Tầm quan trọng của việc phát hiện sớm cong vẹo cột sống

Tình trạng trẻ bị cong vẹo cột sống hiện nay đang có xu hướng gia tăng. Tại Việt Nam, theo khảo sát của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường năm 2019, tỉ lệ học sinh phổ thông mắc phải tình trạng này là 7,4%, tăng theo cấp học và gặp nhiều ở nữ giới hơn so với nam giới (1/25 trẻ gái và 1/2000 trẻ trai). Tình trạng này được coi là một tật – một biến dạng của cột sống trong đó cột sống bị cong lệch sang một bên, và thường xuất hiện trong giai đoạn phát triển mạnh của trẻ như giai đoạn trước tuổi dậy thì.

Tầm quan trọng của việc phát hiện sớm cong vẹo cột sống

Một trong những ảnh hưởng tiêu cực có thể nhìn thấy rõ nhất ở tình trạng cong vẹo cột sống đó chính là tư thế. Việc phát hiện sớm, duy trì tư thế tốt được coi là mấu chốt của việc ngăn ngừa cũng như cải thiện tình trạng này.

  • Vẹo cột sống ở trẻ nhỏ thường được phát hiện bởi bác sỹ nhi khoa, người chăm sóc trẻ ở trường học và cha mẹ của trẻ. Đa phần các trường hợp được ghi nhận khi phát hiện sự bất đối xứng của khung xương sườn lồng ngực – khi trẻ mặc quần áo hay trẻ đi tắm. Ngoài ra, một trẻ bị cong vẹo cột sống có thể nhìn thấy xương 1 bên cơ thể nhô ra, hoặc sự không đồng đều giữa các xương trong đó 1 bên có thể nhìn rõ. Nhìn chung, tư thế của cột sống là 1 đường cong nhỏ, tạo ra dáng đứng hoặc ngồi thẳng. Khi có các bất thường, nên đưa trẻ đi kiểm tra để đánh giá và phát hiện sớm tình hình.
  • Trẻ nghi ngờ cong vẹo cột sống nên gặp bác sĩ chỉnh hình để được chẩn đoán xác định bằng cách kiểm tra thể chất, cũng như các bài kiểm tra hình ảnh đánh giá khác như chụp X-quang hay MRI. Các đánh giá trên phim chụp X-quang với độ cong trên 10 độ được coi là cong vẹo cột sống. Trong một số trường hợp đặc biệt, chụp MRI giúp chẩn đoán xác định rõ ràng hơn, vì không phải trường hợp nào trên phim X-quang cho hình ảnh cột sống bình thường có nghĩa là tủy sống cũng khỏe mạnh. Sự hiện diện của các vấn đề khác như u nang trong tủy sống cũng có thể gây ra tình trạng này. Việc phát hiện sớm giúp chẩn đoán sớm, chính xác và xác định được cả các vấn đề kèm theo cũng như những ảnh hưởng do tình trạng này gây ra.
  • Cong vẹo cột sống được chẩn đoán thuộc 3 dạng: vô căn, bẩm sinh (bất đối xứng khi sinh và đốt sống có thể hình thành chỉ 1 phần hoặc biến dạng) và vẹo cột sống thần kinh cơ. Đôi khi, tình trạng này cũng có thể là triệu chứng của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như bại não, loạn dưỡng cơ hoặc bị liệt… Lúc này, việc phát hiện sớm là cực kỳ quan trọng để tránh các hậu quả đáng tiếc nếu không được xử trí kịp thời.
  • Dù trong bất cứ hình thức nào, chẩn đoán cong vẹo cột sống vẫn là mục tiêu chính. Điều trị sẽ căn cứ vào từng loại hình trạng cong vẹo cột sống cụ thể, sự tăng trưởng của trẻ còn có thể cũng như mức độ ảnh hưởng. Các nghiên cứu đã cho thấy, trẻ sơ sinh gặp phải tình trạng cong vẹo cột sống, hoặc trẻ vị thành niên gặp phải tình trạng này là những nhóm đối tượng có nguy cơ tiến triển hình thái cong vẹo lớn nhất, từ đó kéo theo nguy cơ xuất hiện các biến chứng thứ phát tại phổi do cong vẹo. Do vậy, phát hiện càng sớm càng giúp ngăn ngừa nguy cơ gặp phải biến chứng, cũng như xử trí kịp thời để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

 

Một số điều cha mẹ cần biết

Nhiều bậc phụ huynh không nghĩ rằng con mình gặp phải tình trạng này cho đến khi trẻ được khám và được chẩn đoán. Thực tế, tình trạng cong vẹo cột sống không phải lúc nào cũng nặng nề và cần can thiệp sâu.

  • Hầu hết các trường hợp cong vẹo cột sống là không rõ nguyên nhân. Theo các chuyên gia, nhiều cha mẹ tự đổ lỗi cho bản thân nhưng sự thật thì không phải như vậy. Hiện tại, chưa rõ nguyên cụ thể, cũng như chưa rõ phương pháp nào có thể phòng ngừa được triệt để.

Một điểm lưu ý là việc duy trì tư thế của trẻ tốt rất có lợi. Nhiều bậc phụ huynh phàn nàn về việc trẻ đeo cặp sách quá nặng hoặc có tư thế ngồi học không hợp lý. Tuy nhiên, những trường hợp này chỉ gây ra các ảnh hưởng đến lưng như gù lưng, chứ không gây cong vẹo cột sống.

  • Cong vẹo cột sống cũng có tính chất gia đình. Nhiều gia đình cho rằng bản thân họ không gặp phải tình trạng này, và trẻ không thừa hưởng từ cha mẹ. Tuy nhiên, khoa học đã chỉ ra nhiều trường hợp các thành viên trong gia đình có thể gặp phải chứng cong vẹo cột sống với mức độ nhẹ và không được chú ý đến.
  • Chỉ một tỉ lệ nhỏ trẻ gặp phải cong vẹo cột sống cần được điều trị. Thực tế, các chuyên gia cho rằng chỉ có khoảng 30% trẻ gặp phải chứng cong vẹo cột sống cần điều trị bằng các phương pháp cố định, trong khi chỉ 10% cần điều trị phẫu thuật. Do vậy, đối với trẻ đang phát triển, trẻ vẫn có thể tham gia các hoạt động và có cuộc sống bình thường, với một chút hỗ trợ.
  • Đối với phẫu thuật, phẫu thuật sớm sẽ tốt hơn muộn, và tiên lượng nói chung là tốt. Việc phẫu thuật nói chung có xu hướng đơn giản, và trẻ cũng sẽ hồi phục nhanh chóng. Nếu xác định phẫu thuật, các bậc phụ huynh nên xác định khoảng thời gian cụ thể để trẻ không bị gián đoạn hoạt động học tập ở trường.

 

Tổng kết

Tình trạng cong vẹo cột sống nếu không được phát hiện và xử trí sớm có thể để lại những ảnh hưởng lâu dài tới sự phát triển và sinh hoạt của trẻ nhỏ, vì thường xuất hiện ở giai đoạn trẻ phát triển mạnh nhất. Thậm chí, tình trạng này có thể ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng, kéo theo các biến chứng và các hậu quả cho sức khỏe. Do vậy, ngoài việc duy trì cho trẻ một tư thế tốt trong các hoạt động hàng ngày, các bậc phụ huynh cần lưu ý cho trẻ đi khám và phát hiện tình trạng này càng sớm càng tốt để có những can thiệp kịp thời.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top