Tên chung quốc tế: Bromhexine hydrochloride
Mã ATC: R05C B02
Loại thuốc: Thuốc tiêu đờm (thuốc long đờm)
Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nén 4 mg và 8 mg.
Lọ 60 ml và 150 ml dung dịch uống 0,2% (1 ml có 2 mg, 1 thìa cà phê 5 ml có 10 mg).
Lọ 30 ml và 60 ml cồn ngọt (elixir) 0,08% (1 thìa cà phê 5 ml có 4 mg).
Ống tiêm 2 ml có 4 mg (dung dịch 0,2%).
Có một số chế phẩm phối hợp bromhexin với thuốc kháng khuẩn, thuốc long đờm, dưới dạng viên nén, sirô hoặc dung dịch uống.
Dược lý và cơ chế tác dụng
Bromhexin hydroclorid là chất điều hoà và tiêu nhầy đường hô hấp. Do hoạt hoá sự tổng hợp sialomucin và phá vỡ các sợi mucopolysaccharid acid nên thuốc làm đờm lỏng hơn và ít quánh hơn. Thuốc làm long đờm dễ dàng hơn, nên làm đờm từ phế quản thoát ra ngoài có hiệu quả.
Khi uống, thường phải sau 2 - 3 ngày mới có biểu hiện tác dụng trên lâm sàng; nhưng nếu tiêm, chỉ sau khoảng 15 phút.
Dược động học:
Bromhexin hydroclorid hấp thu nhanh qua đường tiêu hoá và bị chuyển hoá bước đầu ở gan rất mạnh, nên sinh khả dụng khi uống chỉ đạt 20 – 25%. Thức ăn làm tăng sinh khả dụng của bromhexin hydroclorid. Nồng độ đỉnh trong huyết tương, ở người tình nguyện khoẻ mạnh, đạt được sau khi uống, từ nửa giờ đến 1 giờ.
Bromhexin hydroclorid phân bố rất rộng rãi vào các mô của cơ thể. Thuốc liên kết rất mạnh (trên 95%) với protein của huyết tương. Khi tiêm tĩnh mạch, thể tích phân bố của thuốc là 7 lít/kg.
Bromhexin bị chuyển hoá chủ yếu ở gan. Đã phát hiện được ít nhất 10 chất chuyển hoá trong huyết tương, trong đó, có chất ambrosol là chất chuyển hoá vẫn còn hoạt tính. Nửa đời thải trừ của thuốc ở pha cuối là 12 - 30 giờ tuỳ theo từng cá thể, vì trong pha đầu, thuốc phân bố nhiều vào các mô của cơ thể. Bromhexin qua được hàng rào máu não, và một lượng nhỏ qua được nhau thai vào thai.
Khoảng 85 - 90% liều dùng được thải trừ qua nước tiểu, chủ yếu là dưới dạng các chất chuyển hoá, sau khi đã liên hợp với acid sulfuric hoặc acid glycuronic và một lượng nhỏ được thải trừ nguyên dạng. Bromhexin được thải trừ qua phân rất ít, chỉ khoảng dưới 4%.
Chỉ định
Rối loạn tiết dịch phế quản, nhất là trong viêm phế quản cấp tính, đợt cấp tính của viêm phế quản mạn tính.
Bromhexin thường được dùng như một chất bổ trợ với kháng sinh, khi bị nhiễm khuẩn nặng đường hô hấp.
Chống chỉ định
Mẫn cảm với bromhexin hoặc với một thành phần nào đó có trong thuốc.
Thận trọng
Trong khi dùng bromhexin cần tránh phối hợp với thuốc ho vì có nguy cơ ứ đọng đờm ở đường hô hấp.
Bromhexin, do tác dụng làm tiêu dịch nhầy, nên có thể gây huỷ hoại hàng rào niêm mạc dạ dày; vì vậy, khi dùng cho bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày phải rất thận trọng.
Cần thận trọng khi dùng cho bệnh nhân hen, vì bromhexin có thể gây co thắt phế quản ở một số người dễ mẫn cảm.
Sự thanh thải bromhexin và các chất chuyển hoá có thể bị giảm ở bệnh nhân bị suy gan hoặc suy thận nặng, nên cần phải thận trọng và theo dõi.
Cần thận trọng khi dùng bromhexin cho người cao tuổi hoặc suy nhược, quá yếu không có khả năng khạc đờm có hiệu quả do đó càng tăng ứ đờm.
Thời kỳ có thai
Chưa nghiên cứu tác dụng sinh quái thai của bromhexin ở động vật thí nghiệm. Trên người, cũng chưa có đủ tài liệu nghiên cứu; vì vậy, không khuyến cáo dùng bromhexin cho người mang thai.
Thời kỳ cho con bú
Còn chưa biết bromhexin có tiết vào sữa mẹ không. Vì vậy, không khuyến cáo dùng bromhexin cho phụ nữ nuôi con bú. Nếu cần dùng thì tốt nhất là không cho con bú.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
Tiêu hoá: Đau dạ dày, buồn nôn, nôn, ỉa chảy.
Thần kinh: Nhức đầu, chóng mặt, ra mồ hôi.
Da: Ban da, mày đay.
Hô hấp: Nguy cơ ứ dịch tiết phế quản ở bệnh nhân không có khả năng khạc đờm.
Hiếm gặp, ADR < 1/1000
Tiêu hoá: Khô miệng.
Gan: Tăng enzym transaminase AST, ALT.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Các tai biến khác thường nhẹ và qua khỏi trong quá trình điều trị (trừ co thắt phế quản khi dùng thuốc cho người bị hen xuyễn).
Liều lượng và cách dùng
Cách dùng
Viên dành cho người lớn và trẻ em trên 10 tuổi: uống với 1 cốc nước.
Dung dịch uống: Không được dùng để phun sương.
Dung dịch tiêm: Có thể tiêm bắp, tĩnh mạch chậm trong 2 - 3 phút. Dung dịch tiêm cũng có thể truyền tĩnh mạch cùng với dung dịch glucose 5%, levulose 5% hoặc dung dịch natri clorid 0,9%. Không được trộn với dung dịch kiềm vì thuốc sẽ bị kết tủa.
Liều lượng
Thuốc viên: Người lớn và trẻ em trên 10 tuổi: 8 - 16 mg/lần, ngày uống 3 lần.
Thời gian điều trị không được kéo dài quá 8 - 10 ngày nếu chưa có ý kiến thày thuốc.
Dung dịch uống:
Người lớn và trẻ em trên 10 tuổi: 10 mg/lần, ngày uống 3 lần (1 thìa cà phê 5 ml dung dịch 0,2%); 5 ml/lần, ngày uống 3 lần.
Trẻ em dưới 10 tuổi: 0,5 mg/kg/ngày chia làm 2 - 3 lần.
5 - 10 tuổi: 4 mg/lần (1 thìa cà phê elixir) ngày uống 3 lần.
2 - 5 tuổi: 2 mg/lần (1/2 thìa cà phê elixir) ngày uống 3 lần.
Dưới 2 tuổi: 1 mg/lần (1/4 thìa cà phê elixir) ngày uống 3 lần.
Thời gian điều trị không được quá 8 - 10 ngày nếu không có chỉ định của thày thuốc.
Thuốc tiêm: Dành cho những trường hợp nặng hoặc các biến chứng sau phẫu thuật.
Người lớn: 2 - 4 ống (ống 4 mg/2 ml)/ngày chia làm 2 lần.
Trẻ em: 1 - 2 ống (ống 4 mg/2 ml)/ngày chia làm 2 lần.
Tương tác thuốc
Không phối hợp với thuốc làm giảm tiết dịch (giảm cả dịch tiết khí phế quản) như các thuốc kiểu atropin (hoặc anticholinergic) vì làm giảm tác dụng của bromhexin.
Không phối hợp với các thuốc chống ho.
Dùng phối hợp bromhexin với kháng sinh (amoxicilin, cefuroxim, erythromycin, docycyclin) làm tăng nồng độ kháng sinh vào mô phổi và phế quản. Như vậy, bromhexin có thể có tác dụng như một thuốc bổ trợ trong điều trị nhiễm khuẩn hô hấp, làm tăng tác dụng của kháng sinh.
Độ ổn định và bảo quản
Bảo quản trong bao bì kín, ở nhiệt độ thường 15 - 30oC, tránh ánh sáng.
Tương kỵ
Dung dịch bromhexin hydroclorid ổn định ở pH < 6. Nếu pH > 6, thuốc bị kết tủa do giải phóng ra dạng bromhexin base. Vì vậy, không được trộn với các dung dịch kiềm, kể cả các dung dịch có pH trung tính.
Không được trộn bromhexin hydroclorid dung dịch uống, cồn ngọt hoặc dung dịch tiêm với các thuốc khác, do nguy cơ tương kỵ về hoá lý.
Quá liều
Cho đến nay, chưa thấy có báo cáo về quá liều do bromhexin. Nếu xảy ra trường hợp quá liều, cần điều trị triệu chứng và hỗ trợ.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh