Những giai đoạn của giấc ngủ

Giấc ngủ liệu có chỉ đơn giản là giấc ngủ? Trong thực tế, vẫn có vô số chuyện xảy ra trong đầu khi bạn đang ngủ, và chính những hoạt động đó của não bộ đã giúp chia giấc ngủ thành các giai đoạn khác nhau.

Phát minh về máy đo điện não đồ (EEG) đã cho phép các nhà khoa học nghiên cứu giấc ngủ theo những cách mà từ trước đến nay chưa thực hiện được.

Từ những năm 1950, chàng sinh viên Eugene Aserinsky đã sử dụng công cụ này để khám phá ra cái mà ngày nay chúng ta gọi là giấc ngủ REM (Giấc ngủ chuyển động mắt nhanh). Sau này các nghiên cứu cũng đã chỉ ra quá trình ngủ được chia ra thành nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn thể hiện các hoạt động khác nhau của bộ não.

Có 2 loại giấc ngủ chính:

– Giấc ngủ NREM (giấc ngủ mắt không chuyển động nhanh) (hay còn gọi là ngủ không mơ) 

– Giấc ngủ REM (giấc ngủ mắt chuyển động nhanh) (hay còn gọi là ngủ mơ)

Trong suốt giai đoạn đầu của giấc ngủ, bạn sẽ tương đối tỉnh và dễ tỉnh dậy. Não bộ sản sinh ra một sóng nhỏ và nhanh gọi là sóng beta.

Khi não đã bắt đầu thoải mái và hoạt động chậm lại, các sóng chậm hơn gọi là alpha sẽ xuất hiện. Lúc này khi bạn chưa thực sự buồn ngủ, bạn có thể gặp các ảo giác trước lúc ngủ – bạn sẽ trải qua các cảm giác cực kỳ sống động. Ví dụ như bạn có thể có cảm giác mình rơi từ trên cao xuống hoặc nghe thấy ai đó gọi tên mình.

Trong suốt quá trình này người ta cũng hay gặp phải hiện tượng cơ thể giật mạnh khi đang ngủ. Nếu cơ thể bạn đã từng giật mạnh thì có nghĩa bạn đã trải qua hiện tượng này rồi. Nghe có vẻ hơi bất thường những đây không phải là chuyện hiếm gặp ở nhiều người.

Trước đây, người ta chia giấc ngủ thành 5 giai đoạn khác nhau. Tuy nhiên gần đây, giai đoạn 3 và 4 đã được gộp lại với nhau nên hiện tại có 3 giai đoạn NREM và 1 giai đoạn REM.

Giai đoạn NREM 1

Giai đoạn 1 là giai đoạn bắt đầu chu kỳ giấc ngủ, và có thể coi là giai đoạn ngủ ít nhất. Giai đoạn này được xem là khoảng chuyển tiếp giữa trạng thái tỉnh và trạng thái ngủ.

Trong giai đoạn 1, não sản sinh ra sóng Theta biên độ cao, đây là những sóng não rất chậm. Giai đoạn này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn (khoảng 5-10 phút). Nếu bạn đánh thức ai đó lúc này, có thể họ sẽ nói họ vẫn chưa ngủ.

 

Giai đoạn NREM 2

Trong giai đoạn 2: Nhận thức về môi trường xung quanh giảm đi, thân nhiệt giảm, nhịp thở và nhịp tim đều hơn.

Giai đoạn này giấc ngủ kéo dài xấp xỉ 20 phút. Não bắt đầu sản sinh hàng loạt các các đợt sóng não có nhịp nhanh. Thân nhiệt bắt đầu giảm và nhịp tim cũng chậm lại. Theo Quỹ Quốc Gia về Giấc Ngủ của Hoa Kỳ, con người dành ra khoảng 50% tổng thời gian ngủ cho giai đoạn này.

 

Giai đoạn NREM 3

Trong gian đoạn 3: Các cơ bắt đầu thư giãn, huyết áp và nhịp thở giảm, giấc ngủ sâu bắt đầu. 

Giai đoạn này trước đây được tách làm 2. Đây là lúc mà các sóng Delta – sóng não sâu, chậm xuất hiện. Nó còn được gọi là giấc ngủ Delta. Trong suốt giai đoạn này, con người giảm phản ứng, tiếng ồn hay những tác động từ môi trường xung quanh có thể không tác động được vào giấc ngủ của họ.

Đây cũng là giai đoạn chuyển tiếp giữa ngủ nông và ngủ sâu. Các nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra rằng, hầu hết việc tè dầm sẽ xảy ra trong giai đoạn ngủ sâu này, nhưng gần đây thì người ta đã đưa ra các bằng chứng rằng tè dầm có thể xảy ra ở các giai đoạn khác. Mộng du cũng là hiện tượng thường thấy ở giai đoạn này.

 

Giấc ngủ REM

Trong giấc ngủ REM: Não sẽ hoạt động tích cực hơn, cơ thể thả lỏng và trở nên bất động, các giấc mơ xuất hiện và mắt chuyển động nhanh.

Hấu hết các giấc mơ sẽ xuất hiện trong giai đoạn 4, giấc ngủ REM. Giấc ngủ REM thể hiện bằng sự chuyển động của mắt, nhịp hô hấp và hoạt động não bộ tăng. Theo Quỹ quốc gia về Giấc Ngủ Hoa Kỳ, con người dành khoảng 20% tổng thời gian ngủ cho giai đoạn này. Giấc ngủ REM cũng được biết đến với tên gọi giấc ngủ nghịch vì não và các hệ cơ quan khác hoạt động nhiều hơn, trong khi các cơ lại nghỉ ngơi và hầu như ngừng hoạt động. Các giấc mơ xuất hiện do hoạt động của não, nhưng cơ xương (cơ chủ động) lại không hoạt động.

 

Trình tự các giai đoạn

Cần ghi nhớ một điều là giấc ngủ không tuân thủ theo trình tự các giai đoạn như ở trên. Giấc ngủ bắt đầu ở giai đoạn 1, tiếp tục đến giai đoạn 2 và 3. Sau khi kết thúc giai đoạn 3, gian đoạn 2 lại lặp lại trước khi giấc ngủ REM bắt đầu. Khi giấc ngủ REM kết thúc, cơ thể thường sẽ quay trở lại giai đoạn 2. Chu kỳ giấc ngủ lặp lại những bước này 4,5 lần trong một đêm.

Trung bình thì cứ sau 90 phút khi ngủ ta sẽ bước vào giai đoạn REM. Vòng chu kỳ thứ nhất có thể kéo dài trong khoảng thời gian ngắn, nhưng các chu kỳ sau sẽ kéo dài hơn. Giấc ngủ REM có thể kéo dài đến 1 tiếng trong cả quá trình.

Người ta thường nghĩ ngủ là một hành vi thụ động, tuy nhiên nghiên cứu đã chỉ ra rằng não thực sự hoạt động khá tích cực trong các giai đoạn khác nhau của giấc ngủ. Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong một số các quá trình khác như củng cố trí nhớ và dọn dẹp não bộ ở người. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top