✴️ Cây thồm lồm

Cây thồm lồm hay còn được gọi là cây đuôi tôm, thường mọc hoang dại rất nhiều nơi ở nước ta. Ít ai ngờ rằng, loại cây này lại có tác dụng trong điều trị bệnh, nhất là khắc phục các bệnh về da. Điển hình như các bệnh viêm da do nhiễm liên cầu khuẩn như chốc đầu, chốc mép, eczama nhiễm khuẩn.

cây thồm lồm chữa bệnh gì

Cây thồm lồm mặc dù mọc hoang dại nhưng lại được cho là có thể khắc phục tốt một số bệnh về da

  • Tên gọi khác: Lá luồm, Đuôi tôm, Hỏa mẫu thảo, Mía bẹm, Xích địa lợi, Mía mung…

  • Tên khoa học: Polygonum chinense I.

  • Họ: Rau răm (Polygonaceae).

 

Mô tả dược liệu

1. Đặc điểm thực vật

Thồm lồm là một loại cây thảo sống dai, có khi mọc bò hay leo với chiều dài khoảng 2 – 3m. Thân cây nhẵn có rãnh dọc và thường có màu đỏ nâu.

Lá hình bầu dục hoặc hơi thuôn, ngọn lá hẹp nhọn còn phía cuống lá thì bầu bầu. Lá phía trên thường nhỏ hơn, cuống ngắn, đôi khi gần như không cuống và ôm sát vào thân. Bẹ chìa mỏng, ngắn hơn các dóng của thân, ở phía dưới lá còn có 2 tai nhỏ tròn.

Cụm hoa hình chùm xim, mọc ở đầu cành dài khoảng 5 – 7cm và mang nhiều hoa. Hoa nhỏ có màu trắng. Quả nhỏ, có 3 cạnh thuôn dài, có hạnh cứng ở chính giữa và khi chín sẽ có màu đen.

2. Bộ phận dùng

Toàn cây thồm lồm được sử dụng để làm vị thuốc trong y học cổ truyền.

3. Phân bố

Loại cây này được tìm thấy ở rất nhiều nơi như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Mianma, Lào, Indonexia. Riêng ở nước ta, cây mọc hoang dại ở các rào bụi, bờ đường, ruộng khô và rừng thưa ở rất nhiều hơi.

4. Thu hái và sơ chế

Dược liệu này có thể thu hái vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên không được dùng phổ biến như nhiều loại vị thuốc khác. Có thể dùng tươi hay sấy khô đều được.

5. Bảo quản

Đối với dược liệu tươi nên sử dụng trong ngày còn dược liệu đã được sấy khô thì cần cho vào túi kín và để ở những nơi khô mát.

6. Thành phần hóa học

Phân tích dược liệu cây thồm lồm ghi nhận có chứa nhiều thành phần như sau:

  • rubin

  • rheum emodin

  • oxymethylanthraquinon

  • anthraquinon

  • glucosid

  • myricyl alcol

  • caroten

  • vitamin C

 

Vị thuốc cây thồm lồm

1. Tính vị

Dược liệu được các tài liệu Đông y ghi nhận là có vị chua, ngọt và tính bình mát.

2. Quy kinh

Được quy vào 3 kinh Tỳ, Can và Đại trường.

3. Tác dụng dược lý

Theo y học cổ truyền:

  • Công dụng: Thanh nhiệt lợi thấp, giải độc, lương huyết, tiêu phù, lợi niệu, minh mục thoái mờ.

  • Chủ trị: Lở vành tai, mụn nhọt, bạch đới, chốc lở, viêm gan, viêm ruột, lỵ, đục giác mác, viêm họng, bạch hầu…

Theo y học hiện đại:

Một số thành phần trong cây thồm lồm được cho là có tác dụng ức chế hoạt động của các loại vi khuẩn, đặc biệt là liên cầu khuẩn. Vì thế mà có thể áp dụng chữa các bệnh ngoài da do nhiễm liên cầu khuẩn. Điển hình như chốc mép, chốc đầu hay eczema nhiễm khuẩn.

Bên cạnh đó, ở Indonexia, nước ép của cây thồm lồm còn được cho là có thể cải thiện triệu chứng của một số bệnh về mắt.

4. Cách dùng – liều lượng

Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà có thể dùng dược liệu theo nhiều cách khác nhau. Có thể giã nát rồi chắt nước uống, phơi khô sắc lấy nước uống hoặc rửa ngoài, hay giã tươi để đắp ngoài da.

Liều thường dùng được khuyến cáo cho một ngày là 12 – 20g ở dạng thuốc sắc. Còn trường hợp dùng ngoài da thì không kể liều lượng.

cây thồm lồm

OLYMPUS DIGITAL CAMERA

Các bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu cây thồm lồm

Cây thồm lồm được dùng trong một số bài thuốc quen thuộc sau đây:

1. Bài thuốc chữa lở ngứa

  • Chuẩn bị: 20g lá cây thồm lồm, 8g kim ngân hoa, 15g rau sam cùng 15g kinh giới.

  • Thực hiện: Các vị thuốc trên đem rửa sạch rồi đun sôi với 2 lít nước. Pha cho ấm để lấy nước tắm. Ngày thực hiện 2 lần đến khi hết ngứa.

2. Bài thuốc trị mụn nhọt

  • Chuẩn bị: 20g toàn cây thồm lồm cùng 10g lá khổ sâm.

  • Thực hiện: Hai vị thuốc trên cho vào ấm, thêm 1 thăng nước. Sắc lấy 200ml, lọc bỏ bã đi rồi uống làm 2 lần, ngày 1 thang. Nên kết hợp với dùng lá thồm lồm tươi giã nát rồi đắp lên chỗ bị nhọt 2 lần/ngày.

3. Bài thuốc chữa lỵ

  • Chuẩn bị: 12g cây thồm lồm.

  • Thực hiện: Đem dược liệu đi rửa sạch rồi cho lên chảo nóng sao vàng. Sắc lấy nước đặc, bỏ bã uống trong ngày.

4. Bài thuốc hỗ trợ chữa bệnh viêm gan

  • Chuẩn bị: 20g cây thồm lồm, 10g mộc hương, 10g đại phúc bì, 12g thổ phục linh, 6g hoàng liên, 10g cỏ seo gà, 15g nhân trần cùng 10g kim tiền thảo.

  • Thực hiện: Các vị thuốc trên cho vào ấm, thêm 800ml nước. Đun trên lửa nhỏ cho đến khi còn 250ml. Bỏ bã đi và chia uống 3 lần trong ngày, dùng 1 thang mỗi ngày. Một liệu trình kéo dài từ 7 – 10 ngày.

5. Bài thuốc chữa viêm nang lông

  • Chuẩn bị: 20g cây thồm lồm cùng 15g bồ công anh.

  • Thực hiện: Hai vị thuốc trên đem cho vào ấm, sắc lấy nước đặc, uống nhiều lần trong ngày. Cần kết hợp dùng lá thồm lồm và ô tặc cốt theo tỷ lệ 2:1, tán thành bột mịn rồi trộn dầu vừng. Sau đó dùng tăm bông chấm thuốc lên vùng da tổn thương 3 – 4 lần mỗi ngày.

6. Bài thuốc chữa viêm da đầu

  • Chuẩn bị: 100g cây thồm lồm cùng 30g lá thông đuôi ngựa.

  • Thực hiện: Hai vị thuốc trên đem đun lấy nước để gội đầu hằng ngày hay cách ngày gội 1 lần.

7. Bài thuốc chữa chốc mép, chốc đầu, chàm nhiễm khuẩn

  • Chuẩn bị: 5kg lá thồm lồm tươi.

  • Thực hiện: Rửa sạch dược liệu rồi cho vào ấm sắc cùng 10 lít nước đến khi còn 2 lịt. Lọc bỏ bã và tiếp tục cô thành cao. Dùng cao này bôi trực tiếp lên vùng da có tổn thương khoảng 2 – 3 lần mỗi ngày. Có thể dùng lá tươi đun lấy nước tắm kết hợp. Tránh kỳ cọ mạnh khi tắm hoặc thoa thuốc.

Cây thồm lồm được cho là có công dụng tốt trong chữa bệnh nhưng bạn nên thận trọng khi dùng. Nhiều bài thuốc vẫn chỉ là kinh nghiệm dân gian mà chưa được kiểm chứng rõ ràng. Tốt nhất, trước khi áp dụng bất cứ bài thuốc nào từ dược liệu này, hãy trực tiếp trao đổi kỹ lưỡng với thầy thuốc.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top