✴️Biến chứng của sỏi mật

Xem lại: Cơ chế hình thành sỏi mật

Các biến chứng của sỏi mật là gì?

Các biến chứng của sỏi mật có thể bao gồm:

  • Viêm túi mật: Một viên sỏi kẹt ở cổ túi mật có thể gây viêm túi mật. Viêm túi mật có thể gây đau và sốt.

  • Tắc ống mật chủ: Sỏi túi mật rớt xuống ống mật chủ làm tắc các ống dẫn mật và cản trở dòng chảy của mật từ gan hoặc túi mật đến ruột gây ra vàng da và nhiễm trùng đường mật.

  • Tắc nghẽn của ống tụy: Dịch tụy hỗ trợ trong quá trình tiêu hóa, chảy qua các ống tụy. Sỏi mật có thể gây ra tắc nghẽn trong các ống tụy dẫn đến viêm tụy. Viêm tụy gây đau bụng dữ dội, liên tục và thường đòi hỏi phải nhập viện.

  • Ung thư túi mật: Người có tiền sử sỏi túi mật có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư túi mật. Nhưng ung thư túi mật là rất hiếm, vì vậy mặc dù nguy cơ ung thư tăng cao, khả năng ung thư túi mật vẫn còn rất thấp.

  • Tắc ruột do sỏi mật: Sỏi túi mật làm cho túi mật viêm mạn tính và dính vào tá tràng. Lâu ngày, sỏi ăn mòn thành túi mật và tá tràng gây dò túi mật-tá tràng. Sỏi theo đường dò rớt vào lòng tá tràng xuống ruột non và mắc kẹt ở đoạn cuối hồi tràng, nơi có đường kính nhỏ nhất.

Sỏi mật được chẩn đoán bằng cách nào?

Siêu âm là xét nghiệm thường được sử dụng nhất để phát hiện sỏi mật. Các xét nghiệm khác có thể giúp trong việc chẩn đoán sỏi mật bao gồm:

  • Chụp cắt lớp điện toán (CT scan)

  • Chụp mật tụy ngược dòng qua nội soi (ERCP) được thực hiện khi nghi ngờ có sỏi đường mật kết hợp nhằm giúp chẩn đoán và lấy sỏi

  • Chụp cộng hưởng từ mật tụy (MRCP)

  • Siêu âm qua nội soi (EUS)

  • Siêu âm thường được sử dụng nhất để phát hiện sỏi mật.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hẹn với bác sĩ của bạn nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng làm bạn lo lắng. Bạn cần được điều trị ngay lập tức nếu có các dấu hiệu và triệu chứng do biến chứng nghiêm trọng của sỏi, chẳng hạn như:

  • Đau bụng dữ dội đến mức bạn không thể ngồi yên hoặc tìm một vị trí thoải mái

  • Vàng da và mắt

  • Sốt cao với ớn lạnh

Sỏi mật điều trị bằng cách nào?

Trong hầu hết các trường hợp, nếu bạn có sỏi túi mật nhưng không có triệu chứng, bạn có thể không cần điều trị.

Nếu bạn có triệu chứng như đau, có thể bạn sẽ cần phải được điều trị. Phương pháp điều trị được sử dụng thường nhất là phẫu thuật cắt bỏ túi mật. Trong đại đa số các trường hợp (90%), phẫu thuật này được thực hiện bằng phẫu thuật nội soi.

Nếu bệnh nhân có biến chứng nhất định liên quan đến sỏi mật - như viêm, nhiễm trùng, sẹo lớn từ một phẫu thuật trước đó, một rối loạn chảy máu hoặc một tình trạng có thể gây khó khăn khi thực hiện bằng phẫu thuật nội soi - các bác sĩ phẫu thuật có thể cắt túi mật bằng phương pháp mổ mở. Tiến trình này làm thời gian nằm viện lâu hơn (3-5 ngày).

Nếu có sỏi đường mật kết hợp, sỏi cần phải được lấy đi trong hầu hết trường hợp, ngay cả khi bạn không có bất kỳ triệu chứng nào. Phương pháp phổ biến nhất để thực hiện là nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) hoặc thực hiện lấy sỏi đường mật kết hợp cùng lúc với cắt túi mật nội soi.

Tôi có thể tiêu hóa thức ăn mà không có túi mật?

Bạn không cần phải có túi mật để tiêu hóa thức ăn đúng cách. Nếu túi mật được cắt bỏ, mật sẽ chảy trực tiếp từ gan thông qua các ống gan và ống mật chủ xuống ruột non. Sau khi phẫu thuật, có thể bạn sẽ phải đi cầu thường xuyên hơn và có phân mềm hơn trong một thời gian ngắn.

Điều trị không phẫu thuật

Nếu một bệnh nhân không phải phẫu thuật, bác sĩ có thể cho một vài thuốc để hòa tan sỏi mật. Các loại thuốc được làm từ acid mật và chỉ được sử dụng để điều trị sỏi cholesterol.

Hai loại thuốc được sử dụng để điều trị là ursodiol (Actigall) và chenodiol (Chenix). Bệnh nhân thường phải dùng những loại thuốc trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm để hòa tan sỏi mật. Trong nhiều trường hợp, sỏi mật có thể tái phát trong vòng năm năm ở những người dùng các loại thuốc này.

Ngăn ngừa sỏi mật bằng cách nào?

Bạn có thể làm giảm nguy cơ sỏi mật nếu bạn:

  • Đừng bỏ bữa ăn. Bỏ qua bữa ăn hoặc nhịn đói có thể làm tăng nguy cơ sỏi mật.

  • Giảm cân từ từ. Nếu cần phải giảm cân bạn phải giảm chậm. Sụt cân nhanh có thể làm tăng nguy cơ sỏi mật. Mục tiêu giảm khoảng 0,5 - 1 kg một tuần.

  • Duy trì tốt cân nặng. Béo phì và thừa cân làm tăng nguy cơ sỏi mật. Làm việc để đạt được một trọng lượng lý tưởng bằng cách giảm số lượng calo bạn ăn và tăng số lượng các hoạt động thể chất bạn nhận được. Một khi bạn đạt được một trọng lượng tốt, duy trì cân nặng đó bằng cách tiếp tục chế độ ăn uống lành mạnh và tiếp tục tập luyện.

Có thể bạn quan tâm: Tổng quan về bệnh lý của túi mật

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top