PHÂN LOẠI CÁC BỆNH TÂM THẦN

Phân loại bệnh tâm thần là vấn đề quan trọng. Hiện trên thế giới đang áp dụng song song 2 hệ thống phân loại độc lập với nhau. Đó là bảng phân loại bệnh của Tổ chức Y tế Thế giới (ICD 10) năm 1992 và bảng phân loại bệnh của Hội Tâm thần học Mỹ (DSM -5) năm 2014. Nhìn chung, hai hệ thống phân loại này tuy có một số khác biệt nhưng không mâu thuẫn với nhau. Ở Việt Nam, bảng phân loại bệnh của Tổ chức Y tế Thế giới ICD 10 được sử dụng chính thức trong Ngành Tâm thần.

Theo ICD-10, các rối loạn tâm thần được xếp vào phần F từ F00-F99.

F00-F09: Các rối loạn tâm thần thực tổn bao gồm cả rối loạn tâm thần triệu chứng.

F10-F19: Các rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng các chất tác động tâm thần.

F20-F29: Bệnh TTPL, các rối loạn loại phân liệt và các rối loạn hoang tưởng.

F30-F39: Rối loạn khí sắc (cảm xúc).

F40-F48: Các rối loạn bệnh tâm căn có liên quan đến stress và dạng cơ thể.

F50-F59: Các hội chứng hành vi kết hợp với các rối loạn sinh lý và các nhân tố cơ thể.

F60-F69: Các rối loạn nhân cách và hành vi ở người thành niên.

F70-F79: Chậm phát triển tâm thần.

F80-F89: Các rối loạn về phát triển tâm lý.

F90-F98: Các rối loạn hành vi và cảm xúc thường khởi phát ở tuổi trẻ em và thanh thiếu niên.

F99: Rối loạn tâm thần không biệt định khác: mục này không khuyến khích, chỉ dùng khi không thể sử dụng một mã số nào khác từ F00-F98.

 

Sự phát triển của Tâm thần học ở Việt Nam

Tuệ Tĩnh (thế kỷ thứ XVII) đã nghiên cứu các bệnh thuộc tâm, các chứng mất ngủ, điên cuồng, kém trí nhớ. Ông đã có những khái niệm phân biệt điên và cuồng, điên là vui, cười, nói năng rối loạn, do tâm huyết không đủ mà phát ra nên điều trị bằng an thần dưỡng huyết và cuồng là nói sai, làm sai, không còn lí trí, làm càn do đàm hoả thịnh mà phát ra, nên điều trị bằng thanh hỏa hạ đàm, lợi đại tiện, không ăn no. Ông đã dùng thuốc nam, cây cỏ để trị các bệnh lo sợ, bực tức, cuồng nhiệt, cười nói vô cớ, nói về ma quỉ,…

Hải Thượng Lãn Ông (thế kỷ thứ XVIII) đã luận bàn về y lý, về tâm và thần, về phương pháp tiết dục, về phương pháp an thần bổ tâm, an thần dưỡng tâm. Ông đã sử dụng tình chí để chữa cho những người thất tình.

Cũng do ảnh hưởng của tôn giáo và phong kiến nên tổ tiên ta cũng không tránh khỏi những quan điểm duy tâm thần bí về bệnh tâm thần. Quan niệm cho bệnh nhân tâm thần là do ma quỉ, do âm khí, do tà thuật, nên chữa bằng cúng bái, tế lễ, lên đồng, uống tàn hương, nước thải, đánh bằng roi dâu, tạt nước tiểu vào mặt,… Rất tiếc, cho đến nay ở một số địa phương vẫn tồn tại những hiện tượng này.

Trong thời kỳ thực dân Pháp thống trị, việc điều trị bệnh tâm thần chưa được quan tâm, môn Tâm thần học không có trong chương trình giảng dạy ở trường đại học y khoa Hà Nội. Đến  năm 1915, nhà thương “điên” Biên Hoà mới được thành lập, tiếp đến năm 1936, nhà thương “điên” Vôi, Bắc Giang với 400 giường bệnh chủ yếu để quản lí bệnh nhân tâm thần.

Từ năm 1954, nhất là từ khi nước nhà thống đến nay, Đảng và Chính phủ đã quan tâm xây dựng và cải tạo nhiều cơ sở tâm thần trở thành các bệnh viện tâm thần ở trung ương và tuyến tỉnh, hệ thống tổ chức cứu chữa bệnh nhân tâm thần ngày càng được củng cố và phát triển.

return to top