Khớp chính là phần tiếp nối giữa 2 đầu xương. Tại vị trí tiếp nối này có một lớp sụn mềm và một bao chứa dịch nhầy (dịch khớp) để giúp khớp cử động một cách dễ dàng. Thoái hóa khớp là tình trạng sụn khớp bị tổn thương và bào mòn, gây nên hiện tượng cứng khớp, khó vận động. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết 80% bệnh nhân mắc bệnh thoái hóa khớp gặp tình trạng hạn chế về vận động. Trong đó, có 20% bệnh nhân không thể tự thực hiện các hoạt động sinh hoạt thường ngày.
Các khớp xương dễ gặp tình trạng thoái hóa nhất là khớp gối, khớp háng, khớp cổ chân, bàn chân, đốt sống cổ, đốt sống thắt lưng,… Dưới 40 tuổi, đa số trường hợp thoái hóa khớp xảy ra ở nam giới và thường là hậu quả sau khi gặp chấn thương. Từ 40 – 70 tuổi, thoái hóa khớp gối phổ biến hơn ở phụ nữ. Khi ở độ tuổi trên 70, tỷ lệ thoái hóa khớp ở nam và nữ là tương đương nhau.
Việc sử dụng thuốc điều trị thoái hóa khớp gối nói riêng hay việc sử dụng thuốc nói chung đều cần phải có chỉ định của bác sĩ. Thông qua việc sàng lọc triệu chứng và các kết quả kiểm tra, bác sĩ sẽ có những chẩn đoán và phác đồ điều trị phù hợp dành cho bệnh nhân. Do đó, những thông tin dưới đây sẽ chỉ mang tính tham khảo, giúp bạn hiểu rõ hơn về công dụng điều trị của các dạng thuốc trong phác đồ điều trị thoái hóa khớp gối.
Bệnh thoái hóa khớp xảy ra chủ yếu do quá trình lão hóa và những tác nhân đẩy nhanh quá trình thoái hóa khớp như: lao động nặng, chấn thương, chế độ dinh dưỡng không hợp lý. Vì vậy, thoái hóa khớp nói chung là một dạng bệnh mạn tính. Y học hiện đại vẫn chưa có một phác độ hiệu quả, có thể điều trị khỏi bệnh hoàn toàn cho bệnh nhân thoái hóa khớp.
Các phương pháp điều trị hiện nay, bao gồm cả điều trị bằng thuốc, đều tập trung chính vào việc làm giảm các triệu chứng lâm sàng của bệnh. Trong đó, hiệu quả của việc điều trị phụ thuộc rất lớn vào thời điểm phát hiện và điều trị sớm. Người bệnh phát hiện và điều trị muộn sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ biến chứng hơn.
Vì vậy, chúng ta cần quan tâm tới chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt để chủ động phòng ngừa bệnh. Ngoài ra, bạn cũng nên thường xuyên theo dõi những dấu hiệu bất thường về cơ xương khớp để có thể thăm khám sớm, ngay khi bệnh có những biểu hiện ban đầu. Đồng thời, việc thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ cũng là một phương án hiệu quả giúp chúng ta kiểm soát sức khỏe, sàng lọc nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp.
Hiện nay, có khá nhiều loại thuốc được sử dụng trong điều trị thoái hóa khớp, đặc biệt là thoái hóa khớp. Tuy vậy, những loại thuốc này đều xoay quanh 3 vai trò chính:
– Thuốc giảm đau: Thoái hóa khớp gối khiến việc di chuyển của người bệnh trở nên khó khăn hơn, mỗi cử động đều thấy đau, mức độ từ nặng tới nhẹ tùy vào tình trạng bệnh. Do đó, thuốc giảm đau được xem là dạng thuốc cơ bản khi điều trị viêm khớp, thoái hóa khớp. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc giảm đau nhất định phải sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Bởi có nhiều nghiên cứu cho thấy việc dùng thuốc giảm đau quá liều có thể gây ảnh hưởng xấu tới trí nhớ.
– Thuốc giãn cơ thường chỉ được chỉ định ở liều thấp. Dạng thuốc này có hiệu quả đến với các cơn đau xuất phát do căng cơ, giúp hỗ trợ trong điều trị từ các cơ bị căng do cố gắng hỗ trợ các khớp thoái hóa. Tuy nhiên, với các bệnh nhân cao tuổi, việc sử dụng thuốc giãn cơ có thể gây ra nhiều tác dụng phụ hơn là làm thuyên giảm triệu chứng.
– Thuốc bổ sung dịch nội khớp: Ở bệnh nhân bị thoái hóa khớp, lượng dịch khớp suy giảm nghiêm trọng. Do đó, bác sĩ có thể chỉ định bổ sung tiêm hoặc uống có chứa Acid hyaluronic – 1 trong những hợp chất tạo nên dịch khớp. Hợp chất này có tính chất nhớt và có độ đàn hồi tốt nên có vai trò như đệm giảm xóc, giúp bôi trơn và bảo vệ khớp. Nhờ đó, thuốc cũng có hỗ trợ giảm đau cho bệnh nhân bị thoái hóa khớp.
Vì bệnh thoái hóa khớp là một bệnh lý mạn tính, do đó người bệnh không nên phụ thuộc, ỷ lại hoàn toàn vào các phương pháp điều trị. Bạn cần chú ý những điều dưới đây để quá trình điều trị cho kết quả tốt và đồng thời duy trì kết quả lâu dài.
– Giảm cân nếu bạn bị thừa cân: Nếu bị béo phì, tải trọng lên khớp gối lớn sẽ khiến bộ phận này dễ thoái hóa. Vì thế, bệnh nhân nên giảm cân nếu cần thiết để giảm bớt áp lực lên khớp gối.
– Bổ sung thực phẩm tốt cho xương khớp: Nên ăn các loại cá nước lạnh (cá ngừ, cá trích, cá hồi,…), sử dụng nước hầm từ các loại xương ống/xương sụn, ngũ có, chất béo lành mạnh (bơ thực vật, dầu dừa, dầu oliu nguyên chất,…), hoa quả,…
– Hạn chế ăn các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt cừu, thịt lợn,…), thực phẩm chứa nhiều đường và carbohydrate (bánh quy, bánh ngọt).
– Hạn chế bê đồ nặng, đứng quá lâu, cần khởi động kỹ trước khi vận động.
Điều trị bằng thuốc là phương pháp mang lại hiệu quả nhanh chóng, phù hợp với tình trạng bệnh thoái hóa khớp ở giai đoạn đầu. Vì thế, điều quan trọng nhất chính là bạn cần trang bị kiến thức nhận biết các dấu hiệu bệnh để có thể tự kiểm tra, tiến hành thăm khám và điều trị sớm.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh