Thông tin cần biết về gout

Gout là bệnh diễn biến trong thời gian dài. Khoảng 2.1 triệu người Mỹ bị gout. Gout có thể gặp ở bất kỳ ai, ở độ tuổi nào, nhưng thường gặp ở đàn ông độ tuổi từ 40-50. Tỷ lệ gặp ở nam giơi gấp 9 lần ở nữ giới. Đối với phụ nữ nếu mắc bệnh thường xảy ra ở giai đoạn mãn kinh.

Bệnh gout có liên quan chặt chẽ tới bệnh béo phì, cao huyết áp, tiểu đường và tăng lipid máu. Một số ý kiến cho rằng bệnh gout còn có liên quan đến di truyền.

Nguy cơ cao gây ra bệnh gout gồm: béo phì và thừa cân, nghiện rượu nặng, cao huyết áp, suy thận, suy giáp.

Gout thường ảnh hưởng đến một khớp, hay gặp nhất là ngón chân cái. Ngoài ra, đầu gối, mắt cá chân, bàn chân, tay, cổ tay, khuỷu tay cũng có thể bị ảnh hưởng. Giai đoạn cuối, các khớp vai, hông, cột sống có thể bị ảnh hưởng nhưng trường hợp này hiếm khi xảy ra.

Một số bệnh khác có thể có triệu chứng giống Gout như:

  • Bệnh giả gout
  • Viêm khớp dạng vảy nến
  • Viêm khớp dạng thấp
  • Nhiễm trùng khớp

Nguyên nhân gây bệnh

Cơ chế bệnh gout là do sự tích tụ acid uric dư thừa có trong cơ thể, tạo thành các tinh thể u-rat nằm tại khớp. Sự tăng acid uric có thể do tăng sản xuất acid uric hoặc do giảm đào thải acid uric ra khỏi cơ thể. Thức ăn giàu purin hoặc một số thuốc cũng có khả năng làm tăng nồng độ acid uric.

 

Triệu chứng

Trong trường hợp gout cấp tính, các triệu chứng xuất hiện đột ngột và dữ dội, bệnh nhân đau và sưng khớp. Da xung quanh khớp đỏ hoặc tím. Các cơn gout cấp thường xảy ra vào ban đêm, sẽ biến mất sau 5-10 ngày. Nếu không được điều trị, các cơn gout cấp sẽ xảy ra tần suất lớn hơn và có thể kéo dài hơn. Các cơn gout cấp xảy ra thường xuyên sẽ gây tổn thương khớp.

 

Chẩn đoán gout

Chuẩn đoán đúng bệnh gout là vô cùng quan trọng. Chuẩn đoán dựa vào phát hiện ra các hạt tophi, các hạt này có thể được tìm thấy ở dưới da. Trong dịch khớp có thể thấy các tinh thể urat.

Xác định nồng độ acid uric không có nhiều ý nghĩa. Nồng độ này có thể bình thường, có thể giảm trong cơn gout cấp, cũng có thể tăng lên đối với những người chưa từng trải qua cơn gout cấp.

 

Điều trị

Điều trị gout gồm có dùng thuốc và thay đổi lối sống. Các thuốc được sử dụng gồm có:

  • Thuốc chống viêm không chứa steroid (NSAIDS): có tác dụng giảm đau, chống viêm.
  • Corticosteroid: dùng cho những bệnh nhân không sử dụng được NSAIDs
  • Probenecid và sulfipirazol: giúp thận loại bỏ acid uric (Sulfipirazol hiện nay không được sử dụng tại Hoa Kỳ)
  • Allopurinol: ngăn chặn sự tổng hợp acid uric
  • Colchicin: dùng trong các cơn gout cấp hoặc điều trị dự phòng
  • Krystexxa: một loại thuốc sinh học hoạt động phá vỡ acid uric
  • Uloric: ức chế enzyme xanthine oxidase, làm giảm acid uric trong huyết thanh
  • Thay đổi lối sống gồm có: kiểm soát cân nặng, hạn chế rượu bia, thịt, hải sản và các loại thức ăn giàu purin.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top