✴️Nguyên nhân triệu chứng hội chứng đại tràng kích thích

Nội dung

Hội chứng đại tràng kích thích là bệnh lành tính không có tổn thương thực thể ở đại tràng nhưng gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống thường ngày của người bệnh. Để hiểu rõ về căn bệnh này bạn hãy tham khảo những thông tin dưới đây:

 

Nguyên nhân mắc hội chứng đại tràng kích thích

Hội chứng đại tràng kích thích là bệnh lành tính không có tổn thương thực thể ở đại tràng.

 

Hội chứng đại tràng kích thích (HCĐTKT) hay còn có nhiều tên goi khác: bệnh đại tràng chức năng, viêm đại tràng co thắt, rối loạn cơ năng ống tiêu hóa… Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi và ngày càng phổ biến, thường gặp nhất ở lứa tuổi thanh niên, tỷ lệ gặp ở nữ giới thường cao gấp 3 – 4 lần  nam giới. Tại Việt Nam có 30-40% bệnh nhân đến khám ở chuyên khoa tiêu hóa mắc HCĐTKT.

Nguyên nhân gây bệnh đến nay chưa được xác định rõ ràng, chỉ ghi nhận có một số cơ chế tham gia gây bệnh như: bất thường co bóp tại tiểu tràng và đại tràng, tăng cảm nhận đau của cơ quan nội tạng, bất thường về tâm thần (bị trầm cảm, sang chấn tâm lý, stress …). HCĐTKT là những triệu chứng, không có bằng chứng về những tổn thương thực thể khi đi nội soi, sinh thiết đại tràng.…

Tuy bệnh không nguy hiểm đến tính mạng, không dẫn đến một số bệnh lý khác như viêm loét đại tràng, ung thư đại tràng… nhưng gây khó chịu ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh.

 

Những dấu hiệu đặc trưng của hội chứng đại tràng kích thích

Hội chứng đại tràng kích thích  kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm với 2 triệu chứng chính: đau bụng và rối loạn đi tiêu.

Đau bụng, thường là đau quặn thắt có khi đột ngột tuy nhiên cũng có khi báo hiệu trước bằng biểu hiện đau lâm râm trước đó 4-5 phút, người bệnh thường xuyên có cảm giác mót đại tiện. Cơn đau thường xuất hiện ngay sau bữa ăn hoặc sau khi có chấn thương tâm lý, ở phụ nữ có thể xuất hiện trong thời kỳ gần kinh nguyệt. Vị trí đau thường ở vùng dưới phía bên trái, đôi khi xuất hiện ở bên phải. Một đặc điểm điển hình của cơn đau là khi trung tiện hoặc đi tiêu xong thì người bệnh có cảm giác đỡ đau hoặc hết đau ngay và sinh hoạt bình thường.

Rối loạn đi tiêu, thường là tiêu chảy (cũng có khi không tiêu chảy mà thành khuôn sền sệt như kiểu “sống phân”) thường xảy ra vào buổi sáng, sau bữa điểm tâm, tiêu chảy liên tiếp 2 đến 3 lần, thậm chí nhiều hơn sau đó bình thường, ban đêm ít khi bị. Tiêu chảy có thể kéo dài hàng tháng, sau đó tự hết mà không cần điều trị. Một dạng khác là đau bụng, táo bón (phân có thể có mũi nhầy nhưng không có máu), hoặc tiêu chảy xen lẫn với táo bón.

Ngoài 2 triệu chứng đặc trưng trên, người bệnh có thể có cảm giác mệt mỏi, lo lắng, mất ngủ… nhưng bình thường không sốt, các xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, siêu âm, Xquang bụng, nội soi ống tiêu hóa… đều bình thường. Tuy nhiên bệnh kéo dài làm cho bệnh nhân buồn phiền, giảm chất lượng cuộc sống và nếu kiêng khem nhiều, ăn uống giảm sút có thể trở thành gầy yếu.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top