✴️ Đặt catheter động mạch

I.   ĐẠI CƯƠNG

Trong quá trình hồi sức trẻ sơ sinh, bác sỹ thường cần theo dõi huyết áp  và chỉ định xét nghiệm nhiều lần, trong khi đó đo huyết áp ngoại vi ở sơ sinh khó chính xác hơn ở trẻ lớn và người lớn, và việc lấy xét nghiệm nhiều lần không những làm tăng sự đau đớn cho trẻ cũng như tốn kém hơn về nhân lực, thời gian, phương tiện y tế mà còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện. Vì vậy, đặt catheter động mạch rốn là giải pháp cho các vấn đề trên. Khi trẻ  mới ra đời, động mạch rốn chưa co hoàn toàn nên dễ đặt cathether.

 

II.   CHỈ ĐỊNH

  1. Khi cần theo dõi huyết áp động mạch liên tục.
  2. Khi cần lấy máu xét nghiệm khí máu động mạch thường xuyên.
  3. Chỉ định ít gặp hơn: Khi cần chụp mạch, khi thay máu bằng đường tĩnh mạch máu vào – động mạch máu ra , khi cần hồi sức mà không có đường  truyền khác: truyền dịch, thuốc trừ máu, thuốc co mạch,  calcium, indomethacin).

 

III.   CHỐNG CHỈ ĐỊNH

  1. Có dấu hiệu tắc mạch chi dưới hoặc vùng mông
  2. Viêm phúc mạc
  3. Viêm ruột hoại tử
  4. Viêm rốn
  5. Thoát vị rốn, thoát vị qua khe hở thành bụng

 

IV.     CHUẨN BỊ

1.   Người thực hiện

Bác sĩ thực hiện, điều dưỡng phụ giúp.

2.   Phương tiện

2.1.   Dụng cụ vô khuẩn

  • Khay dụng cụ lấy catherter động mạch và tĩnh mạch rốn gồm: săng vô khuẩn có lỗ, kìm kẹp kim, kéo/dao cắt rốn, panh có mấu và không mấu, panh cong nong động mạch, thông nòng đầu tù.
  • Kim 22 gauge, chỉ tơ 3-0, bông, gạc, cồn 700 hoặc hoặc betadine 10% hoặc cồn i-ốt, bát vô khuẩn đựng bông gạc.
  • Catheter động mạch dùng loại 3.5F cho trẻ dưới 1500gr và 5F cho trẻ  trên 1500g. Nên tránh dùng sonde nuôi ăn để đặt catheter mạch rốn vì tăng nguy cơ huyết khối.
  • Chạc ba, xy lanh 5ml, nước muối sinh lý nên có heparin 0.5- 1UI/ml để tránh huyết khối .
  • Áo choàng, mũ và khẩu trang y tế, găng vô khuẩn.
  • Hộp thuốc chống shock

2.2.   Dụng cụ sạch

  • Giường sưởi hoặc lồng ấp
  • Băng cuộn nếu cần , băng dính
  • Dụng cụ theo dõi dấu hiệu sinh tồn nhiệt độ, monitoring…
  • Dụng cụ cấp cứu: bóng, mask, dây O2, bộ đặt NKQ, ống NKQ các cỡ, sonde hút, máy hút
  • Thước dây (nếu cần)
  • Bàn để dụng cụ và xô đựng rác thải theo quy định

3.   Bệnh nhi

  • Bệnh nhi nằm trong giường sưởi hoặc lồng ấp.
  • Bệnh nhi nằm ngửa, có thể cố định tay chân trẻ
  • Sát khuẩn rốn và vùng xung quanh bằng bông tẩm cồn i-ốt.

4.   Hồ sơ bệnh án

  • Ghi đầy đủ y lệnh
  • Tính chiều dài catheter:

     + Tính nhanh chiều dài catheter ở vị trí thấp : cân nặng kg + 7 cm

        Hoặc: 2 lần khoảng cách từ rốn đến giữa nếp bẹn (cm)

     + Vị trí cao: 3x CN kg + 9 (cm)

       Chú ý: Vị trí chính xác cần kiểm tra trên phim X-quang để điều chỉnh lại vị trí catheter chỉ được rút bớt ra chứ không được đưa thêm vào .

V.   CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1.   Kiểm tra hồ sơ, bệnh án

2.   Kiểm tra người bệnh

3.   Thực hiện kỹ thuật

  • Rửa tay vô khuẩn, đội mũ, đeo khẩu trang, sau đó rửa tay vô khuẩn lại, mặc áo choàng, đi găng vô khuẩn.
  • Trải săng có lỗ lên người trẻ, bộc lộ vùng có rốn đã sát khuẩn.
  • Trải săng không lỗ lên bàn sẽ để dụng cụ. Lấy dụng cụ. Nối catheter với chạc ba. Lấy nước muối sinh lý pha heparin vào xi lanh và bơm đầy chạc ba và catheter.
  • Buộc chân rốn và thắt nhẹ 1 nút thắt  nếu rốn còn tươi để đề phòng  chảy máu, dùng dao cắt rốn theo mặt phẳng ngang cách chân rốn 0.5-1cm. Nếu có chảy máu thì thắt chân rốn chặt hơn.
  • Xác định động mạch rốn: Thông thường rốn có 1 tĩnh mạch và 2 động mạch. Tĩnh mạch thành mỏng manh, hình dẹt, thường ở phía nửa trên của mặt cắt rốn; động mạch thành dày, co tròn và thường ở vị trí 4h-7h.
  • Giữ phần thạch Wharton bằng kìm cong và nhẹ nhàng dùng panh cong để nong rộng lỗ động mạch rốn.
  • Khi động mạch rốn đã được nong rộng, đưa catheter vào động mạch rốn đến chiều dài đã tính trước. Hút thử máu thấy ra dễ dàng.
  • Cố định: Chúng tôi giới thiệu cách cố định bằng cầu băng dính và để hở chân rốn như hình dưới. Chú ý cần khâu chỉ thêm vào phần thạch Wharton vòng quanh chân catheter và buộc chặt, sau quấn chặt phần chỉ còn lại xung quanh catheter và buộc lại sẽ tránh catheter bị đưa vào sâu khi đã hoàn tất thủ thuật.
  • Chụp phim Xquang để xác định vị trí đầu catheter: từ T6-T9 nếu ở vị trí cao, từ L3-L4 nếu ở vị trí thấp.

Chú ý:

  • Tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc vô khuẩn khi làm thủ thuật, khi rút máu, khi chăm sóc.
  • Quan sát chi dưới trong quá trình đặt catheter để phát hiện sớm biến chứng tắc mạch.
  • Nên đặt catheter ở vị trí cao.
  • Lưu catheter thường không quá 7 ngày để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng. Khi rút catheter thì rút rất chậm để tránh chảy máu.
  • Để lưu catheter dùng dung dịch Natriclorid 0.9% hoặc glucose 5% có pha heparin 1UI/l.

 

VI.   TAI BIẾN – XỬ TRÍ

1.   Nhiễm trùng

Không đảm bảo vô khuẩn trong quá trình đặt và chăm sóc catheter.

Xử trí: Rút catheter ngay.

2.   Biến chứng tắc mạch

Do có cục máu đông tại chỗ hay di chuyển gây tắc mạch; tắc mạch do bóng khí, co mạch gây thiếu tưới máu chi dưới. Xử trí: Rút catheter, ủ ấm chân khi thấy chân lạnh/tím/nhợt.

3.   Chảy máu

4.   Tổn thương thành mạch

Gây chảy máu ồ ạt trong ổ bụng, thủng tạng. Mời bác sỹ ngoại khoa khẩn cấp để can thiệp cấp cứu.

5.   Viêm ruột hoại tử

Do giảm lưu lượng máu vào gan, thường do đầu catheter ở tĩnh mạch cửa.

Xử trí: rút catheter ngay.

6.   Hạ đường huyết

Đầu catheter sát động mạch thân tạng và dịch truyền qua catheter là glucose, glucose đi vào tụy, tăng sản xuất insulin. Xử trí: Rút catheter về vị trí thấp, xử trí hạ đường huyết.

7.   Tăng huyết áp

– Đầu catheter gần động mạch thận gây giảm lưu lượng máu vào động mạch thận.

– Xử trí: Rút catheter về vị trí thấp, dùng thuốc hạ huyết áp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top