✴️ Viêm khớp nhiễm trùng

Viêm khớp nhiễm trùng thường do vi khuẩn gây ra, bệnh còn có thể bị gây ra do virus hoặc nấm. Bệnh là tình trạng viêm xảy ra do nhiễm trùng ở tại một khớp. Thường thì viêm khớp nhiễm trùng gây ảnh hưởng đến một khớp lớn ở trong cơ thể, ví dụ như khớp gối hay hông. Tình trạng viêm khớp nhiễm trùng gây ảnh hưởng đến nhiều khớp thì ít gặp hơn.

Nguyên nhân

Viêm khớp nhiễm trùng thường do vi khuẩn lây lan qua dòng máu đến từ một vị trí khác trên cơ thể. Bệnh cũng có thể do nhiễm trùng vi khuẩn từ một vết thương hở hay một vết mổ hở gây ra, ví dụ như phẫu thuật tại đầu gối.

Ở người trưởng thành và trẻ em, vi khuẩn gây viêm khớp nhiễm trùng thường gặp nhất là staphylococcus và streptococcus. Ở những người trưởng thành có sinh hoạt tình dục thì neisseria gonorrhoeae là nguyên nhân gây bệnh thường gặp nhất. Những vi khuẩn này xâm nhập vào dòng máu và gây nhiễm trùng tại khớp, khiến cho khớp viêm và đau.

Các nguyên nhân khác như virus hay nấm cũng có thể gây viêm khớp. Các virus có thể gặp:

  • Virus viêm gan A, B, C
  • Parvovius B19
  • HIV
  • HTLV-1
  • Adenovirus
  • Coxsackie virus
  • Quai bị
  • Alphavirus
  • Flavivirus

Các loại nấm có thể gây viêm khớp bao gồm histoplasma, coccidiomyces và blastomyces. Các nguyên nhân này thường sẽ diễn tiến chậm hơn là viêm khớp do vi khuẩn.

Đối tượng nguy cơ cao

Trẻ nhỏ và người cao tuổi có nguy cơ bị viêm khớp nhiễm trùng cao nhất. Những bệnh nhân có vết thương hở cũng có yếu tố nguy cơ cao bị viêm khớp nhiễm trùng. Ngoài ra, các bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu và có các yếu tố nền khác như ung thư, đái tháo đường, lạm dụng thuốc qua đường tĩnh mạch, và các bệnh suy giảm miễn dịch cũng có nguy cơ mắc phải viêm khớp nhiễm trùng cao. Các tổn thương cũ tại vùng khớp cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp nhiễm trùng.

Đối tượng nguy cơ cao

Triệu chứng

Các triệu chứng của viêm khớp nhiễm trùng thường xuất hiện rất nhanh chóng với đau nhiều, sưng khớp và sốt. Các triệu chứng sau cũng có thể gặp:

  • Ớn lạnh
  • Mệt mỏi, kiệt sức
  • Sốt
  • Bất động một chi do nhiễm trùng khớp
  • Đau nhiều tại khớp bị tổn thường, đặc biệt là đau khi cử động
  • Sưng phù (do tăng dịch nội khớp)
  • Ấm (khớp bị đỏ, ấm khi chạm vào do tăng lượng máu đến khớp)

Chẩn đoán

Thủ thuật chọc dò dịch khớp sẽ được sử dụng để có được chẩn đoán chính xác. Thủ thuật này sử dụng kim chọc vào trong khớp để hút dịch khớp. Thông thường thì dịch khớp sẽ vô trùng và có chức năng giống như một chất bôi trơn.

Dịch khớp sau khi được rút ra sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm. Lượng bạch cầu trong dịch sẽ được đếm, thường sẽ có số lượng rất cao. Phòng thí nghiệm thường cũng sẽ thực hiện nuôi cấy vi khuẩn để giúp cho bác sĩ xác định được có tình trạng nhiễm trùng hay không và do vi sinh vật nào gây ra.

Xquang cũng sẽ được thực hiện để khảo sát tổn thương của khớp. MRI-scan nhạy trong việc đánh giá sự phá hủy tại khớp nhưng thường không hiệu quả trong những giai đoạn sớm. Xét nghiệm máu cũng có thể phát hiện và theo dõi viêm.

Điều trị viêm khớp nhiễm trùng

Các biện pháp điều trị bao gồm sự kết hợp giữa các kháng sinh mạnh và chọc hút dịch khớp viêm. Thường thì kháng sinh sẽ được dùng ngay để đề phòng sự lan tỏa của nhiễm trùng. Kháng sinh được truyền qua đường tĩnh mạch và thường thì bệnh nhân sẽ được nhập viện để theo dõi trong thời gian đầu. Việc điều trị sẽ được tiếp tục tại nhà hoặc tại một cơ sở chăm sóc y tế dịch vụ khác.

Ban đầu, kháng sinh phổ rộng sẽ được dùng để có thể bao phủ được nhiều loại nhiễm trùng. Nếu như đã định danh được vi khuẩn thì kháng sinh đặc trị cho vi khuẩn đó sẽ được sử dụng. Thời gian điều trị kháng sinh có thể kéo dài từ bốn đến sáu tuần để có thể chắc chắn loại trừ hoàn toàn các tác nhân nhiễm trùng.

Chọc hút dịch khớp nhiễm trùng

Việc chọc hút dịch tại vùng nhiễm trùng có vai trò rất quan trọng trong việc làm sạch nhiễm trùng. Thủ thuật chọc hút sử dụng kim và ống tiêm. Thường thì chọc hút được thực hiện mỗi ngày hoặc thực hiện cùng với các thủ thuật khác. Phương pháp chọc hút chính xác phụ thuộc vào vị trí của khớp.

Thủ thuật nội soi khớp có thể giúp rửa khớp và làm sạch các mô nhiễm trùng. Nếu như việc hút dịch không thể được thực hiện thông qua chọc hút hay nội soi khớp thì có thể sẽ cần phải thực hiện phẫu thuật để lấy dịch ra. Nếu như dịch tích tụ ở lượng lớn thì ống dẫn lưu sẽ được đặt để có thể tiếp tục lấy lượng dịch tích tụ lại sau khi phẫu thuật ra.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top