✴️ Hiểu về cơn đột quỵ thoáng qua để bảo vệ sức khỏe và tính mạng

1. Đột quỵ thoáng qua là gì?

Đột quỵ thoáng qua là cách gọi khác của tình trạng thiếu máu não thoáng qua. Do dòng máu đến nuôi não bị giảm, hoặc đột ngột ngưng. Tình trạng này xảy ra do cục máu đông xuất hiện trong lòng mạch gây tắc nghẽn mạch máu não.

Cơn thiếu máu não thoáng qua được cảnh báo là cơn đột quỵ nhẹ. Tuy chỉ diễn ra nhanh chóng rồi tự hết nhưng không thể chủ quan với các dấu hiệu đột quỵ nhẹ. Bởi tình trạng này và dấu hiệu đột quỵ sớm là một.

Đột quỵ thoáng qua là tình trạng choáng, mất thăng bằng, giảm khả năng ngôn ngữ chỉ thoáng qua sau đó tự hết.

 

2. Triệu chứng của cơn đột quỵ thoáng qua

2.1. Chóng mặt và yếu tay chân – triệu chứng đột quỵ thoáng qua

Thiếu máu não thoáng qua hay đột quỵ nhẹ biểu hiện qua cơn chóng mặt đi kèm các dấu hiệu khác như tê yếu tay chân ở một bên cơ thể.

2.2. Mất kiểm soát giọng nói do đột quỵ thoáng qua

Cũng là một triệu chứng điển hình khác, người bệnh còn gặp tình trạng mất khả năng ngôn từ, không kiểm soát được giọng nói.

2.3. Những trường hợp thường gặp ở bệnh nhân thiếu máu não thoáng qua

Bệnh nhân đang nói chuyện bình thường với bác sĩ nhưng sau đó nói lơ mơ, nhầm lẫn nhiều hoặc quên tên người quen thân. Cơn chóng mặt này sẽ kèm theo tình trạng mất ý thức choáng qua. Đó là hiện tượng đột ngột bị té ngã, mất ý thức. Có người đang đi ngoài đường rồi bỗng dưng ngã quỵ. Nhưng điều này chỉ xảy ra thoáng chốc (có thể khoảng 10 giây). Sau đó lại bình thường.

Có người khác đang ăn cơm đột nhiên làm rơi đũa rồi tuột bát. Hoặc đnag viết thì bị nguệch ngoạc, chữ rất xấu, không kiểm soát được hoạt động của tay. Một số bệnh nhân mắt chợt tối sầm, rồi đột nhiên lại nhìn thấy trở lại. Đây cũng là dấu hiệu điển hình của cơn thiếu máu não thoáng qua hay đột quỵ thoáng qua.

Cần lưu ý nếu cùng lúc gặp đến 3-4 dấu hiệu điển hình trên, có thể khẳng định rằng đó là dấu hiệu của tiền đột quỵ, sắp xảy ra đột quỵ nguy hiểm đến tính mạng. Thống kê cho thấy 80% trường hợp gặp cơn thiếu máu não thoáng qua sẽ trở thành đột quỵ thực sự. Cơn đột quỵ thực sự sẽ xảy ra trong vòng khoảng 6 tháng từ khi có đột quỵ thoáng qua. Thậm chí, có những trường hợp bệnh nhân vừa bị thiếu mãu não thoáng qua, nhưng ngay hôm sau đã bị đột quỵ nặng.

Làm rớt đồ có kèm yếu tay chân, yếu nửa người, nói khó… cũng là dấu hiệu cảnh báo đột quỵ.

 

3. Cách kiểm tra dấu hiệu đột quỵ thoáng qua hoặc tăng nặng

Nếu chóng mặt, nôn kèm theo tê yếu tay chân, nói nhầm lẫn, mặt méo sẽ là dấu hiệu báo trước đột quỵ, cần đưa người bệnh đi bệnh viện ngay.

Làm rớt đồ có kèm yếu tay chân, yếu nửa người, nói khó… cũng là dấu hiệu cảnh báo đột quỵ. Nếu vẫn chú ý cầm chắc đồ mà không thực hiện được, càng cố gắng lại càng không làm nổi. Chẳng hạn cố cầm nắm đồ vật nhưng vẫn rơi, cố đứng vững nhưng lại loạng choạng. Đó là dấu hiệu điển hình của cơn thiếu máu não thoáng qua.

Cách để kiểm tra cho người nghi ngờ đột quỵ nhẹ là nắm tay người bệnh và nhận biết tình trạng một bên bình thường và 1 bên yếu hẳn sẽ là đột quỵ nhẹ. Hoặc để người bệnh xòe tay hoặc nắm tay, nếu 1 bên kém hẳn thì người đó đã rơi vào tình trạng đột quỵ thực sự, không còn là triệu chứng thoáng qua.

 

4. Xử trí khi gặp người bị đột quỵ thoáng qua

Nếu phát hiện người có các triệu chứng bị đột quỵ nhẹ, cần giúp người bệnh được ngồi hoặc nằm nghỉ ngơi. Sau đó nên giúp bệnh nhân đi khám tại bệnh viên ngay. Tốt nhất cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất có đa khoa hoặc có khoa Nội thần kinh, có thể điều trị đột quỵ. Cơ sở y tế cần có máy chụp CT để chẩn đoán đột quỵ. Nếu không sẽ nguy hiểm với bệnh nhân vì chậm điều trị có thể đánh mất khoảng thời gian vàng để cứu chữa hiệu quả nhất.

Tại bệnh viện, nhân viên y tế sẽ tiến hành sơ cứu ban đầu. Các khâu cần làm là đo huyết áp, hỏi cảm nhận của người bệnh hiện tại về sức khỏe của mình. Ngoài ra cần hỏi các loại thuốc họ đang sử dụng. Hỏi tiền sử bệnh, lưu ý nếu có bệnh nền và việc dùng thuốc trị bệnh mạn tính có đều không.

Cần nhanh chóng xác định có dấu hiệu đột quỵ thực sự hay không.

 

5. Chẩn đoán và điều trị đột quỵ

Khi bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ thoáng qua được đưa vào phòng cấp cứu, các bác sĩ sẽ chẩn đoán rất nhanh. Cần nhanh chóng xác định có dấu hiệu đột quỵ thực sự hay không. Bác sĩ chỉ định chụp CT, MRI để chẩn đoán. Sau đó bệnh nhân được thực hiện ngay các chẩn đoán hình ảnh như siêu âm tim, đo điện tim, cùng các xét nghiệm máu.

Việc điều trị sẽ tùy theo nguyên nhân. Nếu bệnh nhân bị tắc nghẽn mạch máu não sẽ được tiêm thuốc tan cục máu đông trong vòng 4,5 giờ đầu. Nếu đã 5 tiếng sau cơn đột quỵ, thuốc tan máu đông không còn hiệu quả

Với bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ nhẹ (thoáng qua và triệu chứng nhẹ). Cần tìm ra nguyên nhân thường gặp là cơn tăng huyết áp đột biến hoặc một mảng xơ vữa (do rối loạn nhịp tim). Cần kiểm tra lại những yếu tố, nguy cơ và bệnh nền để điều trị lâu dài, tránh tái phát.

Nếu mạch máu chỉ hẹp nhẹ dưới 50%, hoàn toàn có thể kiểm soát bằng thuốc uống. Trường hợp mạch hẹp từ 90% trở lên, bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật đặt stent, nong mạch máu. Hoặc những biện pháp phù hợp được bác sĩ chỉ định.

 

6. Người bệnh cần chủ động kiểm soát bệnh thế nào?

Bệnh nhân cần được tầm soát tối thiểu một lần bằng các phương pháp: Xét nghiệm đường huyết, ion máu, điện tim, siêu âm tim, đo huyết áp , chụp X-quang phổi. Chụp cộng hưởng từ (MRI 1.5 Tesla, MRI 3 Tesla) để khảo sát mạch máu não là phương pháp hiện đại và có giá trị cao, rất cần thiết.

Đồng thời cần áp dụng chế độ sinh hoạt, ăn uống, vận động có lợi. Bỏ thuốc lá, rượu bia và tập thể dục hàng ngày là cần thiết.

Người có những triệu chứng nhẹ phải kiểm tra định kỳ hoặc khi cơ thể có những rối loạn bất thường. Với những người có nguy cơ đột quỵ cao, cần được chỉ định một liệu trình theo dõi thích hợp. Các mốc thời gian cần  kiểm tra lại là trong vòng 3 tháng, 6 tháng, 1 năm tùy vào tình trạng của bệnh nhân.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top