✴️ Hướng dẫn chuẩn chất lượng về chẩn đoán và điều trị Đục thể thủy tinh (Phần 2)

Phẫu thuật tán nhuyễn TTT đục bằng siêu âm (Phẫu thuật phaco)

Nguyên tắc chung.

Phẫu thuật tán nhuyễn TTT đục là kỹ thuật sử dụng máy phaco tạo ra hoạt động rung ở tần số siêu âm. Chính quá trình rung tại đầu phaco (phaco tip) sẽ phá vỡ nhân TTT thành dạng nhũ tương và được hút ra ngoài.

Chỉ định

Tất cả các trường hợp ĐTTT với giác mạc đủ độ trong suốt để quan sát được tiền phòng. Thận trọng khi chỉ định đối với mắt đã có sẵn tổn hại nội mô giác mạc.

Chống chỉ định

Các trường hợp đang viêm nhiễm tại mắt.

Tình trạng toàn thân chưa cho phép phẫu thuật. Thận trọng trong các trường hợp

ĐTTT tiêu, ĐTTT dạng màng, xơ.

Đục lệch TTT.

ĐTTT nhân nâu đen.

Người thực hiện

Bác sĩ chuyên khoa mắt, có chứng chỉ đào tạo phẫu thuật phaco.

Phương tiện:

Kính hiển vi phẫu thuật đồng trục.

Máy phaco và vật tư tiêu hao đi kèm.

Bộ dụng cụ phẫu thuật phaco.

TTT nhân tạo, chất nhầy.

Thuốc tiêm tê tại mắt, thuốc tê bề mặt, kháng sinh và corticosteroid.

Thuốc mê và phương tiện gây mê (nếu có chỉ định gây mê).

Thuốc giãn đồng tử, thuốc hạ nhãn áp, thuốc nhuộm bao…

Chuẩn bị người bệnh trước phẫu thuật.

Xem phần quy trình chuẩn bị bệnh nhân trước phẫu thuật.

Hồ sơ bệnh án:

Theo quy định chung.

Các bước tiến hành

Kiểm tra hồ sơ.

Đối chiếu người bệnh.

Kiểm tra tên, tuổi, giới của người bệnh.

Đối chiếu mắt phẫu thuật.

Đánh giá tình trạng trước phẫu thuật: các chỉ số sinh tồn, các bất thường khác: tiền sử dị ứng, bệnh lý toàn thân kèm theo.

Thực hiện kỹ thuật

Vô cảm

Gây tê tại chỗ: đối với người lớn, người bệnh hợp tác tốt.

Gây mê: đối với trẻ em và những trường hợp có chỉ định.

Kỹ thuật

Bộc lộ nhãn cầu, cố định cơ trực (nếu cần).

Tạo đường hầm vào tiền phòng: hiện có 3 cách:

Tạo đường hầm từ vùng rìa: đường rạch song song với vùng rìa, cách vùng rìa khoảng 1,5 mm về phía củng mạc. Dùng dao tạo đường hầm đi vào phía giác mạc, quá vùng rìa khoảng 1mm thì chọc vào tiền phòng.

Tạo đường hầm từ củng mạc: đường rạch cách vùng rìa 2-2,5mm về phía củng mạc. Đường hầm cũng đi quá vùng rìa giác mạc 1mm thì vào tiền phòng.

Tạo đường hầm từ giác mạc: dùng dao phẫu thuật phaco đi trực tiếp tại vùng giác mạc trong ở rìa. Đường hầm trong giác mạc dài khoảng 2-2,5mm.

Kích thước đường rạch tùy theo loại đầu tip phaco để sử dụng các loại dao tương ứng

Bơm dịch nhầy vào tiền phòng.

Mở đường phẫu thuật phụ bằng dao 15 độ (thường vuông góc với đường rạch chính).

Xé bao TTT: có thể xé bao bằng kim hoặc bằng kẹp phẫu tích xé bao. Đường kính xé bao từ 5,5-6mm. Trong những trường hợp khó nhìn thấy bao trước thì trước khi xé bao có thể phải nhuộm bao để nhìn rõ hơn.

Tách nhân TTT bằng nước cho đến khi xoay khối nhân được dễ dàng.

Dùng đầu phaco để tán nhuyễn nhân TTT. Các kỹ thuật thông dụng:

Kỹ thuật cắt nhân thành 4 mảnh (Divide and conquer).

Kỹ thuật bổ nhân ( Phaco chop).

Kỹ thuật giữ và bổ nhân (Stop and chop).

Dùng đầu hút hút sạch chất nhân.

Bơm dịch nhầy, sau đó đặt TTT nhân tạo vào trong túi bao

Rửa sạch chất nhầy và tái tạo tiền phòng

Kiểm tra độ kín mép phẫu thuật, có thể khâu mép mổ bằng chỉ 10-0 nếu cần

Kháng sinh và kháng viêm tại chỗ sau phẫu thuật

Băng mắt.

Theo dõi

Xem phần quy trình chăm sóc theo dõi bệnh nhân sau phẫu thuật.

Một số tai biến và xử lý

Trong phẫu thuật

Đường xé bao quá nhỏ: xé bao bổ sung.

Đường xé bao bị rách rộng ra ngoại vi: nếu chưa có nhiều kinh nghiệm thì nên chuyển sang phẫu thuật ngoài bao.

Rách bao sau trong quá trình phaco nhân: cần cân nhắc và chuyển sang phẫu thuật ngoài bao sớm nếu thấy đường rách bao rộng hơn.

Rách bao sau trong quá trình hút chất nhân: cần cắt sạch dịch kính, sau đó đặt TTT nhân tạo trên bao trước (sulcus).

Nhân TTT sa vào buồng dịch kính: không được dùng đầu phaco đưa vào buồng dịch kính để hút nhân. Cần đóng lại vết phẫu thuật và mời chuyên gia võng mạc, dịch kính tới xử lý cắt TTT và dịch kính.

Bỏng mép phẫu thuật: do đầu phaco sinh nhiệt thường làm cho mép phẫu thuật bị hở, cần khâu mép phẫu thuật bằng 1 mũi chỉ 10-0. Cần dội nước liên tục vào mép phẫu thuật trong quá trình phẫu thuật.

Sau phẫu thuật

Xem phần quy trình chăm sóc và theo dõi sau phẫu thuật

Phẫu thuật ĐTTT bằng Phaco có sử dụng Femtosecond laser

Nguyên tắc chung

Femtosecond laser là loại laser mới, với đặc điểm thời gian xung laser rất ngắn ở mức 10ˉ15 giây, cần ít năng lượng hơn để phá vỡ tổ chức, có khả năng cắt chính xác tổ chức nhãn cầu bao gồm giác mạc, bao TTT và nhân TTT, với ảnh hưởng đến tổ chức bên cạnh tối thiểu.

Chỉ định và chống chỉ định

Giống với chỉ định và chống chỉ định của phẫu thuật phaco.

Femtosecond laser được chỉ định cho những bước sau của phẫu thuật:

Mở bao trước.

Phá vỡ nhân.

Cắt 1 phần chiều dầy giác mạc điều chỉnh khúc xạ.

Tạo đường rạch cho phẫu thuật phaco.

Người thực hiện

Bác sỹ chuyên khoa mắt đã được đào tạo.

Phương tiện

Ngoài các phương tiện như của phẫu thuật phaco thì cần thêm một buồng phẫu thuật riêng với kính hiển vi phẫu thuật, máy femtosecond laser và các vật tư tiêu hao đi kèm.

Chuẩn bị bệnh nhân trước phẫu thuật:

Xem phần quy trình chuẩn bị bệnh nhân trước phẫu thuật.

Hồ sơ bệnh án

Theo quy định của Bộ Y tế.

Các bước tiến hành

Điều trị laser femtosecond được tiến hành ở phòng phẫu thuật laser sau đó người bệnh sẽ được chuyển sang phòng phẫu thuật phaco để hoàn thành các bước còn lại với máy phaco thông thường và nên tiến hành trong vòng 15 phút sau điều trị laser.

Cố định mắt phẫu thuật

Lắp bộ phận kết nối với cổng hút áp lực.

Đặt vành mi và điều chỉnh đầu người bệnh cho phù hợp.

Điều chỉnh màn hình video và kích hoạt hệ thống theo dõi focus.

Hạ cần laser cho đến khi tiếp xúc với giác mạc của người bệnh.

Bật chế độ docking và kiểm tra áp lực đè dẹt giác mạc (vùng xanh - green zone).

Kích hoạt áp lực hút (suction).

Điều chỉnh vùng rìa cân đối, đặt vị trí các đường rạch giác mạc.

Đặt vị trí đường mở bao trước.

Đo và điều chỉnh laser

Bật chế độ quét OCT.

Kiểm tra đường giới hạn trên hình ảnh OCT của bao trước (delta up and delta down) và nhấn vào nút “accept”.

Kiểm tra các đường giới hạn cắt nhân (lens linear OCT) và nhấn nút “accept”.

Kiểm tra hình ảnh OCT của đường rạch và nhấn “accept”.

Tiến hành phẫu thuật laser

Kiểm tra lần cuối tất cả các cài đặt trên màn hình và bắt đầu tiến hành điều trị laser (ấn vào pedal).

Quá trình laser kéo dài khoảng 1 phút diễn ra theo trình tự sau: cắt bao trước, cắt nhân, rạch giác mạc.

Khi kết thúc quá trình bắn laser người bệnh được chuyển đến phòng phẫu thuật phaco.

Các bước phaco sau điều trị laser

Mở đường rạch giác mạc: dùng spatula tách mở đường rạch giác mạc đã cắt trước bằng laser (chính và phụ) và đường rạch điều trị loạn thị.

Mở bao: dùng kim hoặc forcep gắp bỏ nắp bao trước.

Chia tách nhân: nhân trung tâm đã được cắt bởi laser tuy nhiên, tuy nhiên vẫn cần dùng dụng cụ để tách rời hẳn các mảnh nhân, đồng thời làm di chuyển các bóng khí trong nhân ra tiền phòng, tránh hội chứng nghẽn túi bao do khí (Capsular Block Syndrome).

Tách nước xoay nhân và tiến hành phaco nhân trung tâm như bình thường.

Rửa hút chất nhân, đặt IOL, kết thúc phẫu thuật.

Chăm sóc và theo dõi

Các biến chứng trong phẫu thuật được xử trí như trong phẫu thuật phaco.

Xem thêm quy trình chăm sóc và theo dõi sau phẫu thuật ĐTTT.

Phẫu thuật ĐTTT đối với trường hợp có bệnh mắt phối hợp

Bệnh lý tại mi mắt:

Hở mi (do liệt VII, chấn thương…), khuyết mi có thể gây hở giác mạc. Cần đánh giá thận trọng trước phẫu thuật.

Quặm do mắt hột có thể gây nhiễm trùng hoặc tổn hại giác mạc sau phẫu thuật.

Bệnh lý bán phần trước:

Sẹo giác mạc cũ: có thể cản trở phẫu thuật và ảnh hưởng đến kết quả phẫu thuật.

Các loạn dưỡng giác mạc, đặc biệt loạn dưỡng nội mô: cần được phẫu thuật bởi PTV có kinh nghiệm, với quy trình nghiêm ngặt/có thể phẫu thuật phối hợp ghép giác mạc.

Các tổn thương giác mạc cấp tính khác cần được theo dõi điều trị tới khi bệnh ổn định.

Hội chứng khô mắt: cần theo dõi tình trạng vết phẫu thuật và bổ sung nước mắt nhân tạo.

Viễn thị: tiền phòng hẹp cần PTV giàu kinh nghiệm, có thể cải thiện thị lực ít.

Cận thị nặng: dây Zinn yếu, nhân cứng, cần khám võng mạc trước (tổn hại võng mạc do cận thị).

Nên xem xét phẫu thuật những mắt có đặt IOL < 12 D và >24 D là PT đặc biệt.

Giả bong bao TTT (Pseudoexfoliation); rung rinh TTT (Phacodonesis). Hai trường hợp này có dây Zinn yếu, cần thận trọng khi phẫu thuật.

Lệch TTT/Sa TTT vào buồng dịch kính (Subluxated lens/dislocated lens)

ĐTTT chấn thương: có thể đứt dây Zinn, rách bao. Có thể kèm theo tổn thương phối hợp hoặc dị vật nội nhãn.

ĐTTT sau viêm màng bồ đào (Uveitis cataract): gây dính đồng tử, có thể phát động phản ứng viêm sau PT.

ĐTTT chóp sau (Polar cataract): cần PTV có nhiều kinh nghiệm và máy cắt dịch kính.

Các mắt ĐTTT đã có tiền sử phẫu thuật.

Mắt cận thị đã mổ lasik.

Glôcôm.

Đã phẫu thuật dịch kính võng mạc.

Ghép giác mạc…

Bệnh lý bán phần sau:

Phù hoàng điểm do ĐTĐ.

Bệnh võng mạc ĐTĐ.

Thoái hóa hoàng điểm tuổi già/tân mạch hắc mạc.

Tắc động mạch/tĩnh mạch võng mạc.

Viêm màng bồ đào sau ổn định.

Các bệnh lý võng mạc phối hợp khác (màng trước võng mạc, lỗ hoàng điểm, bong võng mạc, xuất huyết dịch kính…).

Trên các trường hợp đã có phẫu thuật trước đó ( sau PT khúc xạ, ghép GM, Glocom, PT DK VM…)

Quy trình phẫu thuật cho các trường hợp đặc biệt được trình bày trong phụ lục 8

 

PHẦN D: QUY TRÌNH THEO DÕI CHĂM SÓC SAU PHẪU THUẬT ĐỤC THỂ THỦY TINH

Nguyên tắc chung.

Người bệnh được hướng dẫn đầy đủ và thực hiện tốt các yêu cầu về chăm sóc mắt sau phẫu thuật. Đảm bảo người bệnh hồi phục giải phẫu và chức năng tốt sau phẫu thuật. Khám phát hiện và xử trí kịp thời các biến chứng có thể xảy ra sau phẫu thuật.

Người thực hiện:

Bác sỹ nhãn khoa và nhân viên y tế.

Thuốc sau phẫu thuật

Kháng sinh:

Dùng thuốc nhỏ kháng sinh phổ rộng 4-6 lần/ngày trong 1 tuần. Trong trường hợp cần thiết có thể sử dụng kéo dài hơn tùy theo diễn biến lâm sàng.

Kháng sinh toàn thân được sử dụng theo chỉ định của bác sỹ.

Chống viêm:

Có thể dùng phối hợp cả corticosteroid và kháng viêm không có steroid (NSAID).

Corticosteroid (Betnesol/Dexamethasone/Prednisolone…): khuyến cáo dùng thuốc tra 4 lần/ngày trong vòng 4 - 6 tuần. Tuy nhiên liều lượng, cách dùng, đường dùng cần điều chỉnh phụ thuộc vào đáp ứng trên lâm sàng và tình huống cụ thể. Một số trường hợp cần dùng tăng cường như: phản ứng viêm rầm rộ, viêm màng bồ đào nội sinh, sót chất nhân. Có thể dùng đường uống hoặc tiêm theo chỉ định của bác sỹ.

Thuốc chống viêm Non-Steroid (NSAID): thuốc tra tại mắt ngoài tác dụng chống viêm còn làm giảm nguy cơ của phù hoàng điểm dạng nang.

Các điều trị khác:

Tùy từng trường hợp có thể dùng giãn đồng tử chống dính, liệt điều tiết, giảm đau và hạ nhãn áp, dinh dưỡng giác mạc, giảm phù, nâng cao thể trạng….

Có thể dùng mỡ kháng sinh phối hợp corticosteroid lúc ngủ để tăng cường hiệu quả điều trị.

Đối với những người bệnh có bệnh lý toàn thân thì điều trị tùy theo từng trường hợp cụ thể.

Các điều cần lưu ý sau phẫu thuật:

Người bệnh khi ra viện ngoài giấy ra viện cần được phát phiếu căn dặn các điều lưu ý sau phẫu thuật như sau:

Cách nhỏ thuốc đúng quy cách.

Khám lại ngay nếu có bất kỳ các vấn đề nào sau đây: đỏ mắt, giảm thị lực, ra dử mắt hoặc đau trong mắt.

Giữ gìn vệ sinh mắt sạch sẽ.

Việc đeo băng mắt hoặc tấm chắn cứng, kính bảo vệ… tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ (nếu phẫu thuật gây tê tại chỗ nên đeo trong vòng 24h do chức năng mi và vận nhãn còn bị giới hạn. Nếu phẫu thuật gây tê bề mặt thì có thể không cần thiết).

Có thể đeo kính râm và tránh ánh sáng mạnh.

Không rửa mắt bằng nước sinh hoạt trong vòng 1 tuần. Gội đầu nên ở tư thế ngửa có người giúp tránh nước chảy vào mắt. Không được đi bơi trong vòng 4 tuần.

Tránh không lái xe trong vòng 2 tuần đầu. Nên hỏi ý kiến bác sĩ khi muốn lái xe trở lại.

Lịch khám lại:

Thông thường có 3 thời điểm cần khám lại bệnh nhân sau phẫu thuật là: 1 ngày, 1 tuần và 1 tháng. Đối với những trường hợp có diễn biến bất thường, tái khám theo chỉ định của bác sỹ.

1 ngày: kiểm tra các biến chứng sớm sau phẫu thuật như vết phẫu thuật, tình trạng giác mạc, tình trạng IOL, phản ứng viêm ở tiền phòng. Đặc biệt lưu ý kiểm tra nhãn áp vì đây là biến chứng tương đối hay gặp (nhãn áp có thể cao do nhiều nguyên nhân hoặc thấp do hở mép phẫu thuật).

1 tuần: kiểm tra thị lực, nhãn áp, kiểm tra biến chứng sau phẫu thuật. Cần lưu ý rằng nhiễm trùng nội nhãn thường xuất hiện ở giai đoạn trong vòng 1 tuần sau phẫu thuật và người bệnh cần khám lại cấp cứu nếu thấy đỏ mắt, đau nhức, ra dử/ghèn màu vàng hoặc giảm thị lực.

1 tháng: đánh giá tình trạng khúc xạ sau phẫu thuật, cấp đơn kính nếu cần. Cần khám đáy mắt có nhỏ giãn để phát hiện các tổn thương của đáy mắt như: phù hoàng điểm dạng nang, rách võng mạc, bệnh võng mạc đái tháo đường...

Các biến chứng có thể gặp sau phẫu thuật và hướng xử trí

Xuất huyết tiền phòng: điều trị tiêu máu, giãn đồng tử, hạ nhãn áp, uống nhiều nước, hạn chế vận động.

Phù nề giác mạc: điều trị giảm phù nề bằng tra dung dịch ưu trương (nước muối 5%, corticosteroid).

Viêm màng bồ đào: chống viêm bằng kháng sinh và corticosteroid, giãn đồng tử.

Tăng nhãn áp: hạ nhãn áp bằng thuốc hoặc phẫu thuật.

Xẹp tiền phòng: xử lý theo nguyên nhân :

Nếu mép phẫu thuật kín: băng ép, uống nhiều nước.

Nếu rò mép phẫu thuật: khâu lại mép phẫu thuật và tái tạo tiền phòng.

Bong hắc mạc: tra Atropin 1%, điều trị chống viêm, hạ nhãn áp. Nếu sau 1 tuần tiền phòng không tái tạo thì tháo dịch hắc mạc, tái tạo tiền phòng

Viêm mủ nội nhãn:

Điều trị viêm nội nhãn tích cực: dùng kháng sinh tại chỗ và kháng sinh toàn thân ngay sau khi có chẩn đoán.

Chọc hút dịch kính lấy bệnh phẩm làm xét nghiệm khi có điều kiện.

Chuyển tuyến trên.

Phù hoàng điểm dạng nang: kháng viêm Non-steroids tại chỗ có thể kéo dài đến 6 tháng, corticosteroid tại chỗ và toàn thân.

Bong võng mạc: phẫu thuật bong võng mạc.

 

PHẦN E : CÁC TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG

Bộ tiêu chuẩn chất lượng (quality control/assurance manual) là những khái niệm cụ thể giúp các bên liên quan với dịch vụ hiểu được rõ quy trình, đối chiếu và tuân theo để đảm bảo chất lượng của dịch vụ.

Tóm tắt các tiêu chuẩn chất lượng lâm sàng

Tiêu chuẩn 1:

Người bệnh ĐTTT được tư vấn đầy đủ về tình trạng bệnh lý và tiên lượng sau phẫu thuật; chăm sóc trước và sau phẫu thuật.

Tiêu chuẩn 2:

Người bệnh ĐTTT có kèm theo bệnh mắt khác được bác sỹ giải thích rõ tiên lượng sau phẫu thuật và có hướng xử lý phù hợp.

Tiêu chuẩn 3:

Người bệnh phẫu thuật ĐTTT được kiểm tra và xác nhận rõ mắt phẫu thuật, công suất TTT nhân tạo được sử dụng, tư vấn và lựa chọn loại TTT nhân tạo.

Tóm tắt các tiêu chuẩn chất lượng cơ sở y tế

Tiêu chuẩn 4:

Người bệnh ĐTTT được phẫu thuật tại cơ sở y tế có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Tiêu chuẩn 5:

Người bệnh được phẫu thuật tại cơ sở y tế có đủ các quy trình kỹ thuật liên quan đến khám, chẩn đoán, điều trị ĐTTT.

Tiêu chuẩn 6:

Người bệnh ĐTTT được phẫu thuật, điều trị tại cơ sở y tế do các nhân viên y tế đã qua đào tạo phù hợp.

Tóm tắt các tiêu chuẩn chất lượng mạng lưới cộng đồng

Tiêu chuẩn 7:

Người bệnh được khám và phát hiện sớm ĐTTT tại tuyến y tế cơ sở.

Tiêu chuẩn 8:

Người bệnh được khám, phát hiện và tư vấn để phẫu thuật kịp thời (trước khi xảy ra các biến chứng của bệnh).

Tiêu chuẩn 9:

Người dân có những hiểu biết cơ bản về bệnh ĐTTT.

 

Tiêu chuẩn chất lượng chẩn đoán và điều trị ĐTTT

Tiêu chuẩn 1: người bệnh ĐTTT được tư vấn đầy đủ về tình trạng bệnh và tiên lượng sau phẫu thuật; chăm sóc trước và sau phẫu thuật.

Ý nghĩa: người bệnh được tư vấn đầy đủ về tình trạng bệnh lý, tiên lượng trong và sau phẫu thuật; quá trình chăm sóc trước và sau phẫu thuật sẽ dễ dàng tự quyết định lựa chọn phương pháp can thiệp điều trị và tuân thủ, hợp tác tốt trong quá trình điều trị.

Thời gian tư vấn: sau khi có chỉ định phẫu thuật ĐTTT.

Nội dung tư vấn: theo bảng hướng dẫn về bệnh ĐTTT.

Trách nhiệm tư vấn

Bác sỹ

Điều dưỡng

Kỹ thuật viên

Đo lường chất lượng - cấu trúc

Có đủ tài liệu tư vấn và phát cho người bệnh.

Có giấy chấp nhận phẫu thuật và khẳng định đã được tư vấn đầy đủ và hiểu về tình trạng bệnh lý, tiên lượng trong và sau phẫu thuật.

Có văn bản quy định hướng dẫn quy trình tư vấn cho người bệnh ĐTTT.

Có nhân viên y tế tham gia trong quy trình tư vấn cho người bệnh.

Phân công trách nhiệm và nội dung tư vấn tương ứng phù hợp của mỗi đối tượng cho người bệnh.

Quy định địa điểm tư vấn cho người bệnh.

Quy định về thời gian tối thiểu tư vấn cho người bệnh.

Đo lường chất lượng - quá trình và kết quả

Đánh giá tỷ lệ người bệnh hoặc người nhà người bệnh được tư vấn đầy đủ.

Tử số: số người bệnh ĐTTT đến khám hoặc người nhà được hỏi và khẳng định được tư vấn đầy đủ.

Mẫu số: tổng số người bệnh ĐTTT đến khám được hỏi.

Tỷ lệ người bệnh chấp nhận phẫu thuật sau tư vấn

Tử số: số người bệnh có chỉ định phẫu thuật ĐTTT và cam kết phẫu thuật.

Mẫu số: tổng số người bệnh được tư vấn.

Tỷ lệ người bệnh tuân thủ quy trình khám chữa bệnh theo hướng dẫn của bệnh viện.

Tử số: chỉ số người bệnh tuân thủ đúng quy trình phẫu thuật ĐTTT: trước phẫu thuật, trong phẫu thuật, sau phẫu thuật.

Mẫu số: tổng số người bệnh được phẫu thuật TTT.

Trách nhiệm thực hiện

Bộ Y tế: chỉ đạo các Sở Y tế, các cơ sở trực thuộc Bộ Y tế, Bộ Ngành tăng cường giáo dục tuyên truyền người bệnh để tuân theo hướng dẫn điều trị và yêu cầu của bác sỹ.

Sở Y tế: bảo đảm các cơ sở khám chữa bệnh tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng về hướng dẫn cho người bệnh trước, trong và sau phẫu thuật.

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:

Được cấp phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh

Tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng về hướng dẫn cho người bệnh trước, trong và sau phẫu thuật.

Người hành nghề: hướng dẫn đầy đủ và cung cấp thông tin cần thiết cho người bệnh điều trị ĐTTT.

Người bệnh hoặc người nhà biết tầm quan trọng của việc tuân thủ các yêu cầu và hướng dẫn điều trị và biết được quyền lợi, trách nhiệm khi khám chữa bệnh.

Tiêu chuẩn 2: người bệnh ĐTTT có kèm theo bệnh mắt khác được bác sỹ giải thích rõ tiên lượng sau phẫu thuật và có hướng xử lý phù hợp

Ý nghĩa: tiêu chuẩn này thể hiện vai trò của bác sỹ mắt đặc biệt trong tư vấn, giải thích cho các người bệnh có bệnh mắt khác, các trường hợp phức tạp có thể ảnh hưởng đến kết quả của phẫu thuật.

Đo lường chất lượng - cấu trúc:

Xây dựng đủ quy trình chuyên môn và quy trình kỹ thuật hướng dẫn xử lý ĐTTT có bệnh mắt khác kèm theo.

Cơ sở y tế phải có đủ hoặc liên kết với cơ sở y tế khác có đủ bác sĩ chuyên khoa sâu về các bệnh lý khác của mắt.

Bệnh viện có đủ bác sỹ chuyên khoa, trang thiết bị để xử lý các bệnh mắt khác kèm theo cho người bệnh ĐTTT.

Có tiên lượng về kết quả phẫu thuật và thị giác sau phẫu thuật được ghi trong bệnh án.

Đo lường chất lượng - quá trình và kết quả:

Được hội chẩn liên chuyên khoa, bởi các bác sĩ được đào tạo chuyên khoa sâu tương ứng.

Kiểm tra bằng chứng qua hồ sơ bệnh án, người bệnh ĐTTT có bệnh mắt khác đã được tiên lượng, ghi rõ hướng xử trí bệnh kèm theo và đồng ý phẫu thuật.

Tử số: số hồ sơ bệnh án của người bệnh phẫu thuật ĐTTT có bệnh lý mắt khác kèm theo được tiên lượng về thị giác sau phẫu thuật.

Mẫu số: tổng số hồ sơ bệnh án của người bệnh phẫu thuật ĐTTT có bệnh lý mắt khác được phẫu thuật.

Nguồn số liệu

Số ca chuyển tuyến hoặc điều trị thêm cho các bệnh mắt khác sau phẫu thuật ĐTTT.

Trách nhiệm thực hiện

Bộ Y tế: hướng dẫn để các đơn vị đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng giải thích tiên lượng và xử trí đối với người bệnh ĐTTT có bệnh mắt kèm theo, phân tuyến kỹ thuật xử trí các bệnh mắt kèm theo này trong trường hợp cần thiết.

Sở Y tế: bảo đảm các bệnh viện tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng giải thích tiên lượng và xử trí các bệnh mắt kèm theo ĐTTT và cung cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực để bệnh viện có khả năng xử trí các bệnh mắt kèm theo.

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:

Được cấp phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh

Tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng, giải thích tiên lượng và xử trí các bệnh mắt kèm theo ĐTTT và trang bị đủ trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, nhân lực thực hiện kỹ thuật điều trị ĐTTT có kèm theo bệnh mắt khác.

Người hành nghề: giải thích tiên lượng thị giác và biết cách hướng dẫn, xử trí các bệnh mắt kèm theo cho người bệnh ĐTTT.

Người bệnh hoặc người nhà được giải thích đầy đủ và rõ ràng tiên lượng thị giác khi có bệnh mắt kèm theo và tuân thủ theo hướng dẫn điều trị.

 

Xem tiếp

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top