✴️ Dinatri calci adetat

Tên chung quốc tế: Edetates (calcium - EDTA, calcium disodium edetate).

Mã ATC: V03A B03.

Loại thuốc: Chất tạo phức, thuốc giải độc chì.

Dạng thuốc và hàm lượng

Thuốc tiêm: 200 mg/ml (5 ml).

Thuốc kem bôi da: Natri calci edetat 10%, điều trị tổn thương và nhạy cảm của da đối với kim loại nặng.

 

Dược lý và cơ chế tác dụng

Natri calci edetat làm giảm nồng độ chì trong máu và trong các nơi tích lũy chì ở cơ thể. Calci trong calci EDTA được thay thế bằng những kim loại hóa trị 2 và 3, đặc biệt là chì để tạo một phức hòa tan bền vững có thể bài tiết qua nước tiểu. Calci EDTA được bão hòa với calci, do vậy có thể được dùng tiêm tĩnh mạch với một lượng tương đối lớn mà không gây bất kỳ thay đổi đáng kể nào về nồng độ calci trong huyết thanh hoặc trong toàn cơ thể. Theo lý thuyết, 1 g calci EDTA tách được 620 mg chì, nhưng thực tế chỉ có 3 - 5 mg chì được bài tiết ra nước tiểu sau khi tiêm 1 g thuốc này cho người bệnh có triệu chứng ngộ độc chì cấp hoặc có nồng độ chì cao trong các mô mềm.

Dược động học

Calci EDTA được hấp thu tốt sau khi tiêm. Thuốc được hấp thu kém từ đường tiêu hóa, hơn nữa khi uống calci edetat có thể làm tăng hấp thu chì ở ruột vì phức chì tạo thành tan trong nước tốt hơn.

Khi dùng calci edetat tiêm tĩnh mạch trong điều trị ngộ độc chì, phức chì được bài tiết qua nước tiểu, bắt đầu trong vòng 1 giờ và đỉnh thải trừ đạt trong vòng 24 - 48 giờ. Cơn đau bụng do chì có thể mất đi trong vòng 2 giờ, mềm cơ và run mất đi sau 4 - 5 ngày.

Calci edetat phân bố chủ yếu vào dịch ngoại bào. Thuốc không thấm vào hồng cầu và không vào dịch não tủy với lượng đáng kể nào.

Calci EDTA không được chuyển hóa. Sau khi tiêm, thuốc bài tiết nhanh vào nước tiểu qua lọc ở cầu thận, cả dưới dạng không đổi và dạng phức.

 

Chỉ định

Ngộ độc chì cấp và mạn tính.

Có thể có ích trong điều trị ngộ độc kẽm, mangan nhưng không có tác dụng trong điều trị ngộ độc thủy ngân, vàng hoặc arsen.

Dùng bổ trợ trong chẩn đoán ngộ độc chì.

 

Chống chỉ định

Người bệnh bị bệnh thận nặng, vô niệu, thiểu niệu; người bị viêm gan.

 

Thận trọng

Không dùng quá liều chỉ định hàng ngày.

Tránh tiêm truyền tĩnh mạch nhanh trong điều trị bệnh não do chì; áp lực nội sọ có thể tăng đến mức gây tử vong.

Có thể gây hoại tử ống thận và thận hư có thể tử vong, đặc biệt khi dùng liều cao.

Thận trọng trường hợp có tăng nitơ máu.

Thời kỳ mang thai

Chưa có những nghiên cứu được kiểm soát đầy đủ về dùng calci edetat cho người mang thai, do vậy chỉ nên dùng thuốc trong thời kỳ mang thai khi thật cần thiết.

Thời kỳ cho con bú

Chưa biết calci edetat có vào sữa mẹ hay không, phải thận trọng khi dùng thuốc cho bà mẹ cho con bú hoặc ngừng cho con bú khi điều trị với calci edetat.

 

Tác dụng không mong muốn (ADR)

Tác dụng độc chính và nguy hiểm nhất của calci edetat là gây hoại tử ống thận, có xu hướng xảy ra khi dùng liều hàng ngày quá cao và có thể dẫn đến bệnh thận hư gây tử vong.

Thường gặp, ADR > 1/100

Thận: Hoại tử ống thận.

Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100

Tim mạch: Hạ huyết áp, loạn nhịp.

TKTW: Sốt, đau đầu, ớn lạnh.

Da: Tổn thương da.

Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hóa kèm đau bụng, co rút cơ.

Tại chỗ: Ðau chỗ tiêm sau khi tiêm bắp, viêm tĩnh mạch huyết khối sau khi tiêm truyền tĩnh mạch (nồng độ trên 0,5%).

 

Hướng dẫn cách xử trí ADR

Nếu vô niệu, tăng protein niệu hoặc đái máu, có nhiều tế bào biểu mô thận, hồng cầu trong nước tiểu trong khi điều trị thì ngừng thuốc ngay.

Hạn chế dùng liều quá cao và dùng thuốc kéo dài, tối đa chỉ nên dùng dưới hoặc bằng 5 ngày.

 

Liều lượng và cách dùng

Calci edetat có thể tiêm bắp, dưới da hoặc truyền tĩnh mạch. Ðường tiêm bắp nên dùng cho người có bệnh não do chì và tăng áp lực nội sọ vì phải tránh đưa vào cơ thể quá nhiều dịch truyền. Ðối với trẻ em có thể cũng như vậy. Tuy nhiên, tiêm bắp calci edetat rất đau và thường phải trộn với procain hydroclorid trước khi tiêm.

Ðể truyền tĩnh mạch, pha 1 g natri calci edetat với 250 - 500 ml dung dịch glucose 5% hoặc natri clorid 0,9%. Việc truyền phải kéo dài ít nhất một giờ. Liều thường dùng là 60 - 80 mg/kg/ngày, chia làm 2 lần, và dùng tới 5 ngày. Nếu cần tiêm truyền nhắc lại, phải sau ít nhất 2 ngày. Sau đó không nên điều trị tiếp nữa với calci edetat trong ít nhất 7 ngày. Nồng độ natri calci edetat không bao giờ được vượt quá 3%.

Một cách khác, có thể tiêm bắp calci edetat chia làm 2 hoặc 4 lần mỗi ngày ở dạng dung dịch 20%, trong đó cho thêm procain hydroclorid (không có chất bảo quản) ở nồng độ 0,5 - 1,5% để giảm đau ở nơi tiêm.

Có nhiều phác đồ thay thế khác nhau và phối hợp với dimercaprol tỏ ra có lợi hơn cho một số người bệnh, đặc biệt là trẻ em ở bệnh não do chì.

Thuốc đào thải chủ yếu do thận, cần phải duy trì đầy đủ lưu lượng nước tiểu trong suốt quá trình điều trị. Ở người bệnh suy thận cần dùng liều thấp hơn và khoảng cách dùng xa hơn.

Theo dõi người bệnh khi điều trị

Theo dõi nồng độ urê trong máu, nồng độ calci, creatinin huyết thanh,

Theo dõi lượng nước tiểu.

Theo dõi tim: Kiểm tra định kỳ để phát hiện nhịp tim không đều, đặc biệt khi tiêm tĩnh mạch.

Truyền dịch ở mức tối thiểu nếu có phù não.

Theo dõi xét nghiệm nước tiểu thường xuyên (hàng ngày trong mỗi đợt điều trị) định lượng protein niệu hoặc tìm bằng chứng tổn thương ống thận. Nếu calci EDTA được truyền tĩnh mạch liên tục, cần phải ngừng truyền ít nhất 1 giờ trước khi lấy máu đo nồng độ chì để tránh tình trạng cho kết quả cao giả tạo.

 

Tương tác thuốc

Dùng đồng thời với insulin sẽ giảm thời gian tác dụng của kẽm insulin do xảy ra tạo phức với kẽm.

Dùng đồng thời với những thuốc cung cấp kẽm có thể làm giảm hiệu quả của dinatri calci edetat và phải ngừng điều trị cung cấp kẽm cho đến khi điều trị xong với calci EDTA.

 

Ðộ ổn định và bảo quản

Bảo quản ở nhiệt độ 15 - 30oC.

 

Tương kỵ

Calci EDTA tương kỵ với dextrose 10%, Ringer lactat, chế phẩm của amphotericin B và hydralazin hydroclorid. Không trộn trong cùng bơm tiêm với dimercaprol.

 

Quá liều và xử trí

Triệu chứng: Quá liều calci EDTA có thể làm tăng các triệu chứng ngộ độc chì nặng, do vậy, hầu hết các tác dụng độc xuất hiện có liên quan với ngộ độc chì như phù não, hoại tử ống thận.

Ðiều trị: Ðiều trị phù não bằng truyền mannitol dùng nhắc lại. Cần duy trì tốt lượng nước tiểu bằng các thuốc lợi tiểu để tăng thải trừ thuốc. Cần phải theo dõi nồng độ kẽm trong máu.

Chưa rõ thẩm tách có thể loại được dinatri calci edetat hay không.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top