Tuy nhiên, một điều có thể bạn chưa biết đó là phụ nữ chưa mang thai cũng có thể cho con bú qua sự trợ giúp của hormone, thuốc và các tác động vật lý.
Sữa mẹ cung cấp cho trẻ một chế độ dinh dưỡng đầy đủ cũng như bảo vệ chống lại các bệnh nhiễm trùng và bệnh tật nói chung. Nuôi con bằng sữa mẹ mang lại lợi ích sức khỏe cho cả mẹ và con theo nhiều cách khác nhau và những lợi ích này kéo dài cả sau khi ngừng cho con bú.
Thành phần của sữa mẹ rất phức tạp. Sữa mẹ có chứa hơn 200 chất khác nhau, bao gồm: protein, chất béo, carbohydrate, vitamin, khoáng chất, enzyme, hormone, và các chất dinh dưỡng khác. Thành phần này có thể khác nhau ở mỗi người mẹ và thậm chí là khác nhau ở từng giai đoạn cho con bú.
Sữa mẹ bắt đầu được sản xuất vào thời gian đầu của thai kì. Sau đó, khi em bé được sinh ra, mẹ sẽ có trong vòng một hai ngày đầu. Tuy lượng sữa vào thời điểm này là khá ít nhưng các mẹ đừng quá lo lắng vì từng đó cũng đã đủ cho em bé mới chào đời rồi.
Đến ngày thứ ba sau khi sinh, sữa mẹ sẽ về nhiều hơn. Khi đó các mẹ sẽ cảm thấy như ngực mình đầy và căng lên. Tuy nhiên, với những người mới mang thai và sinh con lần đầu thì có thể mất đến 5 ngày để sữa về.
Sữa mẹ thường có ba giai đoạn: sữa non, sữa mẹ chuyển tiếp và sữa mẹ trưởng thành.
Sữa non: Sữa non là sữa là sữa mẹ trong giai đoạn đầu tiên, xuất hiện vào khoảng cuối thai kì và trong vài ngày đầu sau khi sinh em bé. Sữa non thường đặc, màu vàng và dính, nhưng cũng có thể lỏng hơn và có màu trắng hoặc màu cam. Nếu mẹ đang dùng máy để hút sữa, hãy chú ý nếu sữa non bị kẹt trong ống của máy bơm do độ đặc của sữa. Các mẹ cũng có thể vắt sữa bằng tay vào một chiếc cốc nhỏ cho trẻ uống để đảm bảo em bé được uống loại sữa giàu kháng thể này.
Em bé mới sinh có thể tiêu hóa sữa non rất dễ dàng. Ngoài ra, sữa non cũng rất giàu protein, ít chất béo và chứa nồng độ kháng thể cao, cụ thể là Immunoglobulin A (IgA) , cũng như các tế bào bạch cầu giúp chống lại nhiễm trùng.
Đây cũng là một loại “thuốc nhuận tràng” tự nhiên giúp làm sạch ruột qua phân su và ngăn ngừa vàng da. Lượng sữa non cơ thể mẹ sản sinh rất ít, nhưng sữa non lại chứa tất cả những gì mà trẻ cần trong những ngày đầu đời.
Sữa mẹ chuyển tiếp: Sữa mẹ chuyển tiếp là sự kết hợp giữa sữa non và sữa trưởng thành. Sữa chuyền tiếp thường xuất hiện vào khoảng ba đến năm ngày sau khi sinh và chuyển dần sang sữa trưởng thành trong vài ngày hoặc một tuần.
Sữa mẹ trưởng thành: Sữa mẹ sẽ dần thành sữa trưởng thành vào thời điểm bé được khoảng hai tuần tuổi. Sữa mẹ trưởng thành là sự kết hợp của sữa đầu và cuối cữ bú. Khi trẻ bú, lượng sữa đầu tiên gọi là sữa đầu cữ, loãng, nhiều nước, ít chất béo và năng lượng. Khi bạn tiếp tục cho con bú, lượng sữa theo sau được gọi là sữa cuối cữ. Sữa này đặc và sánh hơn, và cũng có chứa nhiều chất béo hơn.
Cơ thể mẹ tạo sữa để đáp ứng cho việc mang thai, sinh và nuôi con. Nhưng, để tiếp tục duy trì việc tạo sữa sau khi bé chào đời thì mẹ phải cho con bú hoặc phải hút sữa.
Màu sắc của sữa mẹ có thể thay đổi ngay trong ngày hoặc giữa các ngày. Thông thường, sữa mẹ màu trắng, vàng hoặc hơi xanh. Tuy nhiên, tùy thuộc vào chế độ ăn của mẹ mà sữa mẹ có thể có màu phớt xanh lá, cam, nâu hoặc hồng. Đôi khi, nếu mẹ có các tổn thương nhẹ ở vú thì máu có thể lẫn vào sữa mẹ. Điều này có vẻ đáng sợ nhưng không nguy hiểm cho con, nhất là nếu con không bỏ bú thì các mẹ vẫn có thể cho con bú bình thường nếu màu sắc của sữa mẹ có thay đổi nhẹ.
Sữa mẹ được mô tả là ngọt và ngậy. Vị ngọt từ đường sữa lactose, và nó có dạng kem ngậy nhờ lượng chất béo có trong sữa. Các loại thực phẩm bạn ăn mỗi ngày của bạn cũng sẽ góp phần tạo nên hương vị của sữa mẹ.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh