốt đời.
Bạn có thể mang nẹp gối trong giai đoạn đang bị đau, nhưng sau đó cần phải tập cơ tứ đầu để có một khớp gối vững khi đi đứng, vì khi bị đau gối bao giờ cơ tứ đầu đùi cũng bị teo nhỏ.
Việc dùng thuốc kháng viêm giảm đau chỉ có tác dụng nhất thời và không làm hồi phục sụn hư. Nếu tình trạng sụn hư nhiều thuốc sẽ khó có tác dụng. Hơn nữa việc dùng thuốc lâu dài có khả năng gây loét dạ dày cũng như hư thận.
Có thể mổ nội soi cắt lọc khớp gối hoặc thay khớp gối ở những trường hợp quá nặng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh