✴️ Viêm cơ cổ là gì

Nội dung

Đau cổ, cứng cổ, khó vận động, thậm chí nhức mỏi cả vai và cánh tay là những biểu hiện ban đầu của viêm cơ cổ. Đây là một tình trạng khá phổ biến, gây ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của mọi người.

 

Viêm cơ cổ là gì?

Viêm cơ cổ là tình trạng các cơ xung quanh cổ bị viêm do nhiều nguyên nhân khác nhau, ảnh hưởng tới các chức năng của cả vùng cơ gây cứng cơ, đau cơ. Bệnh có thể tự đỡ sau vài ngày, hoặc trở nên trầm trọng hơn nếu không biết cách giữ gìn.

Viêm cơ cổ gây đau nhức và cứng cơ ở vùng cổ, vai, gáy

 

Nguyên nhân gây viêm cơ cổ

Viêm cơ cổ có thể do một hoặc nhiều các yếu tố dưới đây gây nên.

– Thoái hóa, lão hóa cơ xương khớp vùng cổ, thường xảy ra ở người cao tuổi.

– Viêm nhiễm vùng cơ cổ.

– Các bệnh lý gây ảnh hưởng như khối u…

– Chấn thương do va đập, hoạt động sai tư thế.

 

Triệu chứng của bệnh

Ban đầu bệnh đau mỏi vùng cổ gáy, cứng cổ, không thể xoay, cúi, ngửa đầu. Sau đó tình trạng tê nhức, ê ẩm lan sang hai bên vai và cả cánh tay. Nếu bệnh để lâu, chữa trị sai cách có thể dẫn tới khó thở, ngạt thở.

Tùy vào mức độ bệnh mà có cảm giác đau nhiều ít khác nhau nhưng đa phần đều có cảm giác cứng cơ một bên hoặc ở giữa trụ cổ. Buốt và đau khi cố xoay cổ, Nếu bệnh do tư thế ngủ không đúng, có thể khiến người bệnh phải duy trì cơ thể trong trạng thái nghiêng đầu sang bên, khó thực hiện các hoạt động sống. Ngoài ra có thể có cảm giác như kim châm, ngứa ở bàn tay, ngón tay.

 

Cách điều trị bệnh viêm cơ cổ

Là căn bệnh nhạy cảm, viêm cơ cổ cần được điều trị đúng cách để không ảnh hưởng tới các vùng lân cận. Dưới đây là một số cách để giúp tình trạng bệnh nhanh chóng biến mất.

– Chườm nóng và lạnh luân phiên nhau cho vùng cơ bị cứng, đau.

– Mát xa cổ nhẹ nhàng.

– Uống thuốc giảm đau, chống viêm hoặc dùng miếng dán giảm đau cơ.

– Nếu tình trạng bệnh nặng hoặc kéo dài, cần đi gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị hiệu quả.

 

Cách phòng tránh bệnh

Để ngăn ngừa sự xuất hiện của tình trạng viêm cơ cổ, nên thực hiện các biện pháp phòng tránh như sau:

– Làm việc, vận động, nghỉ ngơi đúng tư thế.

– Khi ngủ nên nằm gối thấp và không nằm sấp. Thay đổi tư thế mỗi lần tỉnh dậy để vùng cổ thoải mái và không bị co cứng.

– Không làm việc, vận động quá sức, căng thẳng đầu óc hoặc làm nhiều lần liên tục một động tác liên quan đến vùng cổ.

– Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao giúp cơ xương khớp co giãn thoải mái, dẻo dai và khỏe mạnh.

– Đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các tình trạng bệnh lý cơ xương khớp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top