✴️ Viêm khớp ngón chân và 5 dấu hiệu nhận biết của bệnh

1. Dấu hiệu nhận biết khi viêm khớp ở ngón chân

1.1. Đau khớp – triệu chứng thường gặp của viêm khớp ngón chân

Khớp ngón chân là một trong những khớp xương quan trọng. Nơi đây tập trung nhiều dây thần kinh và có vai trò một phần trong nâng đỡ cơ thể. Khi khớp này bị viêm thì biểu hiện dễ nhận ra nhất là người bệnh cảm thấy đau nhức, vô cùng khó chịu. Có thể cảm thấy đau nhức tại các ngón chân hoặc chỉ ở một ngón chân cái.

Đau nhức khớp ở vị trí ngón chân là dấu hiệu phổ biến nhất

Khi di chuyển, cảm giác đau nhức càng nặng nề hơn. Nhiều người ví như có vật sắc nhọn đâm vào các ngón chân. Do đó, việc cử động, di chuyển trở nên khó khăn hơn bao giờ hết

 

1.2. Cảm giác cứng khớp rõ rệt

Cứng khớp cũng là triệu chứng phổ biến ở viêm khớp ngón chân. Nếu tình trạng viêm không cải thiện, theo thời gian sẽ làm mòn dần các sụn khớp. Đồng thời làm viêm các mô và tổn thương dịch khớp. Khi đó, khớp ở ngón chân bị cứng lại, tê bì và kém linh hoạt hơn.

Cứng khớp xảy ra khiến cho ngón chân mất khả năng gập và duỗi như bình thường. Nếu đi lại, cơ thể khó đứng vững do không có lực cân bằng và dễ bị ngã.

 

1.3. Ngón chân bị sưng và nóng ran ở bàn chân

Khi khớp bị viêm sẽ kèm theo hiện tượng sưng ở ngón chân. Trạng thái ngón chân bắt đầu chuyển sang màu hồng đỏ và cảm thấy nóng khi chạm vào. Hiện tượng này xuất hiện khi ngồi một lúc lâu hoặc khi mới thức dậy vào buổi sáng.

Ngoài ra người bệnh có thể cảm thấy nóng ran lan rộng cả ở bàn chân. Vì viêm khiến cơ thể vận chuyển nhiều máu tới bàn chân hơn nên mới có hiện tượng này.

 

1.4. Thay đổi hình dạng và có tiếng răng rắc

Ngón chân trở nên sưng to và biến đổi hình dạng so với trước đây. Đây là biểu hiện nhận biết tiếp theo ở người bị viêm khớp ngón chân. Khi sụn mỏng dần và các xương tiếp xúc với nhau nhiều hơn, có thể dẫn tới tình trạng lồi khớp.

Tình trạng viêm kéo dài khiến ngón chân bị biến dạng kèm theo tiếng răng rắc

Bên cạnh đó, tiếng răng rắc thi thoảng xuất hiện ở ngón chân của những người bị viêm khớp. Âm thanh này sinh ra là do sự suy giảm của sụn, miếng đệm với các khớp xương. Sụn bị bào mòn là lúc các khớp xương cọ sát với nhau hơn, vì thế mà người bệnh nghe thấy các âm thanh răng rắc.

 

1.5. Khớp khó cử động khi bị viêm khớp ngón chân

Khớp ngón chân bị sưng viêm quá mức sẽ không còn khả năng uốn cong, do vậy việc cử động trở nên khó khăn rất nhiều. Hơn nữa, ngón chân mất khả năng chống đỡ được toàn bộ cơ thể sẽ khiến người bệnh khó đứng dậy và đi lại bình thường.

Nhiều trường hợp sợ đau, sợ ngã và “ngại” vận động khớp ngón chân là nhân tố cho cơ chân bị teo nhỏ lại. Cơ khớp không được vận động lâu ngày sẽ trở nên bé hơn so với chân còn lại không bị viêm khớp.

 

2. Nguyên nhân do đâu?

Nguyên nhân chính khiến cho ngón chân bị viêm khớp bao gồm:

– Gãy xương ngón chân do chấn thương từ chạy bộ, ngã xe, vật nặng rơi vào chân,… Nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn tới thương tật vĩnh viễn. Hoặc điều trị sai cách cũng khiến các ngón chân mất khả năng cử động.

– Do thoái hóa khớp, xảy ra bắt đầu từ độ tuổi 40 trở đi. Quá trình thoái hóa không chỉ làm ảnh hưởng tới vùng đầu gối, lưng, hông,…mà còn ảnh hưởng nhiều tới khớp ngón chân.

– Do bệnh Gout, với biểu hiện là sưng đỏ và nóng rát các khớp ngón chân, ngón tay, đầu gối. Quá trình lắng đọng các tinh thể urat làm biến dạng các khớp xương gây ra đau nhức.

Bệnh gout là một trong những nguyên nhân gây viêm khớp ở ngón chân

– Thói quen “lười vận động” – một thói quen của rất nhiều người hiện nay. Sở thích nằm nhiều, ngồi nhiều khiến cho dịch khớp, sụn khớp bị rối loạn, không được điều tiết nên làm tổn thương các khớp xương khi vận động.

– Người thừa cân, béo phì cũng là một trong những lý do gây viêm khớp ngón chân. Sức nặng của cơ thể sẽ gây áp lực trực tiếp lên các xương khớp bàn chân và ngón chân, từ đó dễ dẫn đến tổn thương khớp tại 2 vị trí này.

 

3. Điều trị bằng cách nào

Để cải thiện triệu chứng đau nhức ở các khớp ngón chân, người bệnh nên tới cơ sở y tế thăm khám và kiểm tra. Qua khai thác lịch sử triệu chứng và khám lâm sàng, cận lâm sàng thì bác sĩ sẽ chẩn đoán mức độ viêm thuộc giai đoạn nặng hay nhẹ. Tùy vào từng trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định phương thức điều trị phù hợp nhất. Hiện nay, phương pháp điều trị hiệu quả đối với bệnh lý này gồm:

– Điều trị bằng thuốc: các loại thuốc giảm đau, thuốc chống viêm nhằm giảm cơn đau nhức tạm thời.

– Điều trị bằng phẫu thuật: áp dụng ở trường hợp tổn thương nặng, không đỡ dù đã điều trị bằng thuốc. Với 3 loại phẫu thuật chính là cắt bỏ u xương, phẫu thuật hàn cứng khớp và thay khớp.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần kết hợp với chế độ dinh dưỡng giàu canxi và vitamin D nhằm tăng cường sức khỏe cho xương khớp. Hơn nữa, trong quá trình điều trị, người bệnh cũng nên chú ý đến việc nghỉ ngơi, luyện tập những bài tập nhẹ nhàng giúp nhanh chóng phục hồi.

Trên đây là 5 dấu hiệu nhận biết ở người bị viêm khớp ngón chân. Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin bổ ích cho bạn và chủ động bảo vệ sức khỏe xương khớp của mình nhé

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top