Cột sống, hoặc xương sống của bạn, được tạo thành từ 33 xương xếp chồng lên nhau để bảo vệ tủy sống của bạn và cung cấp cho bạn sự linh hoạt để có thể uốn cong, kéo giãn và thay đổi các tư thế của lưng.
Khi xem trên ảnh chụp X-quang, cột sống thường có đường cong nhẹ nhàng hình chữ S khi nhìn từ bên hông và là một đường thẳng nếu nhìn từ phía sau. Cột sống có thể cho phép bạn thực hiện hầu như mọi động tác và tư thế có thể khiến cột sống phải co lại hoặc kéo giãn ra.
Tuy nhiên, ở một số người, cột sống có thể bị cong sang một bên khi nhìn từ phía sau và được gọi là vẹo cột sống khiến cho vai, hông hoặc eo trông không đồng đều.
Cả trẻ em và người lớn đều có thể bị vẹo cột sống. Vẹo cột sống thường gặp nhất ở trẻ em và phát triển trong thời kỳ tăng trưởng trước tuổi dậy thì.
Ở người trưởng thành, vẹo cột sống thường bắt đầu từng những dấu hiệu khi còn nhỏ, phát triển nặng hơn khi trưởng thành hoặc khi cột sống bị thoái hóa do già đi.
Vẹo cột sống vô căn: chiếm tới hơn 80% các trường hợp vẹo cột sống. Không giống như các vấn đề về cột sống khác, vẹo cột sống không phải là kết quả của việc mạng vật nặng, thể thao, tư thế sai hoặc bất thường chân.
Vẹo cột sống thần kinh cơ: ít gặp hơn so với vẹo cột sống vô căn, có thể gặp phải ở người bị bại não, teo cơ cột sống, hội chứng angelman, dị tật arnold-chiari, syrinx hoặc chấn thương tủy sống.
Vẹo cột sống do nguyên nhân khác: nguyên nhân vẹo cột sống do rối loạn cơ học (liên quan đến hệ thống cơ bắp) như loạn dưỡng cơ, viêm tủy bại liệt; các bệnh mô liên kết (hội chứng Marfan và hội chứng Ehlers-Danlos); các bệnh di truyền...
Thông thường, vẹo cột sống có thể hoàn toàn không có triệu chứng. Do đó, thường thì chúng ta khó có thể phát hiện được vẹo cột sống trước khi tình trạng này chuyện nặng.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, vẹo cột sống có thể gây đau lưng.
Dấu hiệu vẹo cột sống ở thanh thiếu niên:
Vai cong, một bên cao hơn bên còn lại.
Đầu dường như không thể giữ ở vị trí cân bằng, hoặc nó hơi nghiêng sang một bên.
Một trong hai bên xương bả vai dường như nhô ra nhiều hơn so với bên còn lại.
Tư thế khi đứng thẳng dường như nghiêng sang một bên.
Một chân có vẻ dài hơn.
Xương sườn có vẻ không đồng đều hoặc cong vẹo, nhô ra.
Dấu hiệu vẹo cột sống ở người trưởng thành:
Vẹo cột sống vô căn: Do thoái hóa đĩa đệm và khớp, người lớn bị vẹo cột sống vô căn có nhiều triệu chứng hơn thanh thiếu niên. Những triệu chứng này bao gồm: Đau lưng thấp và cứng khớp; Tê, chuột rút và đau ở chân do dây thần kinh bị chèn ép; Mệt mỏi do căng cơ ở lưng dưới và chân.
Vẹo cột sống do thoái hóa: Loại vẹo cột sống thoái hóa này nằm ở cột sống thắt lưng (lưng dưới). Đây là dạng phổ biến nhất của vẹo cột sống ở người trưởng thành, xảy ra ở khoảng 38% người trưởng thành, và phổ biến hơn ở phụ nữ và những người trên 60 tuổi. Vẹo cột sống được gây ra bởi sự thoái hóa của các đĩa đệm đốt sống, dẫn đến một đường cong cột sống từ bên này sang bên kia. Những đĩa này, giống như đệm xốp ngăn cách đốt sống và hoạt động như giảm xóc, có xu hướng tự nhiên hao mòn khi lão hóa. Loại vẹo cột sống này có thể gây ra: Đau lưng; Tê; Cơn đau kéo xuống đến chân.
Các lựa chọn điều trị bao gồm theo dõi thường xuyên độ cong, và trong một số trường hợp có thể áp dụng vật lý trị liệu, đeo nẹp để cố gắng ngăn chặn đường cong tiến triển, hoặc phẫu thuật cho bệnh nhân có đường cong lớn gây khó chịu hoặc tạo nên các vấn đề sức khỏe khác.
Vẹo cột sống nhẹ: thăm khám thường xuyên và khám X-quang vào những thời điểm khác nhau giúp theo dõi sự phát triển của đường cong. Nếu đường cong tiến triển, hoặc nếu đường cong lớn hơn, các phương pháp điều trị như vật lý trị liệu có thể được sử dụng.
Vẹo cột sống vừa phải: trẻ em được điều trị bằng nẹp lưng để giúp ngăn ngừa sự phát triển của đường cong, kết hợp với vật lý trị liệu đặc hiệu cho vẹo cột sống.
Vẹo cột sống nặng: Bệnh nhân bị vẹo cột sống nặng có thể được xem xét phẫu thuật để điều chỉnh đường cong.
Thật không may, vẹo cột sống không tự biến mất trừ khi bạn tiến hành phẫu thuật. Mục tiêu của việc đeo nẹp hoặc tập vật lý trị liệu là để ngăn chặn đường cong trở nên lớn hơn, không phải để chữa vẹo cột sống. Tuy nhiên, tiên lượng lâu dài của việc sống chung với vẹo cột sống thường là tốt. Hoạt động thể dục thể thao rất có lợi cho vẹo cột sống. Trừ khi bạn cảm thấy đau hoặc bác sĩ yêu cầu hạn chế vận động, hãy tích cực thực hiện các hoạt động thể chất nhiều nhất có thể.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh