✴️ Cơ chế hình thành sỏi mật

Nội dung

Túi mật là gì

Túi mật là một cơ quan tương tự như một quả lê nhỏ nằm dưới gan ở phía bên phải của bụng. Các chức năng của túi mật là để lưu trữ và tống xuất mật, một chất lỏng được sản xuất bởi gan và giúp tiêu hóa chất béo trong thực phẩm mà bạn ăn. Mật được tạo thành từ nhiều chất, bao gồm cả bilirubin và cholesterol

Túi mật được kết nối với gan và ruột bằng các ống dẫn, bao gồm ống gan, ống túi mật và ống mật chủ. Khi bạn ăn, túi mật co bóp đẩy mật qua ống mật chủ vào ruột giúp tiêu hóa thức ăn, đặc biệt là các thức ăn béo.

Sỏi túi mật là gì

Sỏi túi mật thực tế không phải là viên sỏi mà là một thể rắn được hình thành trong túi mật do tình trạng quá bão hòa của 1 trong 3 thành phần của dịch mật là cholesterol, sắc túi mật và muối canxi. Bạn thậm chí không biết mình có sỏi túi mật cho đến khi nó nghẹt ở ống túi mật, gây đau và cần được điều trị ngay tức thì.

Triệu chứng của sỏi túi mật là gì?

Trong nhiều trường hợp, người có sỏi túi mật không có triệu chứng gì được gọi là "sỏi im lặng." Nguy cơ xuất hiện triệu chứng sẽ tăng 1-2% mỗi năm. Triệu chứng chính của sỏi mật là đau, có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ. Đau có thể xảy ra khi sỏi mật di chuyển từ túi mật vào một ống (ống túi mật, ống gan và ống mật chủ).

Nhận diện cơn đau bụng do sỏi mật gây nên. Đau vùng trên bụng lan ra sau lưng, đau có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ cảnh báo bệnh sỏi mật

Cơn đau có thể khu trú ở phần trên của bụng (thượng vị hoặc dưới sườn phải) lan ra sau lưng, lan lên giữa xương bả vai hoặc dưới vai phải. Đau vùng thượng vị sau bữa ăn no, ăn béo đôi khi được chẩn đoán lầm là viêm dạ dày.

Các triệu chứng khác của sỏi mật bao gồm: Đổ mồ hôi, nôn, sốt, vàng da


     sỏi túi mật

Sỏi mật hình thành như thế nào?

Sỏi mật có thể xảy ra khi:

  • Mật của bạn chứa quá nhiều cholesterol. Thông thường, mật của bạn có đủ chất để hòa tan cholesterol bài tiết bởi gan. Nhưng nếu gan bài tiết cholesterol nhiều hơn mật có thể hòa tan, các cholesterol dư thừa có thể hình thành các tinh thể và cuối cùng thành sỏi.

  • Mật của bạn chứa quá nhiều bilirubin. Bilirubin là một chất được sản xuất ngay khi hồng cầu trong cơ thể của bạn bị phá vỡ. Một số bệnh làm gan tạo quá nhiều bilirubin như xơ gan, nhiễm trùng đường mật và một vài bệnh lý về máu. Bilirubin dư thừa góp phần hình thành sỏi mật.

Chức năng tống xuất mật của túi mật bất thường. Nếu túi mật của bạn không tống xuất hoàn toàn hoặc thường xuyên, mật có thể trở nên quá cô đặc góp phần vào việc hình thành sỏi mật (nhịn đói hoặc nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch kéo dài).

Các loại sỏi mật?

Các loại sỏi mật có thể hình thành trong túi mật bao gồm:

  • Sỏi cholesterol: thường xuất hiện màu vàng, được cấu tạo chủ yếu từ cholesterol không tan, nhưng có thể chứa các thành phần khác.

  • Sỏi sắc tố mật có màu nâu hoặc đen hình thành khi mật của bạn chứa quá nhiều bilirubin. Sỏi sắc tố đen là hậu quả của tình trạng tán huyết mạn và chỉ hiện diện ở túi mật. Sỏi sắc tố nâu liên quan đến nhiễm trùng dịch mật và thường hiện diện trong cả túi mật và đường mật.

  • Sỏi hỗn hợp.

Nội soi sỏi túi mật

Sỏi mật có thể hình thành nhiều loại khác nhau trong túi mật và đường mật. Ở các Âu Mỹ, phần lớn sỏi túi mật là sỏi cholesterol (70-80%), tuy nhiên sỏi cholesterol đơn thuần chỉ chiếm 10%. Ở Việt nam, tỉ lệ sỏi cholesterol, sắc tố nâu và sỏi hỗn hợp tương đương nhau .

Ai có nguy cơ sỏi mật?

Các yếu tố sau đây làm tăng nguy cơ phát triển sỏi mật:

  • Phụ nữ

  • Trên 40 tuổi

  • Có tiền sử gia đình bị sỏi mật

  • Thừa cân hoặc béo phì

  • Đang mang thai

  • Sụt cân quá mức trong một thời gian ngắn

  • Có bệnh tiểu đường

  • Bệnh Crohn

  • Chế độ ăn uống có nhiều chất béo, cholesterol và ít chất xơ

  • Những người dùng thuốc giảm cholesterol

  • Dùng thuốc có chứa estrogen như thuốc điều trị hormon

  • Người Mỹ gốc Ấn Độ và gốc Mexico

     sỏi túi mật

                           Hình ảnh sỏi túi mật sau phẫu thuật

Xem thêm: Biến chứng của sỏi mật

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

 

return to top