ĐẠI CƯƠNG
Các bệnh hô hấp, tim mạch mạn tính ngoài các triệu chứng của bệnh, còn dẫn tới tình trạng suy giảm khối cơ ở các cơ chi trên, chi dưới và cơ hô hấp. Vì vậy các kỹ thuật tập sức mạnh, sức bền giúp ngăn chặn tình trạng này và tăng cường hoạt động của các hệ cơ quan như: hô hấp, tim mạch, tiêu hóa, miễn dịch…
Các bài tập cần đảm bảo đủ thời gian và cường độ tập luyện mới đạt hiệu quả. Cường độ tập luyện phải đạt 64-94% nhịp tim tối đa hoặc 40-85% thể tích tiêu thụ Oxy tối đa (VO2max) hoặc nhịp tim tập luyện.
Công thức tính nhịp tim tập luyện: Nhịp timTập luyện = % Cường độ x [ (220 – tuổi) – Nhịp tim nghỉ ] + Nhịp timnghỉ
% cường độ = 40% – 85%.
CHỈ ĐỊNH
Các bệnh hô hấp, tim mạch mạn tính: COPD, các bệnh phổi kẽ, tràn dịch – dày dính màng phổi, ung thư phế quản phổi, suy tim...
Các bệnh có hạn chế hô hấp: lao cột sống giai đoạn ổn định, tổn thương tủy sống giai đoạn ổn định, gù vẹo cột sống, tràn dịch - dày dính màng phổi, mệt cơ hô hấp...
Người bệnh sau phẫu thuật lồng ngực ổ bụng, xương khớp giai đoạn ổn định.
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Trường hợp có thử cơ bậc 0,1,2..
Người bệnh không có khả năng hợp tác.
Ho ra máu đỏ tươi.
CHUẨN BỊ
Người thực hiện:
Bác sĩ chuyên khoa Phục hồi chức năng; kỹ thuật viên vật lý trị liệu/phục hồi chức năng; điều dưỡng hoặc kỹ thuật viên y có chứng chỉ hoặc chứng nhận đào tạo về phục hồi chức năng.
Phương tiện:
Tạ, kìm tập, lò xo tập, thiết bị kéo giãn, thiết bị đo mạch, SpO2...
Người bệnh:
Giải thích để người bệnh hiểu mục đích của kỹ thuật, các vấn đề cần chú ý trong và sau khi tập để phối hợp thực hiện.
Hồ sơ bệnh án:
Phiếu điều trị chuyên khoa vật lý trị liệu có chỉ định của bác sĩ.
CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
Tư thế người bệnh
Người bệnh ở tư thế thoải mái, phù hợp với vị trí cần tập, không làm hạn chế tầm vận động trong khi tập.
Nguyên tắc kỹ thuật
Tập tăng sức mạnh cơ cần tập ở cường độ cao, lực cản lớn, thời gian ngắn.
Tập tăng sức bền cơ cần tập ở cường độ thấp, lực cản nhỏ, thời gian dài.
Thực hiện kỹ thuật
Bước 1: Người thực hiện lượng giá cường độ luyện tập của người bệnh theo công thức nhịp tim tập luyện
Bước 2: Người thực hiện hướng dẫn người bệnh làm chuẩn các động tác khi tập với tạ, kìm tập, lò xo tập, thiết bị kéo giãn
Bước 3: Người thực hiện theo dõi về nhịp tim, SpO2 trong suốt quá trình tập để đảm bảo cường độ tập luyện và đảm bảo an toàn cho người bệnh khi tập luyện.
Yêu cầu
Thời gian tập luyện: 20 – 60 phút tập sức bền. Có thể liên tục hoặc ngắt quãng. Nhưng ít nhất có tổng 10 phút tập.
Cường độ tập luyện: Các bài tập phải thực hiện ở cường độ đủ để người bệnh cảm thấy mức độ khó thở/ mệt (ở 4-6 điểm, theo thang điểm Borg). Và duy trì cường độ đó trong suốt thời gian luyện tập.
THEO DÕI
Khi tập luyện
Tình trạng toàn thân, sắc mặt, màu sắc da, nhịp thở, kiểu thở.
Nhịp tim, mức độ khó thở/ mệt theo thang điểm Borg.
Cường độ, thời gian tập luyện.
Sau khi tập
Kỹ thuật viên theo dõi kết quả luyện tập: thực hiện đúng.
Theo dõi tình trạng đau của người bệnh.
TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
Đau cơ: Thuốc giảm đau, nghỉ ngơi, các biện pháp vật lí trị liệu.
Tập quá sức: nghỉ ngơi.
Khó thở: Cho người bệnh nghỉ ngơi, hướng dẫn thở chúm môi.
Chóng mặt, mất thăng bằng: Dừng tập luyện, nghỉ ngơi và báo bác sĩ.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh