✴️ 3 điều cần biết khi điều trị mất ngủ mạn tính bằng thuốc

Điều trị mất ngủ mạn tính với thuốc có thể cho hiệu quả nhanh chóng. Tuy nhiên sử dụng một cách tùy tiện, sai cách hoặc lạm dụng các loại thuốc có thể khiến tình trạng đau đầu trở nên nặng hơn. Để đảm bảo hiệu quả bền vững, bạn cần hiểu về các loại thuốc và thực hiện một lưu ý về cách sử dụng được khuyến cáo trong bài viết dưới đây.

 

1. Xác định tình trạng chứng mất ngủ mạn tính

Điều trị chứng mất ngủ mạn tính không dễ dàng, có thế phải mất nhiều thời gian và sử dụng nhiều phương pháp, thuốc điều trị khác nhau. Việc sử dụng thuốc trong một thời gian dài có khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn. Do đó, điều đầu tiên trước khi sử dụng thuốc để điều trị mất ngủ, bạn cần phải xác định được rõ tình trạng của bản thân đang ở mức độ nào, có cần thiết phải sử dụng thuốc để điều trị bệnh hay không. 

1.1 Các loại mất ngủ

Theo phân loại quốc tế, chứng rối loạn giấc ngủ gồm có ba loại chính:

– Mất ngủ ngắn hạn: Người được xác định mắc chứng mất ngủ ngắn hạn có các biểu hiện khó ngủ, trằn trọc, ngủ không sâu giấc, tỉnh giấc quá sớm… ít hơn ba tháng. 

– Mất ngủ mạn tính: Tình trạng mất ngủ mạn tính cũng có các biểu hiện như mất ngủ ngắn hạn nhưng thời gian kéo dài hơn. Nếu các triệu chứng nói trên xảy ra ít nhất 3 lần/tuần trong thời gian 3 tháng trở lên, rất có thể bạn đã mắc chứng mất ngủ mạn tính. 

– Mất ngủ loại khác: Theo thống kê, có khoảng 30% dân số thế giới mắc bệnh mất ngủ ngắn hạn, mất ngủ mạn tính chiếm khoảng 10%. Tuy nhiên, không phải 60% dân số thế giới còn lại không gặp vấn đề về giấc ngủ. Có rất nhiều người gặp phải  khó khăn khi bắt đầu hoặc duy trì giấc ngủ, tuy nhiên triệu chứng của họ không đáp ứng được các tiêu chí của hai loại trên nên sẽ được xếp vào dạng mất ngủ thứ 3, không xác định rõ nguyên nhân và tình trạng mất ngủ.

1.2 Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân của tình trạng mất ngủ ngắn hạn được cho là do các cơn đau cấp tính, vấn đề tinh thần… nên khi cơ thể làm quen, thích nghi được với các nguyên nhân gây bệnh thì chứng mất ngủ cũng có thể tự khỏi. Do đó, với tình trạng mất ngủ ngắn hạn, bạn chưa cần phải sử dụng thuốc trong điều trị.

Các vấn đề về giấc ngủ kéo dài có thể gây ra các tác động đáng kể tới đời sống công việc, sinh hoạt hàng ngày. Khi bạn bị mất ngủ mạn tính, việc điều trị với thuốc là một trong nhưng phương pháp nên cân nhắc. Tuy nhiên, để có thể kết luận chính xác về tình trạng bệnh, bạn nên tìm tới bác sĩ để có câu trả lời chính xác nhất.

Nên tìm tới bác sĩ để được khám và chỉ định điều trị mất ngủ đúng cách

 

2. Vai trò của việc thăm khám trong điều trị mất ngủ mạn tính

Có một số bệnh lý mạn tính ảnh hưởng tới sức khỏe giấc ngủ, vì thế để có thể điều trị triệt để chứng mất ngủ, bạn nên thăm khám với các bác sĩ chuyên khoa để xác định nguyên nhân cụ thể gây ra tình trạng mất ngủ. 

Một số bệnh lý có thể gây ra tình trạng mất ngủ mạn tính bao gồm: 

– Bệnh về xương khớp: Đau nhức, thoái hóa khớp, hoái hóa đốt sống, loãng xương…

– Bệnh về tim mạch: Cao huyết áp, suy tim, thiếu máu cơ tim…

– Bệnh về hô hấp: Khó thở, giãn phế quản, hen phế quản…

– Bệnh về đường tiêu hóa: Đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa, viêm đại tràng…

– Bệnh về tâm thần: Người mắc bệnh về tâm thần thường bị mất ngủ mạn tính.

– Rối loạn tâm sinh lý: Trầm cảm, tình trạng buồn rầu, tức giận, lo âu quá mức, stress kéo dài, bệnh tâm thần phân liệt…

Bạn nên đi khám ngay khi thấy triệu chứng mất ngủ mới xuất hiện để có hướng điều trị đứng. Bên cạnh đó, việc khám sức khỏe định kỳ 1 – 2 lần/năm cũng giúp bạn kiểm soát tốt tình hình sức khỏe của bản thân. 

 

3. Tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ

Thực tế, không ít người lạm dụng việc uống thuốc để có giấc ngủ ngon hơn. Nhưng thuốc chữa mất ngủ có rất nhiều tác dụng phụ nên việc sử dụng thuốc để chữa mất ngủ bắt buộc phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

3.1. Các loại thuốc thường dùng để điều trị mất ngủ mạn tính

Dưới đây là một số loại thuốc thường được dùng để điều trị chứng mất ngủ mạn tính. Khi được kê đơn, người bệnh nên chú ý cân nhắc về dược tính của thuốc và trao đổi kỹ với bác sĩ để được tư vấn đơn thuốc phù hợp, hiệu quả.

Thuốc Tác dụng Tác dụng phụ Lưu ý sử dụng
Thuốc bình thần Giúp người bệnh đi vào giấc ngủ gần như ngay lập tức Có thể gây suy giảm trí nhớ tạm thời hoặc khiến người bệnh phụ thuộc vào thuốc Nên dùng cho các trường hợp mất ngủ ngắn hạn. Không nên dùng quá 3 ngày.
Thuốc ngủ Thuốc có tác dụng gây ngủ mạnh, ngay lập tức Có thể gây ra tình trạng nhức đầu, chóng mặt hay rối loạn tiêu hóa… Nên dùng cho các trường hợp mất ngủ ngắn hạn, bệnh không quá trầm trọng. Không nên dùng quá 3 ngày.
Thuốc kháng histamin Thuốc có khả năng chống dị ứng, gây ngủ khá mạnh. Khô miệng, mũi, mệt mỏi, ảnh hưởng trí não…  Thuốc dùng cho các bệnh nhân mất ngủ do bị ngứa, gãi nhiều vì bệnh hắc lào, eczema, tổ đỉa…
Thuốc an thần kinh mới Thuốc có khả năng gây ngủ mạnh.  Thuốc tạo cảm giác ăn ngon miệng nên có thể khiến người bệnh ăn nhiều, tăng cân.  Thuốc dùng cho các bệnh nhân bị mất ngủ do chán ăn tâm lý, trầm cảm, lo âu lan tỏa. 
Thuốc chống trầm cảm 3 vòng, đa vòng Đây là các loại thuốc có tác động điều chỉnh cơ chế của giấc ngủ. Thuốc có thể gây khô miệng, đắng miệng, táo bón. Với người u xơ tiền liệt tuyến, bệnh nhân có thể bị bí tiểu.  Thuốc thường được kê để điều trị mất ngủ do chứng trầm cảm, lo âu…

 

Việc sử dụng thuốc để điều trị chứng mất ngủ cần có chỉ định của bác sĩ

 

3.2. Các đối tượng cần chú ý khi dùng thuốc điều trị mất ngủ mạn tính

Các loại thuốc điều trị chứng mất ngủ có hiệu quả nâng cao chất lượng giấc ngủ nhưng cũng mang tới các tác dụng phụ về thể chất cũng như tâm lý khi sử dụng lâu dài. Trong đó, có những đối tượng phải đặc biệt chú ý khi dùng thuốc để điều trị chứng mất ngủ.

– Người mang thai

Thuốc an thần, thuốc ngủ có thể làm tăng nguy cơ dị tật thai nhi.

– Người bị bệnh thận, bệnh gan

Gan và thận là hai cơ quan chuyển hóa, đào thải trong cơ thể. Khi bị bệnh, các chức năng này bị suy giảm, kết hợp với việc sử dụng thuốc trị mất ngủ có thể gây ra tình trạng tích lũy thuốc và gây ra tác dụng phụ.

– Người bị bệnh phổi hoặc mắc chứng ngưng thở khi ngủ

Nhiều loại thuốc an thần, thuốc ngủ gây ức chế hô hấp, làm trầm trọng thêm chứng ngưng thở khi ngủ.

– Người lớn tuổi

Mặc dù người lớn tuổi là đối tượng dễ bị mất ngủ, nhưng đây cũng là đối tượng có nhiều bệnh lý nền. Do đó, người lớn tuổi, đặc biệt là những người trên 75 tuổi, cần chú ý thận trọng khi dùng thuốc trị mất ngủ.

– Người nghiện rượu hoặc sử dụng đồ uống có cồn thường xuyên

Thuốc an thần, thuốc ngủ khi dùng cho các đối tượng này có thể gây ra tình trạng an thần quá mức, khiến hệ thống hô hấp và hệ thần kinh trung ương bị ức chế.

Bên cạnh đó, thuốc trị mất ngủ không nên chỉ định cho người người trực điện thoại, người đang làm nhiệm vụ quan trọng, cha mẹ đang có con nhỏ… Vì thuốc có thể gây buồn ngủ quá mức, làm sai lệch các quyết định.

Người làm việc có tính chất quan trọng không nên dùng thuốc an thần, thuốc ngủ

 

Giấc ngủ là khoảng thời gian cơ thể được nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng. Vì vậy, tình trạng mất ngủ có ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người bệnh. Hy vọng với những thông tin trong bài viết này, bạn đọc sẽ hiểu hơn và thận trọng khi điều trị mất ngủ mạn tính với thuốc.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top