Theo CDC Hoa Kỳ, có hơn 55 triệu người Mỹ hiện tại đã nhận mũi tiêm tăng cường. CDC Hoa Kỳ khuyến cáo bất cứ ai trên 16 tuổi và đã hoàn thành tiêm vaccine COVID-19 trong vòng 6 tháng thì nên tiêm mũi tiêm tăng cường. Tuy vậy, rất nhiều người vẫn đang băn khoăn: phản ứng phụ của mũi tiêm tăng cường có khác gì so với những mũi tiêm ban đầu không? Có nhẹ hơn hay nghiêm trọng hơn không? Hãy cùng tìm hiểu.
Mũi tiêm tăng cường là gì?
Khả năng bảo vệ từ các kháng thể sẽ yếu dần đi theo thời gian, khiến cho việc tiêm mũi tiêm tăng cường trở nên cần thiết để tăng cường khả năng ghi nhớ của hệ miễn dịch. Một số loại vaccine khác, bao gồm vaccine uốn ván cũng cần được tiêm tăng cường.
Phản ứng phụ của mũi tiêm COVID-19 tăng cường cũng tương tự như phản ứng phụ sau khi tiêm những mũi đầu
Một nghiên cứu của CDC Hoa Kỳ xuất bản vào tháng 10 chỉ ra rằng phản ứng phụ của mũi tiêm tăng cường của vaccine Pfizer và Moderna sẽ tương tự như phản ứng của những mũi tiêm đầu tiên, chủ yếu sẽ là đau tay, đau đầu từ nhẹ đến vừa, đau cơ, ớn lạnh, mệt mỏi, sốt, đau khớp. Nhìn chung, những phản ứng này đều chỉ là tạm thời và mũi tiêm tăng cường thường sẽ được dung nạp khá tốt, theo như báo cáo sơ bộ chuẩn bị được xuất bản trên tạp chí British Medical Journal.
Những phản ứng phụ khác với các mũi tiêm ban đầu
Một số người sẽ gặp phải ít phản ứng phụ hơn so với những mũi tiêm ban đầu, trong khi đó một số người sẽ gặp phải phản ứng dữ dội hơn. Tuy nhiên, không có mối liên quan giữa mức độ của mũi tiêm đầu và mũi tiêm tăng cường. Nói cách khác, rất khó có thể dự đoán được bạn sẽ phản ứng thế nào khi tiêm mũi tiêm tăng cường. Bạn không gặp phải phản ứng phụ khi tiêm các mũi tiêm ban đầu không có nghĩa là bạn sẽ không gặp phản ứng phụ khi tiêm mũi tiêm tăng cường và ngược lại.
Các phản ứng phụ nghiêm trọng của mũi tiêm tăng cường rất hiếm gặp
Đã có những báo cáo về một số phản ứng phụ nghiêm trọng như sốc phản vệ và đông máu khi tiêm mũi tiêm COVID-19 đầu tiên nhưng những trường hợp này rất hiếm gặp. CDC thống kê rằng sốc phản vệ xảy ra với tỷ lệ dưới 2 đến 5 phần triệu đối với mũi tiêm ban đầu. Nghiên cứu xuất bản tháng 12/2021 trên tạp chí The Lancet báo cáo rằng có khoảng 5% số người được tiêm vaccine có phản ứng phụ nghiêm trọng. Tuy vậy, cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng về bất cứ phản ứng phụ nghiêm trọng nào tăng lên đối với mũi tiêm tăng cường cả.
Tiêm trộn vaccine không làm tăng nguy cơ gặp phải các phản ứng phụ.
CDC Hoa Kỳ khẳng định rằng không cần thiết phải tiêm mũi tiêm tăng cường cùng loại với mũi tiêm ban đầu. Ví dụ, nếu bạn đã tiêm 2 mũi Pfizer thì bạn có thể tiêm mũi tăng cường là Moderna. Tiêm trộn vẫn có khả năng ngăn chặn virus và không làm tăng thêm các phản ứng phụ sau tiêm.
Vaccine COVID-19 giúp làm giảm tình trạng nhiễm bệnh
Với tình trạng số ca COVID-19 đang tăng lên, nhiều người nghĩ rằng vaccine không có hiệu quả. Nhưng bạn cần biết rằng, 90% số người nhiễm COVID-19 nhập viện là những người chưa được tiêm vaccine. Các bằng chứng khoa học cũng cho thấy rằng vaccine COVID-19 không thể loại bỏ được hoàn toàn tình trạng nhiễm bệnh. Vaccine giúp làm giảm tình trạng bệnh nặng, nhập viện và tử vong, với chức năng đó thì vaccine COVID-19 đang thực hiện rất tốt nhiệm vụ của mình. Mặc dù không đảm bảo 100%, nhưng nếu bạn đã được tiêm vaccine, thì bạn nhiều khả năng sẽ không chết vì COVID-19 được.
Mũi tiêm tăng cường có thể giúp bảo vệ bạn khỏi biến thể Omicron
Tiêm mũi tiêm thứ 3 sẽ giúp bảo vệ bạn trước biến thể Omicron, đây là một tin tốt vì sớm hay muộn Omicron dần sẽ thay thế Delta trở thành biến thể thống trị trên thế giới.
Nhiễm COVID-19 có thể sẽ để lại hậu quả nặng nề hơn phản ứng phụ của việc tiêm vaccine
Mặc dù đa số các ca nhiễm COVID-19 đều nhẹ và không triệu chứng nhưng đã có hơn 800.000 người tại Mỹ đã tử vong vì COVID-19, con số này tại Việt Nam là hơn 30.000 ca tính đến tháng 12/2021. Số lượng bệnh nhân COVID-19 phải thở máy trong bệnh viện còn nhiều hơn và rất nhiều người phải sống chung với những biến chứng lâu dài của COVID-19. Khi cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ, thì rõ ràng việc tiêm COVID-19 đem lại nhiều lợi ích và ít nguy cơ hơn việc nhiễm COVID-19.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh