✴️ Đề án “Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 nặng” (Phần 2)

Nội dung

RÀ SOÁT, CỦNG CỐ, ĐẦU TƯ KHOA HỒI SỨC TÍCH CỰC CỦA CÁC BỆNH VIỆN CHƯA ĐƯỢC GIAO THÀNH LẬP TRUNG TÂM

Các bệnh viện sau có trách nhiệm rà soát, củng cố, đầu tư khoa hồi sức tích cực hiện có hoặc nâng cấp thành lập mới khoa hồi sức tích cực từ khoa nội, khoa cấp cứu, khoa truyền nhiễm... bao gồm:

Nhóm 1:

Bệnh viện đa khoa trực thuộc Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các Bộ, ngành khác;

Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh chưa có tên trong đề án.

Giao chỉ tiêu 50 giường và sẵn sàng mở rộng quy mô lên 100 giường.

Nhóm 2:

Bệnh viện thuộc trường đại học;

Bệnh viện chuyên khoa trực thuộc Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các Bộ, ngành khác;

Bệnh viện chuyên khoa truyền nhiễm tuyến tỉnh.

Giao chỉ tiêu 50 giường và sẵn sàng mở rộng quy mô lên 100 giường.

Nhóm 3:

Bệnh viện đa khoa tuyến huyện;

Bệnh viện tư nhân có phạm vi hoạt động đa khoa.

Giao chỉ tiêu 10 giường và sẵn sàng mở rộng quy mô lên 20 giường.

Việc mở rộng quy mô giường bệnh tùy theo điều kiện thực tế của từng bệnh viện, diễn biến dịch bệnh và chỉ đạo của cơ quan quản lý.

ĐẦU TƯ NÂNG CẤP CƠ SỞ HẠ TẦNG, TRANG THIẾT BỊ

Yêu cầu chung

Các giường bệnh hồi sức tích cực cần bảo đảm các yêu cầu sau:

Thuận tiện cho công tác vận chuyển, di chuyển giường bệnh từ tiếp nhận đến nhập viện hoặc di chuyển giữa các khoa phòng và di chuyển các trang thiết bị, nhu yếu phẩm và chất thải y tế.

Có đầy đủ các thiết bị gồm hệ thống ô-xy trung tâm, hệ thống khí nén trung tâm, hệ thống hút trung tâm, camera và màn hình theo dõi người bệnh.

Bảo đảm được trang bị đầy đủ các thiết bị y tế thiết yếu và phương tiện phòng hộ cá nhân theo quy định. Có các thiết bị, vật tư đặc thù phục vụ đối tượng người bệnh thuộc chuyên khoa Nhi.

Bảo đảm biệt lập với các khoa/phòng khác, hạn chế tối đa lây nhiễm.

Trong trường hợp cấp bách, bệnh viện chủ động thiết lập trung tâm hoặc khoa hồi sức tích cực và tiếp tục bổ sung khắc phục các yêu cầu nếu chưa đạt ngay (ví dụ lắp đặt thang máy bổ sung).

Đầu tư trung tâm hồi sức tích cực quốc gia và vùng

Các bệnh viện được phân công thành lập trung tâm hồi sức tích cực có nhiệm vụ triển khai các hoạt động sau:

Đánh giá thực trạng hiện có và chủ động rà soát lại cơ sở hạ tầng, xác định các khoa/phòng, đơn nguyên, khối nhà có thể chuyển đổi công năng thành trung tâm hồi sức tích cực;

Xây dựng kế hoạch thành lập trung tâm, rà soát lập danh mục các trang thiết bị, hạ tầng hiện có và xác định danh mục, số lượng các thiết bị, cơ sở hạ tầng cần đầu tư, huy động từ các nguồn; ưu tiên chuyển đổi công năng các khoa/phòng và sử dụng các trang thiết bị sẵn có;

Nghiên cứu, sắp xếp, bố trí lại các khoa/phòng điều trị và cận lâm sàng... bảo đảm vận hành hợp lý trong quá trình thiết lập và sau khi trung tâm hồi sức tích cực đi vào hoạt động;

Củng cố, đầu tư, lắp đặt mới hệ thống ô-xy trung tâm và đường truyền ô-xy, hệ thống khí nén trung tâm và hút trung tâm;

Củng cố, đầu tư, lắp đặt mới hệ thống báo gọi nhân viên y tế, các thiết bị theo dõi người bệnh, thiết bị công nghệ thông tin và truyền tải thông số, hình ảnh của người bệnh về phòng điều hành và phục vụ hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, điều trị COVID-19.

Đầu tư các trang thiết bị y tế (máy thở, máy ECMO, máy X-Quang, máy siêu âm màu, máy đo điện tim tại giường...).

Chuẩn bị thuốc, vật tư tiêu hao, hóa chất, phương tiện phòng hộ cá nhân.

Bố trí, lắp đặt hệ thống lọc thận, lọc máu... ngay tại trung tâm (nếu điều kiện cho phép).

Chuẩn bị và mở rộng thêm kho, bình chứa ô-xy lỏng dự trữ.

Đầu tư, cải tạo nhà lưu trú dành cho các bác sỹ, điều dưỡng và nhân viên y tế; bảo đảm điều kiện sinh hoạt thuận lợi, tiện nghi, khi làm việc tại trung tâm trong thời gian dài.

Việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc thiết yếu, phương tiện phòng hộ cá nhân thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 2626/QĐ-BYT ngày 28/5/2021 về việc ban hành danh mục nhu cầu trang thiết bị, vật tư tiêu hao và thuốc thiết yếu của các khu vực điều trị người bệnh COVID-19, Quyết định số 1259/QĐ-BYT ngày 20/3/2020 về việc ban hành Danh mục phương tiện phòng hộ cá nhân thiết yếu của 01 Khu vực điều trị cách ly người bệnh COVID-19 và các quy định hiện hành khác có hiệu lực hoặc sửa đổi (nếu có).

Đầu tư, nâng cấp khoa hồi sức tích cực của các bệnh viện chưa được phân công thành lập trung tâm

Căn cứ vào năng lực chuyên môn và tình hình thực tế, từng bệnh viện chủ động rà soát, đầu tư, nâng cấp khoa hồi sức tích cực tương tự theo các hoạt động đầu tư trung tâm hồi sức tích cực vùng.

ĐÀO TẠO, NÂNG CAO NĂNG LỰC CHO BÁC SĨ, ĐIỀU DƯỠNG

Giao cho các trung tâm hồi sức tích cực quốc gia và vùng tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên... điều trị người bệnh COVID-19 với các nội dung sau:

Cập nhật kiến thức hồi sức cơ bản, nâng cao.

Sử dụng máy thở cho bác sĩ và điều dưỡng, kỹ thuật viên.

Sử dụng máy ECMO, lọc máu liên tục cho bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên...

Chăm sóc, dinh dưỡng, tâm lý cho người bệnh COVID-19.

Theo dõi, đánh giá tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần của nhân viên y tế.

Các chương trình đào tạo, tập huấn khác được bổ sung dựa trên nhu cầu thực tiễn.

XÂY DỰNG BỔ SUNG CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH, ĐỘNG VIÊN, ĐÃI NGỘ

Bộ Y tế phối hợp với các Bộ có liên quan khẩn trương xây dựng bổ sung các chế độ, chính sách động viên, đãi ngộ nhằm thu hút nguồn nhân lực có chất lượng tốt làm việc tại các trung tâm và khoa hồi sức tích cực, khoa truyền nhiễm.

Các địa phương chủ động xây dựng bổ sung các chế độ, chính sách động viên, đãi ngộ nhằm thu hút nguồn nhân lực có chất lượng tốt làm việc tại các trung tâm và khoa hồi sức tích cực, khoa truyền nhiễm theo đặc thù kinh tế, văn hóa-xã hội của từng địa phương.

 

PHẦN THỨ TƯ: KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

DỰ KIẾN KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

Kinh phí thiết lập các trung tâm hồi sức tích cực quốc gia và vùng, đầu tư, sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm, lắp đặt các trang thiết bị.

Kinh phí đào tạo, tập huấn tại các trung tâm hồi sức tích cực và cho các bệnh viện tuyến trên, tuyến dưới;

Kinh phí triển khai đề án tại tuyến trung ương, các tỉnh, bệnh viện và triển khai các hoạt động thực hiện theo mục tiêu Đề án.

NGUỒN KINH PHÍ

Nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn ODA, nguồn đóng góp của các nhà tài trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Ngân sách Trung ương sẽ bảo đảm kinh phí cho các trung tâm hồi sức tích cực thuộc Bộ Y tế quản lý. Ngân sách địa phương sẽ đảm bảo kinh phí cho các trung tâm hồi sức tích cực thuộc phạm vi quản lý của địa phương. Bộ Y tế hỗ trợ một số trang thiết bị y tế theo khả năng cho các trung tâm hồi sức tích cực vùng do địa phương quản lý để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Các bệnh viện huy động nguồn kinh phí từ tổ chức, cá nhân, viện trợ và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

 

PHẦN THỨ NĂM: TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

CÁC VỤ, CỤC THUỘC BỘ Y TẾ

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh:

Là đơn vị đầu mối thường trực giúp Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án;

Có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các bệnh viện xây dựng dự án (hoặc kế hoạch) và dự toán hoạt động của trung tâm hồi sức tích cực;

Làm đầu mối tổng hợp và phối hợp Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế và các đơn vị liên quan tổ chức xét duyệt dự án (hoặc kế hoạch) và dự toán hoạt động trung tâm hồi sức tích cực của các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt;

Vụ Kế hoạch -Tài chính:

Chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh tổng hợp, bố trí kinh phí, hướng dẫn hoạt động tài chính của Đề án theo quy định của pháp luật;

Phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh xây dựng chế độ, chính sách động viên, đãi ngộ cho người làm chuyên môn cấp cứu, hồi sức tích cực, truyền nhiễm để giữ chân và thu hút nguồn nhân lực chất lượng tốt, làm việc lâu dài.

Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế:

Chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Vụ Kế hoạch - Tài chính đề xuất việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho các bệnh viện để đáp ứng yêu cầu Đề án.

Vụ Tổ chức cán bộ:

Chủ trì xây dựng chế độ, chính sách động viên, đãi ngộ cho người làm chuyên môn cấp cứu, hồi sức tích cực, truyền nhiễm để giữ chân và thu hút nguồn nhân lực chất lượng tốt, làm việc lâu dài.

Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo:

Chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và các đơn vị liên quan xây dựng, thẩm định chương trình, tài liệu đào tạo liên tục, đào tạo chính quy liên quan đến Đề án.

Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng:

Phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe trung ương, Báo Sức khỏe & Đời sống và các đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung truyền thông và thi đua, khen thưởng của Đề án.

CÁC BỆNH VIỆN ĐƯỢC PHÂN CÔNG THÀNH LẬP TRUNG TÂM

Căn cứ vào nội dung Đề án của Bộ Y tế, các bệnh viện có trách nhiệm khẩn trương đánh giá thực trạng, lập danh sách bệnh viện được phân công phụ trách, phối hợp với các bệnh viện khảo sát, đánh giá năng lực chuyên môn, xây dựng dự án (hoặc kế hoạch triển khai chi tiết) và dự toán hoạt động trung tâm hồi sức tích cực; rà soát lại số lượng thiết bị hiện có, số lượng mua bổ sung để bảo đảm trang thiết bị hoạt động hiệu quả; báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt; tổ chức triển khai thực hiện sau khi Đề án được phê duyệt.

Báo cáo thông tin, số liệu, hoạt động... đầy đủ, kịp thời về Bộ Y tế theo yêu cầu và thực hiện các nhiệm vụ khác được phân công trong phạm vi Đề án.

CÁC BỆNH VIỆN CHƯA PHÂN CÔNG THÀNH LẬP TRUNG TÂM

Căn cứ vào nội dung Đề án của Bộ Y tế, các bệnh viện chưa được phân công thành lập trung tâm hồi sức tích cực có trách nhiệm khẩn trương đánh giá thực trạng, năng lực chuyên môn, xây dựng dự án (hoặc kế hoạch triển khai chi tiết) và dự toán hoạt động để đầu tư, nâng cấp khoa hồi sức tích cực theo yêu cầu Đề án; báo cáo cơ quan chủ quản xét phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện.

Báo cáo thông tin, số liệu, hoạt động... đầy đủ, kịp thời về Bộ Y tế theo yêu cầu và thực hiện các nhiệm vụ khác được phân công trong phạm vi Đề án.

Căn cứ năng lực chuyên môn, khả năng huy động nguồn lực đầu tư, diễn biến dịch bệnh; các bệnh viện chưa được phân công thành lập trung tâm đề xuất, báo cáo Bộ Y tế thành lập trung tâm nêu có nhu cầu và khả năng thực hiện.

ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC TỈNH/TP TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

Chỉ đạo, đôn đốc Sở Y tế, ban ngành và các bệnh viện tích cực, khẩn trương triển khai Đề án.

Khẩn trương bố trí ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để triển khai Đề án, đầu tư cho các trung tâm và khoa hồi sức tích cực.

Chủ trì xây dựng và ban hành các chế độ, chính sách động viên, đãi ngộ cho người làm việc tại các trung tâm, khoa hồi sức tích cực và khoa truyền nhiễm theo điều kiện của từng địa phương để thu hút, giữ chân người làm việc.

Giao nhiệm vụ cụ thể cho các ban ngành phối hợp và cung ứng đầy đủ các vật tư, trang thiết bị (đặc biệt là nguồn cung ô-xy lỏng) để đầu tư, nâng cấp và phục vụ các hoạt động của trung tâm, khoa hồi sức tích cực.

CÁC SỞ Y TẾ, CỤC QUÂN Y, Y TẾ CÁC BỘ, NGÀNH

Xây dựng kế hoạch tổng thể nâng cao năng lực hồi sức tích cực cho các bệnh viện trực thuộc.

Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các bệnh viện trực thuộc xây dựng dự án (hoặc kế hoạch chi tiết) để triển khai Đề án.

Tổng hợp và khẩn trương tổ chức thẩm định dự án (hoặc xét duyệt kế hoạch) của các bệnh viện trực thuộc theo hình thức phù hợp với tình hình dịch của địa phương và trong thời gian ngắn nhất; báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố; chỉ đạo các bệnh viện trực thuộc tích cực triển khai Đề án.

Báo cáo UBND tỉnh ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư trung tâm, khoa hồi sức tích cực và kinh phí hoạt động.

Xây dựng chế độ chính sách đãi ngộ cho người làm việc tại các trung tâm, khoa hồi sức tích cực và truyền nhiễm theo điều kiện của từng địa phương, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố phê duyệt.

Lập kế hoạch, phân công, bố trí các kíp bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên... được huy động làm hồi sức tích cực của các bệnh viện trực thuộc đến các trung tâm hồi sức tích cực quốc gia hoặc trung tâm vùng để tập huấn, thực hành và tham gia điều trị COVID-19.

 

PHẦN THỨ SÁU: HIỆU QUẢ KINH TẾ - XÃ HỘI

Đề án “Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 nặng” được xây dựng và triển khai trên phạm vi toàn quốc phù hợp với định hướng chiến lược mới của Tổ chức Y tế thế giới và các nước tiên tiến, tập trung nâng cao năng lực điều trị ca bệnh COVID-19, cứu chữa các ca bệnh nặng, nguy kịch, hạn chế thấp nhất tử vong.

Đề án sẽ tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19, cứu chữa nhiều người bệnh, giảm tỷ lệ tử vong, hạn chế chuyển tuyến. Do vậy, Đề án này có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần thực hiện thành công “mục tiêu kép” của Chính phủ và ngành y tế.

Đặc biệt, việc đầu tư Đề án này mang tính bền vững, lâu dài, có tính kinh tế cao, không lãng phí. Đề án đầu tư sẽ rất hiệu quả, giúp tăng cường năng lực hồi sức tích cực của hệ thống khám, chữa bệnh và các bệnh viện trên phạm vi toàn quốc, không chỉ điều trị người bệnh COVID-19 mà còn góp phần điều trị người bệnh nặng của các chuyên khoa khác trong tương lai.

PHỤ LỤC 1.

DANH SÁCH PHẠM VI TIẾP NHẬN NGƯỜI BỆNH CHUYỂN TUYẾN VÀ CHỈ ĐẠO MẠNG LƯỚI CỦA CÁC TRUNG TÂM HỒI SỨC TÍCH CỰC

STT

Tên bệnh viện/trung tâm HSTC

Địa bàn phụ trách

 

Trung tâm HSTC quốc gia

Phạm vi chuyển tuyến

1.

Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2

Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh

2.

Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2

Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên

3.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương

Hà Nội, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên

Lưu ý: Bệnh viện tiếp nhận người bệnh nặng của các tỉnh thuộc phạm vi chuyển tuyến của trung tâm HSTC Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2, Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội trong thời gian các cơ sở trên chưa tiếp nhận người bệnh.

4.

Bệnh viện Phổi trung ương

Các tỉnh phía Bắc

5.

Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội cơ sở 2

Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng

6.

Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh

Các tỉnh phía Nam

7.

Bệnh viện đa khoa trung ương Huế

Các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa

8.

Bệnh viện Chợ Rẫy

Các tỉnh phía Nam

9.

Các trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 TP. Hồ Chí Minh

TP. Hồ Chí Minh

10.

Bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ

Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

11.

Bệnh viện Quân đội 108

Các bệnh viện Quân dân y, các bệnh viện Bộ Công an

12.

Bệnh viện Quân y 103

Các bệnh viện Quân dân y, các bệnh viện Bộ Công an

 

Trung tâm HSTC vùng

Phạm vi chỉ đạo mạng lưới và chuyển người bệnh nặng

1.

Bệnh viện điều trị COVID-19 tỉnh Bắc Giang

Bắc Giang

2.

Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh

Bắc Ninh, Lạng Sơn

3.

Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái

Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu

4.

Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ

Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Vĩnh Phúc

5.

Bệnh viện đa khoa trung ương Thái Nguyên

Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn

6.

Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình

Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình

7.

Bệnh viện ĐK Đức Giang, Hà Nội

Hà Nội

8.

Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội

Hà Nội

9.

Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội

Hà Nội

10.

Bệnh viện ĐK Hà Đông, Hà Nội

Hà Nội

11.

Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển, Uông Bí

Quảng Ninh

12.

Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh

Quảng Ninh

13.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, Hải Phòng

Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên

14.

Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định

Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam

15.

Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa

Thanh Hóa

16.

Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An

Nghệ An, Hà Tĩnh (các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị chuyển tuyến về BVĐK trung ương Huế)

17.

Bệnh viện đa khoa TP. Đà Nẵng

Đà Nẵng

18.

Bệnh viện Phổi Đà Nẵng

Đà Nẵng

19.

Bệnh viện ĐKTW Quảng Nam

Quảng Nam, Quảng Ngãi

20.

Bệnh viện Phong - Da Liễu Quy Hòa

Bình Định

21.

BV Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa

Khánh Hòa, Phú Yên, Lâm Đồng

22.

Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai

Gia Lai, Kon Tum

23.

Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên

Đắk Lắk, Đắk Nông

24.

Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai

Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Ninh Thuận, Bình Thuận

25.

Bệnh viện đa khoa Thống nhất Đồng Nai

Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước

26.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre

27.

Bệnh viện đa khoa TP. Cần Thơ

Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp

28.

Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long

Vĩnh Long, Trà Vinh

29.

Bệnh viện ĐK TT An Giang

An Giang

30.

Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng

Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau

31.

Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang

Kiên Giang

32.

Bệnh viện Quân y 175

Các bệnh viện Quân dân y, các bệnh viện Bộ Công an

33.

Bệnh viện Quân y 354

Các bệnh viện Quân dân y, các bệnh viện Bộ Công an

Dự thảo Báo cáo ô-xy y tế và trang thiết bị chăm sóc hô hấp tại Việt Nam, tháng 7/2021. Kết quả khảo sát trên 1445 bệnh viện các tuyến toàn quốc có 16.654 giường bệnh HSTC, trong đó có khoảng 10.000 giường đáp ứng được cho điều trị COVID-19. Nhiều bệnh viện thiếu trang thiết bị cấp cứu, hồi sức tích cực, thiếu đường truyền ô-xy và nguồn cung ô-xy.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top