✴️ Xử trí đau cấp tính

Nội dung

Theo định nghĩa, đau cấp tính là sự khó chịu tự giới hạn, thường kéo dài từ vài phút đến vài tuần nhưng dưới 3- 6 tháng. Nó liên quan đến tổn thương mô mềm hoặc xương, và có thể được phân loại thành tự phát hoặc sau chấn thương, với chấn thương theo kế hoạch (phẫu thuật) hoặc không theo kế hoạch (chấn thương đột ngột). Khi các mô bị thương lành, cơn đau cấp tính dần dần được giải quyết. Cơn đau khác nhau về mức độ từ nhẹ đến nặng. Một số phương pháp điều trị, chẳng hạn các thuốc opioid, được dành riêng cho những cơn đau nghiêm trọng hơn. 

 

Các loại đau cấp tính
Đau cấp tính có thể thay đổi đáng kể, được phân loại thành 2 loại chính: đau tự phát/ chấn thương và đau do thủ thuật điều trị/ đau sau can thiệp


– Đau tự phát/ chấn thương
Các tình trạng đau nhẹ gồm đau đầu, nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc đau lưng do làm việc có thể tự điều trị bằng liệu pháp RICE (rest-ice-compression-elevation), nghĩa là nghỉ ngơi – chườm lạnh – băng bó – kê cao, và thuốc giảm đau không kê đơn. Các tình trạng đau vừa phải bao gồm bong gân, căng dây chằng, vết rách sâu hoặc gãy xương đơn giản có thể cần các biện pháp can thiệp như phẫu thuật ngoại khoa nhỏ hoặc nẹp, nhưng thường được điều trị bằng thuốc chống viêm không steroid (NSAID), acetaminophen và liệu pháp RICE.

– Đau do thủ thuật điều trị/ đau sau can thiệp

Các thủ thuật thông thường, bao gồm tiêm chủng, mở tĩnh mạch hoặc đặt ống thông có xu hướng dẫn đến đau cấp tính nhẹ thường được giảm bớt bằng cách sử dụng thuốc bôi lidocain/prilocaine (EMLA), lidocaine, nước đá hoặc thiết bị như Buzzy (kết hợp dùng đá và máy rung). Các thủ thuật đau vừa phải bao gồm phẫu thuật nha khoa trong ngày, phẫu thuật nội soi hoặc liên quan. Loại đau này có thể được kiểm soát bằng thuốc giảm đau như các NSAID và acetaminophen.

 

ĐIỀU TRỊ
Điều trị bằng nhiều phương pháp là rất quan trọng để giảm đau một cách tối ưu bởi các phương pháp khác nhau có thể bổ sung/ kết hợp cho nhau. Bên cạnh đó còn có thể làm giảm nguy cơ gặp tác dụng phụ. Các điều trị đa phương pháp cơ bản bao gồm: phong tỏa dây thần kinh hay gây tê ngoài màng cứng, thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid hay các thuốc giảm đau khác, các loại thuốc bổ trợ, phương pháp điều trị RICE, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng. Các can thiệp tâm lý như thiền hay hít thở sâu … cũng đóng vai trò quan trọng trong điều trị đa phương pháp. Bác sĩ và bệnh nhân thường quá tập trung vào việc sử dụng thuốc, trong khi thuốc chỉ là một phần trong điều trị.


THUỐC GIẢM ĐAU NHẸ
Thuốc giảm đau nhẹ bao gồm các NSAID và acetaminophen (paracetamol), các thuốc này được dùng rất phổ biến trong điều trị các cơn đau cấp tính vì hướng đến mục đích giảm tình trạng viêm tự nhiên do chấn thương. NSAID có thể dùng hiệu quả hơn thuốc giảm đau nhóm opioid và/hoặc thuốc giãn cơ trong điều trị đau thắt lưng cấp tính. Các NSAID cũng hiệu quả trong giảm sưng/đau do căng cơ/ bong gân. Trong một nghiên cứu trên các bệnh nhân từng trải qua các ca phẫu thuật chỉnh hình, NSAID đã mang đến nhiều lợi ích như: bệnh nhân cần ít thuốc giảm đau hơn và ít gặp tác dụng bất lợi hơn so với bệnh nhân dùng placebo hoặc hydrocodone/acetaminophen.
Tất nhiên sử dụng thuốc giảm đau cũng có những lưu ý. Acetaminophen nên tránh dùng khi bệnh nhân sử dụng đồ uống có cồn hay người có bệnh lý về gan. Bệnh nhân có bệnh lý động mạch vành, đột quỵ, bệnh liên quan đến thận, loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản (GERD), hoặc có rối loạn chảy máu không nên sử dụng NSAIDs. Tuy nhiên cũng có những ngoại lệ: các NSAID ức chế chọn lọc COX-2 như celecoxib (Celebrex) được sử dụng trong lĩnh vực phẫu thuật vì nó không ảnh hưởng đến chức năng của tiểu cầu hay trực tiếp làm tăng nguy cơ chảy máu (tất cả các chống chỉ định khác được áp dụng).


THUỐC GIẢM ĐAU TẠI CHỖ
Menthol, camphor, methyl salicylate, hay sự kết hợp các hợp chất này sẽ hiệu quả trong giảm đau do chấn thương cơ xương khớp cục bộ, tốt nhất dùng bằng cách xoa bóp tại vùng đau. Miễn là vùng da còn nguyên vẹn, thuốc giảm đau tại chỗ giúp rút ngắn thời gian đau của cơ tổn thương. Hiện nay đã có nhiều sản phẩm không đắt tiền và có sẵn ở nhà thuốc. Tuy nhiên, các thuốc này thường sử dụng nhiều lần trong ngày theo hướng dẫn và một số sản phẩm có mùi khó chịu khi dùng.
Lidocaine hay lidocaine/prilocaine có hiệu quả trong gây tê tại chỗ trước khi đặt ống thông tĩnh mạch hay mở tĩnh mạch. Chỉ định này cần kê đơn và được làm ít nhất 15-30 phút trước khi tiến hành thủ thuật. Thuốc NSAID tại chỗ gồm miếng dán hay gel diclofenac cũng giúp giảm đau tốt, nhưng nói chung ít hiệu quả, đặc biệt trên người cao tuổi. Các chỉ định này cũng cần kê đơn

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top