✴️ Viêm khớp dạng thấp là gì? Có chữa được không?

Viêm khớp dạng thấp là một trong những bệnh lý phổ biến nhất về cơ xương khớp tại Việt Nam và có thể gây ra nhiều bất tiện cho người bệnh trong công việc và sinh hoạt hàng ngày. Vậy cụ thể viêm khớp dạng thấp là gì, có chữa khỏi được không? Cùng tìm lời giải đáp ở bài viết dưới đây nhé.

 

1. Viêm khớp dạng thấp là gì?

Viêm khớp dạng thấp, hay còn gọi là thấp khớp, là một bệnh lý mạn tính gây nên bởi rối loạn tự miễn trong cơ thể. Bệnh thường xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào chính các mô trong cơ thể, gây ra phản ứng viêm khiến khớp đỏ, sưng đau và xơ cứng.

Viêm khớp dạng thấp có thể đồng thời tác động đến nhiều khớp nên còn được gọi là viêm đa khớp dạng thấp. Những khớp thường phải chịu ảnh hưởng chủ yếu là khớp cổ tay – bàn tay – ngón tay, khớp lưng, khớp bàn chân và khớp gối.

Bệnh viêm khớp dạng thấp không chỉ gây đau mà còn có thể khiến khớp bị biến dạng và làm tổn thương đến các cơ quan khác như da, mắt, phổi, tim và mạch máu.

Viêm khớp dạng thấp thường ảnh hưởng tới các khớp cổ tay – bàn tay – ngón tay, khớp lưng, khớp bàn chân và khớp gối

 

2. Nguyên nhân gây ra viêm khớp dạng thấp

Nguồn gốc sinh ra viêm khớp dạng thấp có thể được lý giải bằng cơ chế rối loạn miễn dịch, tuy nhiên hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây nên tình trạng rối loạn này.

Cụ thể, hệ thống miễn dịch trong cơ thể tấn công lớp màng bao quanh khớp, được gọi là Synovium dẫn đến viêm nhiễm. Kéo theo đó, Synovium sẽ dày lên, sưng phồng và chèn ép lên sụn và xương, thậm chí phá hủy những cơ quan này. Ngoài ra, các gân và dây chằng có chức năng liên kết các khớp với nhau cũng có thể bị giãn và suy yếu dần, khiến khớp biến dạng.

 

3. Triệu chứng thường thấy của viêm khớp dạng thấp là gì?

Người bị viêm khớp dạng thấp thường có những biểu hiện lâm sàng từ nhẹ đến nặng như sau:

– Đau, sưng tại vị trí khớp bị tổn thương: cơn đau tăng dần về đêm và gần sáng, cảm giác đau không thuyên giảm ngay cả khi người bệnh nghỉ ngơi.

– Sưng ở các mô mềm do tràn dịch khớp.

– Cứng khớp kéo dài trong khoảng 1 giờ.

– Cơ thể mệt mỏi, suy nhược, có thể sốt nhẹ nếu bệnh tiến triển nặng.

– Hạt thấp dưới da ở các vùng khuỷu tay, ngón tay, ngón chân hoặc vùng chẩm.

– Khô kết mạc, nếu nặng hơn có thể bị viêm củng mạc, nhuyễn củng mạc,…

– Tổn thương ở phổi: xuất hiện các nốt dạng thấp ở nhu mô, xơ phổi kẽ lan tỏa, tắc nghẽn hô hấp, tràn dịch màng phổi,…

– Tổn thương tim mạch: viêm màng tim, cơ tim, van tim, nhịp tim không ổn định.

– Hội chứng Felty: có dấu hiệu giảm bạch cầu hạt, lách to hơn, tái phát nhiễm khuẩn.

 

4. Các yếu tố nguy cơ và đối tượng dễ mắc viêm khớp dạng thấp

Theo thống kê, các yếu tố nguy cơ khiến người bệnh dễ mắc viêm khớp dạng thấp là:

4.1. Tuổi tác

Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở mọi độ tuổi. Tuy nhiên kết quả từ các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nguy cơ một người mắc bệnh thấp khớp có thể tăng dần theo thời gian và thường bắt đầu ở tuổi trung niên. Đặc biệt, người cao tuổi từ 60 trở lên là đối tượng dễ mắc bệnh nhất.

4.2. Giới tính

Nữ giới có tỉ lệ mắc viêm khớp dạng thấp cao gấp 2-3 lần so với nam giới, đặc biệt là ở độ tuổi từ 20-40 tuổi.

4.3. Thói quen hút thuốc lá

Những người có thói quen hút thuốc lá thường dễ bị viêm khớp dạng thấp hơn so với những người không hút. Việc hút thuốc lá cũng góp phần thúc đẩy quá trình viêm khớp diễn ra nhanh và nghiêm trọng hơn

4.4. Mang thai và sinh con

Phụ nữ chưa mang thai và sinh con có thể có rủi ro mắc bệnh cao hơn so với những người đã làm mẹ.

4.5. Thừa cân, béo phì

Cân nặng là yếu tố ảnh hưởng khá nhiều đến nguy cơ mắc các bệnh về cơ xương khớp nói chung và viêm khớp dạng thấp nói riêng. Bởi khi người bệnh bị thừa cân hoặc béo phì thì áp lực mà trọng lượng cơ thể dồn lên các khớp càng cao và dễ làm tổn thương hệ cơ xương khớp.

4.6. Di truyền

Nếu trong gia đình có người từng mắc viêm khớp dạng thấp thì tỷ lệ mắc bệnh của các thành viên khác trong gia đình đó sẽ cao hơn.

4.7. Phơi nhiễm môi trường

Một số phơi nhiễm như amiang, silica hoặc tiếp xúc trực tiếp với bụi từ các vụ sập trung tâm thương mại cũng có thể làm tăng nguy cơ hình thành viêm khớp dạng thấp.

 

5. Viêm khớp dạng thấp có thể chữa khỏi được không?

Trên thực tế, viêm khớp dạng thấp không thể được chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, việc chú trọng điều trị tích cực sớm có thể làm ngừng hay làm chậm sự tiến triển của bệnh, ngăn chặn tàn phế và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Những phương pháp điều trị hiện tại chủ yếu tập trung vào việc:

– Giảm viêm ở các khớp bị tổn thương

– Xoa dịu và giảm bớt các cơn đau nhức

– Giảm thiểu rủi ro khớp bị suy giảm chức năng hoạt động hoặc bị biến dạng

– Ngăn ngừa và làm chậm quá trình tổn thương khớp

Các phương pháp thường được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp có thể kể đến như:

5.1. Thuốc điều trị

Tùy thuộc tình trạng sức khỏe và những triệu chứng cụ thể của từng bệnh nhân mà bác sĩ điều trị sẽ kê các loại thuốc tương ứng, giúp ngăn bệnh tiến triển nặng.

5.2. Vật lý trị liệu

Các bài tập vật lý trị liệu có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị viêm khớp dạng thấp và giúp quá trình phục hồi sau điều trị diễn ra nhanh hơn. Có thể tham khảo một trong số các cách thực hiện vật lý trị liệu dưới đây:

– Giảm đau bằng thủy lực

– Làm ấm khớp bằng đèn nhiệt

– Ngâm nước nóng, tắm suối khoáng

5.3. Phẫu thuật

Bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cho bệnh nhân nếu các loại thuốc điều trị không thể làm chậm quá trình phát triển của bệnh. Có 4 kiểu phẫu thuật viêm khớp dạng thấp có thể được cân nhắc thực hiện là:

– Phẫu thuật nội soi: loại bỏ lớp màng bao quanh khớp bị viêm, có thể được thực hiện ở đầu gối, khuỷu tay, cổ tay, ngón tay và hông.

– Phẫu thuật sửa chữa gân: sửa chữa các đường gân xung quanh khớp của bạn khỏi tình trạng lỏng và vỡ.

– Phẫu thuật chỉnh trục: giúp giảm đau, cố định hoặc điều chỉnh khớp.

– Thay thế toàn bộ khớp: loại bỏ các bộ phận bị tổn thương của khớp, thay thế bằng bộ phận làm bằng nhựa hoặc kim loại.

Hy vọng bài viết trên đây đã có thể giúp bạn hiểu rõ viêm khớp dạng thấp là gì cũng như nắm được những thông tin quan trọng liên quan tới căn bệnh này. Viêm khớp dạng thấp thường phát triển và diễn biến phức tạp, gây ra nhiều hậu quả nặng nề và có thể để lại biến chứng nguy hiểm. Do vậy, bạn nên đi khám định kỳ hoặc đến gặp bác sĩ ngay khi phát hiện dấu hiệu bất thường để có thể phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top